Việt Nam tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo

Bài 2: Lan tỏa tinh thần sống “tốt đạo, đẹp đời”

Gần 1 tháng qua, tại xóm đạo ở khu vực đường Lê Đức Thọ, phường 15, quận Gò Vấp (TPHCM), người dân hai bên đường đã lắp đặt những hang đá lớn, trang trí đèn led, tiểu cảnh rất lộng lẫy để đón năm mới. Trong các con hẻm ít phương tiện lưu thông, người dân được tạo điều kiện sử dụng một phần lề đường để trang trí, tạo không gian vui chơi, giải trí những ngày xuân. Điều này giúp người dân thêm phần vui tươi, phấn khởi.
Đức cha Giuse Nguyễn Năng, Tổng giám mục Tổng giáo phận TPHCM, thực hiện nghi thức làm phép và khánh thành dàn giao hưởng chuông tại Nhà thờ Đức Bà. Ảnh: HỒNG HẢI
Đức cha Giuse Nguyễn Năng, Tổng giám mục Tổng giáo phận TPHCM, thực hiện nghi thức làm phép và khánh thành dàn giao hưởng chuông tại Nhà thờ Đức Bà. Ảnh: HỒNG HẢI

Trách nhiệm với cộng đồng

Ông Nguyễn Văn Thái (ngụ phường 15, quận Gò Vấp, TPHCM) cho biết, do diện tích nhà có hạn nên các gia đình trong hẻm đã xin ý kiến chính quyền địa phương được trang trí con hẻm trước nhà để cả xóm cùng đón năm mới. Mượn được một phần con hẻm, cả xóm chung tay, góp sức trang trí tiểu cảnh, hang đá, đèn nháy để tạo không khí vui tươi, ấm áp. “Chúng tôi cố gắng làm thật đẹp, tạo niềm vui cho mọi người, đó cũng là niềm hạnh phúc của người dân Công giáo”, ông Thái chia sẻ.

Hòa trong không khí vui tươi, an lành của năm mới, nhiều người dân đã đến Nhà thờ Huyện Sỹ (góc đường Tôn Thất Tùng - Nguyễn Trãi, quận 1) tham quan và dự lễ. Những ánh đèn lung linh giúp nhà thờ gần 120 năm tuổi nằm giữa trung tâm thành phố càng thêm nổi bật. Từ lâu, nơi đây đã thu hút đông đảo người dân và giáo dân đến vui chơi, tham quan, sinh hoạt. Không chỉ được biết đến là nhà thờ lâu đời, kiến trúc độc đáo, điểm sinh hoạt của đồng bào giáo dân, Nhà thờ Huyện Sỹ cũng được nhắc nhiều bởi các hoạt động an sinh xã hội chăm lo người khó khăn, hỗ trợ người dân tại TPHCM và nhiều tỉnh, thành khác.

Hơn 5 năm qua, hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban MTTQ Việt Nam quận 11 trong chương trình “Tôn giáo cùng tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu”, Hòa Thượng Thích Duy Trấn (trụ trì chùa Liên Hoa, quận 11) đã cùng phật tử thành lập Câu lạc bộ Hành trình xanh, thực hiện tổng vệ sinh đường phố vào ngày cuối tuần. Từ sự hưởng ứng, chung tay này, các tăng ni, phật tử chùa Liên Hoa đã gieo ý thức chung tay giữ vệ sinh môi trường đến đông đảo người dân. Hòa thượng Thích Duy Trấn chia sẻ, sự đồng hành của tăng ni, phật tử xuất phát từ ý thức và trách nhiệm. Chính việc tạo điều kiện để tăng ni, phật tử tự do sinh hoạt tín ngưỡng đã giúp họ thêm trách nhiệm cống hiến cho cộng đồng.

Thời gian qua, Nam Thành Thánh thất (quận 1) được biết đến là nơi có nhiều hoạt động chăm lo, hỗ trợ người nghèo, người tàn tật, người già neo đơn, trẻ em cơ nhỡ; tặng học bổng cho con, em đạo hữu… Không chỉ quan tâm, hỗ trợ đời sống vật chất, tinh thần của các đạo hữu đồng đạo, Nam Thành Thánh thất còn thực hiện nhiều hoạt động an sinh xã hội có ý nghĩa với cộng đồng, như: khám, chữa bệnh miễn phí cho người tàn tật, người già neo đơn; tặng hàng hóa, nhu yếu phẩm thiết yếu cho người nghèo, người gặp khó khăn trong cuộc sống; tặng quà cho học sinh nghèo vượt khó...

Luôn quan tâm, tạo điều kiện hoạt động

Ông Nguyễn Hữu Nhơn, Chánh Hội trưởng Ban Cai quản Nam Thành Thánh thất, chia sẻ, thời gian qua, các đạo hữu đồng đạo Cao Đài luôn thực hiện công tác đạo sự, tu học và hành đạo theo Hiến pháp và pháp luật, trên tinh thần “tốt đạo, đẹp đời”. Theo ông Nguyễn Hữu Nhơn, Đảng, Nhà nước và chính quyền TPHCM luôn quan tâm, tạo điều kiện để các tôn giáo tự do hoạt động theo quy định. Chính từ sự tạo điều kiện này, Cao Đài Nam Thành Thánh thất luôn gắn kết chặt chẽ với MTTQ và các tổ chức đoàn thể, địa phương trong các hoạt động an sinh xã hội. Tương tự, linh mục Hồ Văn Xuân, Tổng đại diện Tổng giáo phận TPHCM, cho biết, thời gian Nhà thờ Đức Bà thực hiện trùng tu (từ năm 2017, dự kiến hoàn thành vào năm 2027) đã luôn nhận được sự quan tâm, ủng hộ, tạo điều kiện của chính quyền địa phương và thành phố để công tác thi công được thuận lợi.

Hiện TPHCM có hơn 200 nhà thờ, 15 giáo điểm. Hầu hết các trụ sở đều được xây dựng khang trang và được tạo điều kiện để sinh hoạt theo đúng quy định. Việc được Đảng, Nhà nước và chính quyền TPHCM tạo điều kiện hoạt động trên tinh thần tôn trọng quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng đã giúp các cơ sở tôn giáo thực hiện các hoạt động tôn giáo theo giáo luật của mình, đồng thời đồng bào tôn giáo được tạo điều kiện để thể hiện tự do tín ngưỡng. Điều này tạo được sự đồng tình, ủng hộ của các tổ chức tôn giáo, đồng bào tôn giáo trong tham gia các phong trào hoạt động do chính quyền, đoàn thể các cấp phát động.

Ông Nguyễn Hoàng Giang, Phó Trưởng Ban Tôn giáo (Sở Nội vụ TPHCM), cho biết, những năm qua, với chủ trương đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân tôn giáo có môi trường hoạt động tốt, TPHCM đã hỗ trợ các tổ chức tôn giáo tổ chức thành công đại hội theo nhiệm kỳ, bầu ra chức sắc lãnh đạo là những người ưu tú để lãnh đạo tinh thần, dẫn dắt giáo hội đồng hành cùng Đảng bộ, chính quyền thành phố trong mọi hoạt động. Bên cạnh đó, vào các dịp lễ trọng (như Đại lễ Phật đản, Vu Lan của Phật giáo; Phục sinh, Lễ Giáng sinh của Khối Kitô giáo), thành phố luôn quan tâm, hỗ trợ để các tổ chức tôn giáo hoạt động; lãnh đạo TPHCM và các quận, huyện tổ chức gặp gỡ chung các tôn giáo hay đến thăm, chúc mừng các cá nhân, tổ chức tôn giáo tiêu biểu.

Làm việc thiện vì cộng đồng

Theo Ban Tôn giáo Chính phủ, kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát ở nước ta, các tổ chức tôn giáo tại Việt Nam đã đóng góp hàng ngàn tỷ đồng tiền mặt và hiện vật cho công tác phòng, chống dịch; hỗ trợ và chia sẻ với đồng bào gặp khó khăn do dịch bệnh. Chỉ tính riêng đợt bùng phát thứ 4 của dịch Covid-19, các tổ chức tôn giáo đã kêu gọi chức sắc, tín đồ ủng hộ hàng chục tỷ đồng cho quỹ vaccine ngừa Covid-19; gần 3.000 chức sắc, chức việc, tín đồ tôn giáo đăng ký tham gia hỗ trợ tuyến đầu chống dịch; trên 1.000 tình nguyện viên tôn giáo trực tiếp tham gia cùng các y, bác sĩ chăm sóc, điều trị và động viên tinh thần bệnh nhân mắc Covid-19 tại các bệnh viện thu dung, dã chiến trên địa bàn TPHCM và các tỉnh phía Nam.

Những năm qua, tại địa bàn Tây Nguyên, nhờ đẩy mạnh nhiều chính sách phát triển kinh tế - xã hội cũng như phát huy tốt quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện rõ rệt. Với hơn 5 triệu người sinh sống cùng nhiều thành phần dân tộc đa dạng, phong phú, tỷ lệ đồng bào có tôn giáo ở Tây Nguyên khá cao - với 4 tôn giáo chính (Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Cao Đài) cùng một số tín ngưỡng khác. Ghi nhận cho thấy, hoạt động của các tổ chức tôn giáo trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng thời gian qua cơ bản ổn định, chức sắc, tín đồ chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Các tôn giáo đã tham gia tích cực hoạt động xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục, y tế, bảo trợ xã hội, từ thiện nhân đạo… Đa số chức sắc, nhà tu hành, tín đồ các tôn giáo đã nêu cao tinh thần yêu nước, đồng hành cùng dân tộc “sống tốt đời, đẹp đạo”. Minh chứng là trong thời gian bùng phát đại dịch Covid-19, các tôn giáo đều đồng hành, chung tay vận động tín đồ đóng góp vào quỹ vaccine, ủng hộ nhu yếu phẩm cho TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu…

Tin cùng chuyên mục