Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới đã làm sụp đổ nhiều doanh nghiệp (DN) có bề dày hàng trăm năm, có vốn hàng trăm tỷ USD. Tại VN, không ít tập đoàn, tổng công ty nhà nước lao đao bên bờ vực phá sản. Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) cũng không tránh khỏi sự phá sản hàng loạt. Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) tính đến ngày 31-12-2011, cả nước có 79.014 DN giải thể, trong đó riêng năm 2011 có gần 8.000 DN giải thể. Đó là chưa kể, hàng chục ngàn DN đang làm ăn thua lỗ hoặc tạm ngưng hoạt động.
Khó chồng khó!
Theo chị Đinh Thị Kim Cúc, Giám đốc DNTN Phước Thịnh Nhôm, gần 20 năm kinh doanh trong ngành vật liệu xây dựng nhưng đến năm 2011, DN đã gặp đại hạn. Khó khăn nhất là đơn hàng giảm mạnh, so với năm 2010, các hợp đồng đã giảm tới 60%. Nhiều công trình đang triển khai dở dang cũng buộc phải dừng lại, còn với những dự án đã thực hiện xong, các đối tác cũng thanh toán nhỏ giọt! Không có vốn để xoay xở, Phước Thịnh Nhôm buộc phải vay ngân hàng để duy trì hoạt động.
Tuy nhiên, là DN nhỏ nên việc vay vốn cũng không dễ dàng, hoặc ngân hàng cho vay thì cũng phải chấp nhận mức lãi suất thỏa thuận, cao ngất ngưởng. Theo tính toán của chị Cúc, trước đây lãi suất chỉ bằng một nửa so với hiện nay, nhưng với số tiền vay được DN còn quay vòng được khoảng 5-7 lần, còn nay “khó chồng khó”, lãi cao nhưng không có đơn hàng nên DN có xoay xở giỏi cỡ nào cũng chỉ quay vòng được chừng 3 lần là hết.
Chủ tịch Hiệp hội Vật liệu xây dựng TPHCM Dương Trương Phú Cường cũng cho rằng, năm 2011 ngành sản xuất thép bị ảnh hưởng nặng nề bởi bất động sản bị đóng băng do thiếu vốn, thị trường tiêu thụ chậm, lượng hàng tồn kho trong các DN tăng cao đã đẩy các DN vào thế “tiến thoái lưỡng nan”.
|
Ngành dệt may, da giày được xem là thế mạnh của TPHCM, nhưng nhiều DN cũng rơi vào cảnh khó khăn bộn bề. Trong hơn 2 tháng đầu năm 2012, đơn hàng của cả 2 ngành này đều sụt giảm khá mạnh so cùng kỳ năm ngoái. Nhiều DN da giày giảm đến 30%-45% đơn hàng do tiêu thụ các thị trường XK lớn như EU, Mỹ đều giảm sút. Nhiều DN dệt may vì thiếu đơn hàng, phải chấp nhận giảm giá bán để giữ thị trường và cạnh tranh. Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TPHCM cho biết, trước kia DN dệt may thường ký được đơn đặt hàng trước 6 tháng, nay rút ngắn chỉ còn 3 tháng nên hầu hết các DNNVV rơi vào tình trạng bị động trong sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, DN lại thiếu lao động, chi phí đầu vào tăng cao. Theo tính toán giá vốn hiện tăng khoảng 30%, trong khi giá bán sản phẩm chỉ tăng 5%-7%, làm ảnh hưởng khả năng cạnh tranh, tồn tại của DN.
Ngành chế biến gỗ và thủ công mỹ nghệ cũng đang chao đảo trước hàng loạt những khó khăn, thách thức đặt ra. Nếu những năm trước, ngành gỗ luôn được đặt trong nhóm những mặt hàng có tốc độ tăng trưởng nóng từ 28%-35% thì 2 năm gần đây đã bị loại ra khỏi nhóm này. Theo ông Trần Quốc Mạnh, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ (Hawa), hiện có khoảng 360 DN trong hội nhưng hầu hết hiệu quả sản xuất kém, vòng quay đồng vốn chậm. Nguyên nhân chính là các sản phẩm của VN đang cạnh tranh không cân sức với các mặt hàng cùng loại của các nước.
Trong bối cảnh lãi suất vay vẫn đứng ở mức bình quân từ 17%-18% (trong khi các nước chỉ từ 2%-4%) cộng với giá nguyên liệu đầu vào đã tăng bình quân từ 16%-30%,... tất cả yếu tố này đã làm bất lợi cho sản phẩm VN. Đầu vào tăng trong khi đơn giá tăng không kịp vì các thị trường chủ lực như Mỹ, EU chỉ chấp nhận mức tăng khoảng 5%, đã làm cho lợi nhuận ngày càng teo tóp! Nhiều DN đang đứng trước nguy cơ mất, giảm thị trường vì những lý do nêu trên.
Mặc khác, trong tình hình khó khăn, đại đa số các DN không dám đầu tư phát triển công nghệ mới. Điều này rất nguy hiểm vì sau khi vượt qua khủng hoảng các DN có công nghệ sản xuất lạc hậu sẽ bị lạc hậu, sản phẩm sẽ không cạnh tranh được. Theo dự báo của ông Mạnh, trong quý 2-2012 tình hình khó khăn sẽ trầm trọng hơn. Ngay trong tháng 4 này, giá nguyên liệu gỗ tiếp tục tăng vì nhiều lý do. Các DN trong hội biết nhưng cũng không thể mua nguyên liệu để dự trữ nếu vay vốn với lãi suất cao như hiện nay, trong khi giá đơn hàng không tăng sẽ đẩy DN vào tình trạng lỗ hoặc phá sản.
Theo số liệu mới nhất từ Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM, trong quý 1-2012, TPHCM có tới 931 DN đã khóa mã số thuế để giải thể. Số DN đã hoàn tất thủ tục giải thể tại Sở Kế hoạch và Đầu tư là 526 đơn vị, tăng 23,8% so với cùng kỳ năm 2011.
Theo đó, số DN thông báo ngừng hoạt động gửi đến Cục Thuế TPHCM còn lớn hơn gấp nhiều lần: 5.012 DN, bao gồm cả các đơn vị chờ làm thủ tục giải thể, phá sản; đơn vị đã “mất tích”; đơn vị tạm ngừng hoạt động có thời hạn. Trên địa bàn cả nước, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến cuối tháng 3-2012, có hơn 2.200 DN làm thủ tục giải thể và trên 9.700 DN đăng ký ngừng hoạt động có thời hạn hoặc dừng thực hiện nghĩa vụ thuế. Như vậy, số DN gặp khó khăn phải giải thể, tạm ngừng hoạt động tăng khoảng 6% so với cùng kỳ năm trước. Riêng số DN đã hoàn tất thủ tục giải thể tăng tới 57%.
Vẫn chịu nhiều thiệt thòi
Những khó khăn từ nội tại nền kinh tế và những bất ổn từ nhiều nước trên thế giới, chi phí cho sản xuất và kinh doanh đang bị đẩy lên quá cao đã tác động không tốt đến quyết định của các DN.
Ông Vũ Quốc Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cho biết, DNNVV thời gian qua hầu như không được hưởng ưu đãi gì từ nhà nước. Hiện họ phải chịu thuế thu nhập DN là 25%, nhưng trên thực tế các DN phải chịu cao hơn do có nhiều khoản chi hợp lý nhưng không hợp lệ nên không được đưa vào tính toán khấu trừ thuế. Thứ hai là chi phí thuê mặt bằng của các DNNVV cao gấp 2-3 lần so với các DN có vốn đầu tư nước ngoài và DN nhà nước. Sở dĩ nền kinh tế của ta chưa bị tác động lớn là do có 5 triệu hộ kinh doanh cá thể, các làng nghề cùng DNNVV tiếp sức. Nhưng các DN này đã không còn tiếp cận được vốn ngân hàng, thuế không được giảm, chi phí đầu vào sản xuất tăng, thành ra rất khốn đốn.
Trước tình hình trên, ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hiệp hội DN TPHCM đề xuất Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại nên dành một khoản tiền lớn cho vay đối với các DNNVV có kết quả hoạt động tốt trong năm 2011. Đối với lãi suất nên áp dụng trần lãi suất cho vay thay vì trần lãi suất huy động, sau đó giảm dần lãi suất cho vay theo tình hình lạm phát và tính thanh khoản của ngân hàng. Khi thực hiện Nghị quyết 11, người dân và DN là đối tượng chịu tác động nặng nề nhất, vì vậy, đi đôi với việc siết giảm chi tiêu công, tín dụng, cũng nên giãn, giảm thu các loại thuế, phí và quản lý giá để DN có điều kiện vượt qua khó khăn.
Theo kiến nghị của nhiều DN, đã đến lúc nhà nước cần nhìn nhận lại vai trò, vị trí của DNNVV để từ đó có những cơ chế chính sách hỗ trợ phù hợp và kịp thời, tạo điều kiện cho các DN lớn lên.
Thúy Hải
| |
| |