Chuyện ở biên giới Tây Nam
Kéo Huệ và mấy chị em ngồi xuống, giọng chị Phương Lan nhẹ nhõm: “Mấy nhỏ này đúng là dân thành phố thứ thiệt bây ơi, có mớ tóc mà gội hoài không xong, bom đạn tới nơi chạy sao kịp. Ngồi xuống, chị phụ cho nhanh”. Giọng người chị đồng đội vang lên một góc rừng, các cô gái thanh niên xung phong (TNXP) cười rúc rích… Họ đã bắt đầu cuộc sống nơi tuyến lửa như thế!
Gian khổ sẽ dành phần ai…
Nguyễn Thị Huệ, lúc 21 tuổi đã ở chiến trường biên giới Tây Nam. Đến với đất mới, môi trường mới, Huệ cũng bỡ ngỡ như những chị em khác. Chưa được tập huấn nhưng ai cũng xông xáo vào việc với quyết tâm cao nhất, từ làm đường, tải đạn cho đến xung phong cáng thương ban đêm.
Trên đất Campuchia, ở nhà sàn không an toàn chút nào. Chị em vào rừng ở lán và cách trận địa chỉ chừng 2km, xa ban chỉ huy liên đội nhưng lại gần nơi tập kết chữa trị và kho quân nhu. Vậy là đủ. Cả trung đội nữ súng đạn chừng vài thứ. Bọn địch có ập vào, chắc chắn không chống đỡ nổi. Ấy vậy mà ai cũng hăng say làm việc. Bất kể ngày đêm, trời mưa tầm tã hay nắng gắt chói chang, việc vận chuyển hàng hóa vẫn đều đặn tiến hành. Đó là lương thực, đạn dược, vũ khí, quân trang, cả đơn vị làm năng suất có khi đến 9 tấn/ngày. Khối lượng lớn đối với những cô gái TNXP bé nhỏ. Đâu chỉ vậy, họ còn xây dựng đường sá và công sự chiến đấu, bắc cầu, chống lầy, cáng thương, hiến máu cứu người… Miễn là việc ở chiến trường, họ chẳng từ nan.
Huệ khi còn ở trong nước là cán bộ Ban Cứu tế xã hội (nay là Phòng LĐTB-XH) quận 5, cô chưa từng phải làm việc nặng nhọc đến vậy. Ở chiến trường, cáng thương không chỉ là chuyện của nam giới, chị em cũng xung phong tham gia như Huệ. Mỗi lần cáng thương, một nhóm bốn cô gái cùng thực hiện. Hai cô đi trước, vai gánh võng tải thương binh, tử sĩ, mỏi thì đôi vai của hai cô gái còn lại sẽ thay vào, có khi cả đêm mới chuyển được một chuyến. Huệ và đồng đội không phải ai cũng thuộc đường đi lối lại và chị em phải chọn cách đi vòng, đi vào rừng để chí ít tránh được nguy hiểm. Các cô gái sợ nhất là cáng thương mà phải nhảy qua mấy con mương. Trên đất bạn, ao rạch chằng chịt, mương lớn nhỏ chẳng thiếu. Thế là lọt mương, lọt hai cô một lúc, khiến người trên cáng cũng ướt mèm. “Mình ướt đã đành, sao nỡ để thương binh ướt, lỡ vết thương nhiễm trùng thì sao?”. Vậy là phải tập nhảy mương. Hai cô gái cùng theo nhịp đếm, bước và nhảy đều chân, vai vẫn cáng thương nhịp nhàng, dễ đến 60 - 70kg chứ ít gì. Nhiều lần lọt mương riết rồi quen, lần nhảy sau lại tốt hơn lần trước, rồi trở thành “kiện tướng nhảy mương” hồi nào không hay.
Chống lầy cũng là nhiệm vụ “dài hạn” của cánh nữ TNXP. Những con đường sau cơn mưa lầy lội khiến xe tăng bộ đội mình không qua được. Thế là các đơn vị TNXP được phân công ra làm lại đường để xe qua. Nguyễn Thị Vân, năm đó mới 22 tuổi, cũng thuộc Liên đội 303, đã thông thạo chuyện chống lầy làm đường. Mấy chị em tưởng chân yếu tay mềm mà khỏe thiệt! Hết chặt cây, vác cây rồi sắp xếp lại trên đường, thừa ra một chút lại miệt mài chặt - xếp lại. Nắng thì da đen sạm, mồ hôi túa ra như tắm, mưa thì dầm mình dưới nước. Rồi chuyện vận chuyển hàng hóa, nữ TNXP cũng làm được.
Ở rừng, lao động và phục vụ chiến đấu, các cô gái TNXP “chỉ có đôi vai cáng thương, tải đạn” đen nhẻm, tay chai sần nhưng trưởng thành qua từng ngày. Không còn cảnh “mít ướt” đòi về, không còn chuyện khóc lóc than thở, chỉ có nhiệm vụ bắt buộc phải hoàn thành phía trước.
TPHCM đón chào lực lượng TNXP thành phố hoàn thành nhiệm vụ và trở về từ biên giới Tây Nam
Hoa nở giữa chiến trường
Nam TNXP ở rừng - khỏe re, nơi đâu cũng có thể ngả lưng nghỉ ngơi. Chuyện tắm, giặt quần áo, đầu tóc lại càng tối giản. Tắm tập thể, quần áo một bộ khi hội họp, nghe văn công hát. Còn bình thường, xà lỏn cũng không sao. Nữ TNXP - phức tạp hơn. Chuyện vệ sinh đã khó, đầu tóc muốn giữ cho mượt, cho dài cũng không dễ. Gội đầu thì không sạch. Sạch sao nổi khi cô nào mái tóc cũng dài, thời gian gội đầu cũng lâu hơn, trong khi bom đạn chực ập tới. Vậy là có tốp chị em, xởn tóc ngắn để dễ bề tác chiến. Phòng tắm thì dựng tạm bằng tranh nứa giữa rừng, 2 - 3 cô dồn vô một phòng, chật chội nhưng cũng xong. “Khó khăn chút chút, chị em mình vượt qua được hết”, chị Bùi Thị Sương, Đại đội phó Đại đội 2 Liên đội 303, nhớ hoài những năm tháng ở rừng, ngủ lán. Chị không quên chuyện mỗi chị em được phát một xô cá nhân rồi rủ nhau đi tắm suối. Nữ tắm đầu nguồn, nam tắm hạ nguồn. Mấy anh nam còn phân công hẳn một anh lớn tuổi nhất đội đi cảnh giới cho chị em tắm. Chuyện tắm rửa cũng nhiêu khê, không phải chỗ nào cũng có suối, có sông mà nhiều khi chỉ là con lạch hay vũng nước trâu nằm. Đó là chưa kể, dưới ao lạch, vũng nước trâu nằm màu cà phê ngà ngà ấy có cả xương người. Tội ác của bọn diệt chủng Pol Pot kể bao nhiêu cho đủ.
Đi chống lầy, làm đường xong, trên đường về thấy trái cây rừng là các cô gái lại sà vào, nào là cà na, bình bát, củ chuối, hái về vừa nấu vừa muối chua. Mà dân địa phương thương chị em TNXP lắm, xin gì cũng cho, nhờ gì cũng giúp. Nào là xay giùm cà phê, đổi gạo, đổi đường, nhờ nấu chè.
Sống chung với đồng đội nam, chị em nữ TNXP được cưng nhiều. Chỉ cần thấy mấy cô vẫy xe đi nhờ, kiểu gì các anh cũng cho lên (chứ nam xin đi nhờ thì chưa chắc). Chị Sương nhớ lần “chị đại đội phó chính trị” xuống làm việc với chốt vài ngày, mấy anh em lo quýnh quáng. Trước giờ ai cũng xà lỏn “nhất y nhất quởn”, bởi có mỗi bộ đồ “vía” nên phải giữ thiệt kỹ. Chị ở mấy ngày, ngày nào anh em cũng quần áo chỉnh tề, không dám nói giỡn câu nào. Mấy anh còn dựng hẳn một phòng tắm tạm ở rừng để “chị đại đội phó chính trị” được thoải mái công tác. Rồi đồ ăn ngon, vật dụng tốt cũng nhường phần chị phần em. Sống giữa rừng, ngoài tình đồng chí đồng đội còn là tình thân, sự thông cảm mà mấy anh dành cho chị em vốn chịu nhiều thiệt thòi.
Đêm nào cũng vậy, các cô gái không nằm đếm tiếng pháo - nếu xa rồi tới gần thì tránh còn từ gần tới xa không lo, cũng thủ thỉ với nhau chuyện gia đình, chuyện riêng tư. Ai mà không nhớ nhà, nhớ mấy món mẹ nấu, nhớ ly chè đầu xóm, nhớ đám bạn học… Huệ cũng nhiều đêm mất ngủ. Chị bảo, chỉ có ở đất mẹ mới ngủ ngon giấc, còn nơi rừng thiêng nước bạn, lại nhớ quê mình. Tết đến, chị Sương ở nhờ nhà dân địa phương còn buồn hơn. Bình thường thì nữ sẽ ngủ nhờ hàng hiên nhà người ta, còn nam thì kê ván ngoài sân phơi lúa. Nhưng đến tết, chẳng lẽ cứ ở lì nhà người ta hoài, có mấy ngày tết, ai chẳng muốn riêng tư, nên chị em lại dọn ra chuồng bò ngủ. Dọn dẹp một chút là đặt lưng được. Tết, đêm nằm nhớ mẹ, nhớ em…
Như những bông hoa nở giữa chiến trường, những cô gái TNXP ở biên giới Tây Nam ngày ấy, chỉ có tấm lòng dũng cảm mà không quản ngại khó khăn gian khổ…
Nơi chiến trường ác liệt, anh Lê Văn Lộc, trợ lý chính trị Ban chỉ huy Liên đội 303, Tổng đội 3 biên giới để ý thương thầm cô gái Bùi Thị Sương - Đại đội phó Đại đội 2 Liên đội 303. Sau bài nhạc sáng tác đầu tiên Chờ anh tải đạn về, anh Lộc đã khá nổi tiếng. Một lần, được chị Sương nhờ chép giúp bài hát của mình sáng tác, anh Lộc đổi từ “em” thành tên cô gái mình thích để tỏ tình: Sương ơi có tình nào mà không nhớ không mong. Bởi giặc thù còn quấy phá biên cương nên đôi ta còn ra tuyến trước. Chị nhận thư, cũng nhận luôn tấm chân tình của anh. Thời ấy, tình cảm giữa nam nữ TNXP phải kín đáo, nếu lộ ra sẽ bị phê bình. Cái lu gần lán chị ở thành điểm hẹn thư tín chỉ riêng anh Lộc và chị Sương biết, còn giao liên của chị Sương là “bồ câu đưa thư” cho hai người. Nhiệm vụ hoàn thành, chị Sương về nước trước. Ngày rút quân tình nguyện từ Campuchia về nước, khi xe chở anh Lộc cùng đồng đội chạy ngang dinh Thống Nhất thì đột ngột dừng lại. Anh em cười đùa chọc ghẹo: “Bỏ anh Lộc xuống, có người yêu tìm kìa”. Thì ra chị Sương chạy xe đạp mini theo sau hỏi thăm. Anh xuống xe chở chị về. Tình yêu nối dài qua những lần cuối tuần chị đạp xe xuống Nông trường Nhị Xuân thăm anh và nhân kỷ niệm ngày thành lập Đảng 3-2-1980, anh chị kết hôn. |
ÁI CHÂN - TÂN VĂN
>> Bài 1: Từ nông trường ra biên giới