Bất cập cổ phần hóa

Bài 2: Sợ trách nhiệm, mất nguồn thu

Một điều bất hợp lý là trước đây, để đuổi kịp chỉ tiêu cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN), các đơn vị bán trước “miếng nạc” cho dễ hơn, nhanh đạt chỉ tiêu. Kết quả, đến nay nhiều DN “miếng nạc” sau cổ phần hóa bị các cổ đông chiến lược “thôn tính”, thay vì hỗ trợ phát triển DN thì lại thao túng rồi gây khó khăn, làm cản trở sự phát triển của DN.
Bài 2: Sợ trách nhiệm, mất nguồn thu
Gây khó khăn, thao túng
Vừa qua, câu chuyện “muốn sửa đổi điều lệ cũng không được” của Cholimex Food bị cổ đông Masan kiện ra tòa, chính là lời cảnh báo cho công tác “hậu” cổ phần hóa. Cụ thể, điều lệ cũ của Cholimex Food quy định muốn sửa đổi điều lệ phải được tỷ lệ 75% cổ đông đồng ý, nhưng điều lệ đó căn cứ theo Luật DN cũ mà luật này đã hết hiệu lực, nay luật mới ra đời quy định tỷ lệ nói trên là 65%. Do vậy, đại hội cổ đông đã sửa điều lệ theo mức 65%. Cổ đông Masan kiện, tòa xử buộc DN áp dụng theo điều lệ cũ. Thế là… đến giờ, điều lệ vẫn không được sửa vì cổ đông Masan chiếm hơn 25%. Điều lệ bị hủy thì hội đồng quản trị (HĐQT) bầu theo điều lệ mới cũng bị hủy.
Thế là, trước cuộc họp Đại hội đồng cổ đông, cổ đông Masan đã gửi văn bản khắp các cổ đông lớn đề nghị “hủy toàn bộ hoạt động của DN, vì HĐQT mới được bầu không đúng” và đề xuất những vấn đề trái pháp luật. Theo quy định tại khoản 3 Điều 148 Luật DN, cổ đông có quyền khiếu nại mọi quyết định của DN ra tòa và cho đến khi tòa có bản án thì những hoạt động của DN trước đó vẫn được thừa nhận. Việc Masan đề nghị bác bỏ toàn bộ những hoạt động của DN trước đó khiến cổ đông lo lắng về việc sẽ xử lý thế nào đối với những cổ tức mà HĐQT “bị hủy” tạo ra… Có cổ đông đã nói thẳng: Trước đây, Cholimex Food có nhà đầu tư chiến lược Nhật Bản tham gia, đã hỗ trợ công nghệ, hỗ trợ quản trị, giúp công ty mở rộng thị trường. Nay Masan cũng là cổ đông chiến lược nhưng “chiến thuật” khác hẳn, cứ bắt bẻ, gây khó. Câu hỏi “Masan đầu tư với mục đích gì” được các cổ đông liên tục đặt ra trong đại hội cổ đông.
Một chiêu bài khác trong việc thao túng các DN làm ăn có lãi là trước các kỳ đại hội, cổ đông chiến lược tung tin xấu về DN rồi tuyên bố bán cổ phần, nhằm làm cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ lo sợ và bán cổ phiếu của mình, sau đó họ cho người thu gom nhằm nâng tỷ lệ sở hữu trong DN. Do vậy, các vấn đề “hậu” cổ phần hóa hiện nay là câu chuyện chưa được pháp luật dự liệu trước, khiến cho những DN tốt có nguy cơ bị gây khó và bị thao túng. Điều đó đòi hỏi Nhà nước phải bổ sung các quy định pháp luật và trước mắt, đòi hỏi người đứng đầu DN phải bản lĩnh.
Xử lý trách nhiệm người đứng đầu
Lẽ ra, việc sắp xếp, đổi mới DNNN phải ưu tiên xử lý các DN làm ăn thua lỗ trước, thế nhưng thời gian qua, nhiều công ty “hot” mang lại lợi nhuận cho Nhà nước lại được đưa ra cổ phần hóa trước. Công ty Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan) hay Công ty Thực phẩm Cholimex (Cholimex Food) - những đơn vị đi đầu trong công tác cổ phần hóa giai đoạn 2014-2015, là một ví dụ. Kết quả, sau khi bán hết những “miếng nạc” thì đến giờ, công tác cổ phần hóa DNNN gần như bị đóng băng.    
Dự thảo nghị định mới quy định về công tác sắp xếp, đổi mới DNNN đã bổ sung nhiều quy định tháo gỡ vướng mắc trong công tác cổ phần hóa thời gian qua, đồng thời ngăn ngừa những nguy cơ làm thất thoát tài sản nhà nước. Cụ thể:
- Quy định tiêu chuẩn của nhà đầu tư chiến lược phải là đầu tư cùng ngành nghề kinh doanh với DN cổ phần hóa, có kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh 2 năm gần nhất tính đến thời điểm mua cổ phần phải có lãi và vốn chủ sở hữu trên báo cáo tài chính năm gần nhất được kiểm toán bởi một công ty kiểm toán độc lập, phải đảm bảo có đủ nguồn để mua số lượng cổ phần đăng ký mua.
- Trường hợp chỉ có 1 nhà đầu tư chiến lược đăng ký mua thì không tổ chức bán thỏa thuận cho nhà đầu tư chiến lược, mà chuyển sang bán đấu giá công khai cùng với các nhà đầu tư thông thường khác. Việc này nhằm chống câu kết để hạ giá bán làm thất thoát vốn nhà nước.
- Việc bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược phải thực hiện đấu giá giữa các nhà đầu tư chiến lược với nhau trên Sở Giao dịch chứng khoán và thực hiện bán đấu giá sau cuộc đấu giá công khai (không áp dụng hình thức bán trước cho nhà đầu tư chiến lược và bỏ qua quy định mức khống chế số lượng tối đa 3 nhà đầu tư chiến lược tại mỗi DN).
Về việc chậm cổ phần hóa, ông Văn Đức Mười, nguyên đại biểu HĐND TPHCM, cho biết phương pháp định giá giá trị DN khi cổ phần hóa thời gian qua nặng về bảo tồn đồng vốn hơn là tiềm năng phát triển đồng vốn đó. Việc đánh giá lại đồng vốn mang nặng theo khuôn mẫu các quy định pháp luật. Tức là với nghị định hiện nay thì việc định giá chú ý về thủ tục, nên người thi hành chỉ lo làm đúng giấy tờ chứ không phải đúng “giá trị” DN. Điều đó rất dễ dẫn đến thất thoát tài sản nhà nước. Các nhà chuyên môn thường nặng về pháp lý, chỉ lo đánh giá tổng tiền đã đầu tư như thế nào, làm sao để không bị bắt giò. Tức là, người thực hiện chỉ muốn làm sao để an toàn, đúng quy định và không phải chịu trách nhiệm. 
Đến nay, hầu hết các DN còn lại phải cổ phần hóa là những “ca” khó, đặc thù. Bên cạnh đó, tâm lý sợ trách nhiệm; không muốn thực hiện cổ phần hóa của địa phương vì sợ mất nguồn thu; các quy định hiện tại không đầy đủ, không còn phù hợp, thiếu hướng dẫn… đã góp phần làm công tác cổ phần hóa bị chựng lại. Do vậy, điều cần thiết hiện nay là Chính phủ cần có quy định mới, thay đổi cách xác định giá trị DN và cả việc xác định trách nhiệm người đứng đầu địa phương nếu chậm tiến độ cổ phần hóa DNNN.

Tin cùng chuyên mục