
Samsung Group là ví dụ điển hình về một “chaebol” hàng đầu - cách gọi tập đoàn kinh tế lớn của Hàn Quốc. Tại quốc gia này hiện có tới vài chục tập đoàn lớn có trong thành phần vô số các công ty con và nằm dưới quyền kiểm soát của một gia đình tài phiệt nào đó. Những chaebol này đóng vai trò quyết định trong nhịp độ phát triển kinh tế thần tốc của Hàn Quốc trong nửa cuối thế kỷ qua với những tên tuổi đã trở nên nổi tiếng trên khắp thế giới như Hyundai, Lotte, LG, Daewoo, Kia...
Ảnh hưởng chính trị

Một điểm khác biệt chủ yếu của chaebol so với nhiều tập đoàn kinh tế trên thế giới là ở chỗ, chúng có vai trò và ảnh hưởng rất lớn đến đời sống chính trị của đất nước. Chẳng hạn như chủ tịch Hyundai Heavy Industries là Chong Mong-jun hồi năm 1988 còn được bầu vào quốc hội nước này. Tháng 8 năm ngoái, tờ JoongAng Ilbo của Hàn Quốc và Viện Nghiên cứu chính trị độc lập Đông Á đã cùng cho công bố một danh sách những tổ chức có ảnh hưởng nhất tại phía Nam bán đảo Triều Tiên. Trong danh sách 5 tổ chức hàng đầu đã có mặt tới 4 chaebol, được đánh giá là có ảnh hưởng hơn cả chính phủ và các đảng phái chính trị. “Tứ đại gia” này - gồm có Samsung, Hyundai, SK và LG - chiếm tới 1/2 lượng hàng xuất khẩu và 42% tổng sản lượng hàng hóa của Hàn Quốc.
Công lao và ảnh hưởng của các chaebol tại Hàn Quốc khó có thể đánh giá hết nhưng điều này cũng không có nghĩa là những tập đoàn này có thể đứng trên pháp luật. Sau một loạt những cải cách dân chủ gần đây, ông chủ các chaebol gần đây đã mất dần khả năng có được những mối quan hệ thân thiết với các quan chức chính quyền. Quyết định tổ chức điều tra độc lập về vụ của Samsung Group chỉ là một trong nhiều nỗ lực của Chính phủ Hàn Quốc trong vài năm gần đây nhằm đấu tranh chống nạn tham nhũng trong hàng ngũ của những ông trùm tài phiệt.
Cuộc chạy trốn của ông trùm Daewoo
Ngày 14-6-2005, ngay khi vừa đặt chân xuống cầu thang máy bay tại Hàn Quốc sau khi từ Việt Nam trở về, Kim Woo Chung - cựu chủ tịch tập đoàn Daewoo - đã được các nhân viên Viện Kiểm sát chờ sẵn. Ngay tại sân bay quốc tế Incheon, nhân vật này đã bị còng tay và chuyển ngay tới nhà tù. Lý do của cuộc đón tiếp “hết sức chu đáo” này là các nhà chức trách đã nóng lòng chờ đón lần trở về này của Chung trong suốt 6 năm qua. Mọi chuyện bắt đầu từ tháng 8-1999, khi Daewoo, công ty lớn thứ hai của Hàn Quốc tuyên bố phá sản. Khi các chuyên giá đánh giá số nợ của Daewoo lên tới 80 tỷ USD, Hàn Quốc đã lâm vào tình trạng trì trệ về kinh tế trong một thời gian dài. Cả một làn sóng hỗn loạn và bất ổn đã lan tràn khắp cả nước từ khi các nhà máy của tập đoàn này ngừng hoạt động.
Ảnh hưởng nặng nề trên là không có gì khó hiểu nếu biết rằng, Daewoo trong nhiều năm đã từng là biểu tượng cho sự phồn thịnh kinh tế của Hàn Quốc. Bản thân Kim Woo Chung cũng nổi tiếng là hình mẫu của một thương gia thành đạt. Cuối những năm 1960, Chung với chỉ 5.000 USD đi vay đã bắt đầu sự nghiệp bằng việc mua một nhà máy dệt nhỏ và chỉ trong vòng 3 thập niên đã xây dựng nó trở thành một trong những tập đoàn lớn nhất thế giới với đủ các lĩnh vực kinh doanh như sản xuất ô tô, tàu biển, quần áo, sản phẩm điện tử và kinh doanh cao ốc… Công ty nổi tiếng nhất trong tổng cộng 5 chi nhánh của tập đoàn này - Daewoo Motors với khả năng sản xuất gần 2 triệu xe hơi mỗi năm - hiện đang thuộc về tập đoàn xe hơi khổng lồ General Motors của Mỹ.
Nguyên nhân trực tiếp của vụ phá sản này chính là cuộc khủng hoảng tài chính tại châu Á. Giới lãnh đạo Daewoo do Chung đứng đầu khi đó đã tìm mọi cách duy trì sự tồn tại trên danh nghĩa của Daewoo bằng cách che giấu những khoản nợ khổng lồ, giả mạo các giấy tờ tài chính và chuyển những khoản tiền lớn vào các tài khoản ngân hàng bí mật. Cụ thể là Chung bị cáo buộc đã khai khống tài sản lên thêm 30 tỷ USD và vay nợ trái phép khoảng 10 tỷ USD nữa từ nhiều ngân hàng.
“Đòn nặng” đối với kinh tế Hàn Quốc
Sự phá sản của Daewoo đã giáng một đòn nặng nề vào kinh tế Hàn Quốc, khiến quốc gia này phải mất một thời gian dài mới có thể hồi phục. Kết quả là 7 quan chức cao cấp nhất của tập đoàn công nghiệp khổng lồ này đã bị buộc tội gian lận và lạm dụng tài chính. Tất cả đều bị tống vào tù với những mức án nghiêm khắc khác nhau cùng với những khoản tiền phạt lớn nhất trong lịch sử Hàn Quốc. Tòa đã bắt các bị cáo phải nộp phạt tới 25 ngàn tỷ won (khoảng 19 tỷ USD).
Kim Woo Chung - được coi là nhà sáng lập và nhà lãnh đạo không thể thay thế của Daewoo - đã không chịu ngồi yên để bị bắt giữ. Ngay sau khi tuyên bố phá sản, ông ta đã lên đường trong một “chuyến công tác” tới Trung Quốc và ở lì tại nước ngoài trong suốt 6 năm liền. Từ đó đến trước khi chịu trở về nước Chung được mệnh danh là kẻ chạy trốn nổi tiếng và khó bắt nhất tại Hàn Quốc. Trước khi về nước đầu thú, Chung đã đánh tiếng trước thông qua các luật sư của mình với hy vọng sẽ được chính quyền khoan hồng và xóa bỏ những tội danh cũ. Kim Woo Chung sau đó đã phải ra trình diện tại 3 phiên tòa liên tiếp. Tháng 5-2006, tòa án Seoul đã chính thức kết án Chung 10 năm tù giam, trước khi tòa phúc thẩm giảm án xuống còn 8,5 năm và tòa án cuối cùng cho phép hoãn thi hành án vì lý do sức khỏe. Đúng vào ngày cuối cùng của năm 2007 vừa qua, Tổng thống Roh Moo Hyun đã chính thức ký lệnh ân xá cho Kim Woo Chung.
Bài 4: Quỹ đen của tập đoàn Huyndai
LINH NGA (tổng hợp)
Thông tin liên quan |
- Bài 2: Không là ngoại lệ! - Bài 1: Vén bức màn hối lộ của Samsung |