Tây Nguyên có khoảng 60 vạn hécta đất đỏ bazan và sở hữu trên 40% tiềm năng phát triển cây công nghiệp dài ngày so với cả nước. Cà phê, tiêu và cao su là các loại cây chủ lực trong cơ cấu phát triển kinh tế toàn vùng. Trong những năm qua, cà phê, tiêu và cao su đã giúp người dân nơi đây thoát nghèo và làm giàu…
“Biệt thự hóa” nông thôn
Từ lâu, Tây Nguyên được xem là “kinh đô” cà phê của Việt Nam. Cây cà phê luôn đóng góp gần 30% GDP và hơn 80% giá trị xuất khẩu của toàn vùng. Hiện nay, Tây Nguyên chiếm hơn 90% diện tích và 92% sản lượng cà phê của cả nước. Trong đó, Đắc Lắc chiếm gần 40% diện tích, gần 50% tổng sản lượng cà phê cả nước với sản lượng gần 400.000 tấn/năm; Lâm Đồng chiếm khoảng 26% sản lượng; Gia Lai trên 17%; Đắc Nông 15,2% và Kon Tum ít nhất với khoảng 2,4%. Theo báo cáo của Bộ Công thương, sản lượng xuất khẩu cà phê Việt Nam năm 2011 đạt khoảng 1,2 triệu tấn, với kim ngạch 2,8 tỷ USD. Những con số thống kê trên đủ để thấy “hạt vàng” cà phê đã đưa về một lượng lớn ngoại tệ, giúp hàng trăm ngàn hộ nông dân có của ăn của để. Từ những vườn cà phê này, diện mạo nông thôn Tây Nguyên đổi thay từng ngày. Nhiều địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng heo hút bây giờ đã là những thị trấn, thị tứ sầm uất với những vườn cà phê bạt ngàn như: Ea H’Leo, Buôn Hồ, Krông Pách (Đắc Lắc), Ia Sao, Ia Grai, Đắc Đoa (Gia Lai), hay Lâm Hà, Di Linh (Lâm Đồng)…
|
Nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở những vùng xa như xã Phú Sơn (huyện Lâm Hà, Lâm Đồng), xã Tân Châu (huyện Di Linh, Lâm Đồng), xã Ea M’droh (huyện Cư M’gar, Đắc Lắc)… từ đói nghèo, lạc hậu đã trở thành triệu phú nhờ những vườn cà phê. Là một xã vùng sâu có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tới 70%, những năm trở lại đây Ea M’droh đã khoác lên mình diện mạo mới nhờ hạt cà phê. Đường làng, ngõ xóm đều được đổ bêtông, tráng nhựa. Người dân xây nhà lầu, sắm xe hơi.
Ông Lê Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND xã Ea M’droh, chia sẻ: “Để phát triển kinh tế hộ gia đình, phần lớn diện tích lúa rẫy trước đây bà con đã chuyển sang trồng cà phê. Nhờ vậy, hiện xã có hơn 666ha cà phê cho thu hoạch với hàng ngàn tấn/vụ và giúp bà con thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Bây giờ toàn xã, hộ nào cũng có nhà xây, xe máy và nhiều hộ còn sắm cả ô tô”.
Huyện Cư M’gar có hơn 34.000ha cà phê, sản lượng hàng năm trên 80.000 tấn. Để nâng cao hiệu quả kinh tế, 1.625 hộ nông dân trên địa bàn huyện đã tham gia chương trình phát triển cà phê bền vững với diện tích trên 2.600 ha, sản lượng bình quân đạt trên 7.000 tấn/vụ. Ở xã Tân Châu, huyện Di Linh, xã Phú Sơn, huyện Lâm Hà (Lâm Đồng), cà phê đang “biệt thự hóa” các khu dân cư. Ở những vùng cà phê này, giá ngày công lao động ngày mùa (vụ thu hoạch) đến 150-200 ngàn đồng. Có trường hợp khoán sản phẩm, ngày công lên đến 500 ngàn đồng/người. Đời sống của nông dân được cải thiện, nhà cửa, đường sá, công trình phúc lợi được đầu tư xây dựng. Hạt cà phê đã thực sự làm “thay da, đổi thịt” vùng đất này.
Tỷ phú hồ tiêu
Trên địa bàn Tây Nguyên trong những ngày gần đây, từ Đắc Nông, qua Đắc Lắc rồi Gia Lai, đến đâu chúng tôi cũng nghe người dân hồ hởi bàn tán về chuyện thu hoạch hồ tiêu. Với mức giá ổn định 120.000 đồng/kg, nhiều hộ nông dân ở Tây Nguyên năm nay “trúng lớn”. Ông Nguyễn Văn Khoa - “đệ nhất tỷ phú hồ tiêu” huyện Chư Pưh (tỉnh Gia Lai), cho biết: “Tôi có 7,5ha hồ tiêu, năm nay thu hoạch được gần 60 tấn. Niên vụ sản xuất 2011 - 2012, tiêu mất mùa do sâu bệnh, tuy nhiên, bán lại được giá cao, nên sau khi trừ chi phí, tôi vẫn còn lãi trên 3 tỷ đồng”.
Gia Lai hiện nay có thể xem là “thủ phủ” của cả nước với việc chuyên canh cây hồ tiêu. Toàn tỉnh có hơn 5.000ha tiêu, trong đó thương hiệu “Hồ tiêu Chư Sê” đã vang xa khắp nơi. Nhiều địa phương vùng sâu, vùng xa ở địa phương này đã thực sự “đổi đời” nhờ loại cây có hương vị cay nồng này. Ví như Ia Pia, một xã vùng biên giới của huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai). Toàn xã có 1.123 hộ thì có tới 95% trong số đó trồng hồ tiêu. Cứ người sau học người đi trước, cây tiêu đã trở thành cây kinh tế chủ lực mang lại sự phồn vinh, đủ đầy cho vùng đất vốn từng bị cày xới bởi chiến tranh.
Ông Nguyễn Hồng Thủy, Chủ tịch UBND xã Ia Pia, thổ lộ chân tình: “Vùng đất biên viễn này nếu không nhờ cây hồ tiêu, có lẽ giờ đây nông dân vẫn còn nghèo lắm”. Dẫn chứng cho sự giàu có này là gia đình ông Nguyễn Văn Du. Ở thời điểm hiện tại, với gần 10.000 trụ tiêu, gia đình ông thu nhập hơn 2 tỷ đồng. Hay như ông Trần Văn Hường, những năm trước kinh tế gia đình cũng bình thường như các gia đình khác ở thôn 1 (xã Ia Pia). Từ khi ông quyết định vay vốn ngân hàng đầu tư vào trồng hơn 7.000 trụ tiêu thì điều kiện kinh tế khởi sắc, mỗi năm thu về hàng tỷ đồng...
Ở tỉnh Gia Lai nói riêng và khu vực Tây Nguyên nói chung, hiện nay, những người giàu lên từ mô hình trồng tiêu, thu nhập mỗi năm hàng tỷ đồng không còn hiếm. Một điểm chung họ đều là những nông dân mạnh dạn đầu tư, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và luôn đi đầu trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở địa phương.
Đổi đời nhờ “vàng trắng”
|
Bây giờ đời sống đã thay đổi nhiều nhưng Siu Nhem (dân tộc Ja Rai), công nhân cao su của Nông trường Đoàn Kết (thuộc Công ty TNHH MTV Cao su Chư Prông, tỉnh Gia Lai) không quên những ngày tháng khốn khó của gia đình. Gia đình Nhem quanh năm trông chờ vào mấy sào lúa nước, đói nghèo cứ đeo đẳng suốt bao nhiêu năm. Nghe người dân trong vùng nói xin vào làm công nhân cạo mủ cao su sẽ có thu nhập cao, thế là Nhem làm đơn đầu quân vào Công ty TNHH MTV Cao su Chư Prông. Lúc đầu bỡ ngỡ, khó khăn, nhưng sau gần 10 năm làm thợ cạo mủ, Nhem đã trở thành người thợ có bàn tay tài hoa, thu nhập mỗi tháng từ 4 triệu đồng đến 6 triệu đồng.
Siu Nhem chia sẻ: “Làm nghề cạo mủ cao su phải tranh thủ sớm, trưa, dồn lại cuối năm mới vượt sản lượng cao. Mặc dù mệt nhưng phải cố gắng thì lương tháng và phụ cấp mới cao được”. Rồi Nhem khoe đến năm 2012 đã dành dụm mua được 2 xe máy “xịn” để vợ chồng có phương tiện đi làm, đi chơi. Đồ sinh hoạt trong gia đình cũng sắm đầy đủ.
Ông Phan Sĩ Bình, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Cao su Chư Prông, cho biết: “Hơn 1.000 công nhân là người dân tộc thiểu số đang làm trong công ty, nhiều người đã trở thành trụ cột của gia đình về tài chính. Họ biết tiết kiệm và đầu tư vào sản xuất để có thu nhập thêm”.
Trên vùng đất đỏ bazan, loại cây công nghiệp cho sản phẩm “vàng trắng” đã trở thành cây trồng chiến lược trong việc phát triển kinh tế - xã hội tại các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đắc Lắc... Việc phát triển cao su đại điền, tiểu điền ở các tỉnh Tây Nguyên cũng đã giải quyết việc làm ổn định, tăng thu nhập cho hàng vạn lao động, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, góp phần thoát nghèo ở địa bàn chiến lược này. Đáng chú ý, trên địa bàn tỉnh Đắc Lắc có 3 công ty cao su đã giải quyết công ăn việc làm cho hơn 7.000 công nhân là người dân tộc thiểu số tại chỗ, từng bước giúp họ ổn định cuộc sống, xóa nghèo...
Các đơn vị kinh doanh cây cao su trên địa bàn tỉnh Gia Lai cũng luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi và ưu tiên tuyển dụng lao động là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ vào làm công nhân và nhận chăm sóc bảo vệ vườn cây cao su, nhằm giúp đồng bào xóa đói, giảm nghèo, cải thiện đời sống và tăng thu nhập. Cho đến nay, trong tổng số hơn 30.000 lao động đang làm việc tại các đơn vị sản xuất, kinh doanh cao su trên địa bàn Gia Lai, có hơn 15.000 lao động là người dân tộc thiểu số tại chỗ, trong đó số đông là thanh niên.
Công Hoan - Đức Trung
| |
|