Các khu chế xuất - khu công nghiệp (KCX-KCN) đang dần lộ rõ những bất cập. Việc đầu tư, phát triển các KCX-KCN là cần thiết đối với sự phát triển kinh tế, nhưng đó phải là các KCX-KCN có “sức sống” thực sự, tạo ra lợi nhuận cho đất nước. Không thể chấp nhận tình trạng KCX-KCN mọc lên khắp nơi nhưng suốt bao năm không thu hút được đầu tư, bỏ hoang cho cỏ mọc. Trong khi đó, người nông dân lại không có đất sản xuất.
ĐBSCL: Không dàn hàng ngang mà tiến
Điểm nổi bật nhất đối với ĐBSCL là sự mất cân đối nghiêm trọng trong phát triển công nghiệp của các địa phương nhiều năm qua: ngành công nghiệp chế biến (lương thực, thủy hải sản, thức ăn gia súc) chiếm phần lớn giá trị của toàn ngành; các ngành công nghiệp chế tạo, công nghiệp kỹ thuật cao, công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng chưa phát triển được bao nhiêu. Riêng công nghiệp chế biến, trình độ mới chỉ dừng lại sơ chế, tỷ lệ chế biến chuyên sâu chưa cao, trang thiết bị và công nghệ lạc hậu, năng lực sản xuất hạn chế, chất lượng sản phẩm chưa cao, chi phí trung gian còn lớn.
Theo tính toán của Ban quản lý các KCX-KCN, để có 1ha đất sạch giao cho nhà đầu tư, chi phí bình quân thực hiện không dưới 2-4 tỷ đồng. TS Trần Thanh Bé, Viện trưởng Viện KT-XH TP Cần Thơ cho biết: Đầu tư hạ tầng các KCX-KCN ở ĐBSCL rất tốn kém do nền đất yếu, khoảng 30% chi phí đầu tư đổ xuống dưới lòng đất mà không nhìn thấy. Nếu ở những vùng khác tốn 10 tỷ đồng xây dựng nhà xưởng thì ở ĐBSCL phải tốn đến 13 tỷ đồng. “Vốn đầu tư cao cùng với hạ tầng giao thông chưa hoàn thiện khiến nhiều KCX-KCN khó thu hút đầu tư, lâm vào cảnh hoang phí nhiều năm qua” - TS Trần Thanh Bé khẳng định.
Ông Trần Hữu Hiệp, Vụ trưởng Vụ KT-XH Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, nêu ý kiến: “Thay vì từng địa phương làm KCX-KCN như thời gian qua, tới đây, chính quyền các tỉnh thành nên ngồi lại, xem xét, tiếp cận vấn đề theo không gian rộng lớn hơn ở ĐBSCL. Như vậy phải phân vai trò cho từng địa phương chứ không thể dàn hàng ngang mà tiến”. Theo ông Trần Hữu Hiệp, thay vì chạy theo xu thế chạy đua xây dựng KCX-KCN, ĐBSCL cần tìm cách tăng cường giá trị gia tăng cho các sản phẩm nông nghiệp và thủy hải sản của mình. ĐBSCL cần phải có một quan niệm đúng đắn về phát triển công nghiệp trên cơ sở lợi thế và vị trí của từng địa phương. Nếu không làm được điều này mà tỉnh nào cũng tự mình xoay xở trong khi các KCX-KCN vắng hoe chỉ làm các địa phương hao tâm, tốn của mà lại không mang lại lợi ích cho địa phương.
Thực trạng liên kết tại các KCX-KCN vùng ĐBSCL là liên kết yếu, hiệu quả thấp, tách biệt. Hoạt động sản xuất kinh doanh trong từng KCX-KCN không tạo ra trong chuỗi giá trị chung của địa phương và vùng. Cấu trúc ngành nghề của KCX-KCN quá đa dạng, như các ngành công nghiệp nhẹ, hàng tiêu dùng, thực phẩm, đồ uống, thức ăn gia súc (chiếm hơn 50%); ngành dệt may, da giày sử dụng nhiều lao động; khai thác, chế biến từ nguyên liệu nông-lâm-thủy sản; tỷ lệ xuất khẩu cao nhưng gia công là chính, giá trị gia tăng thấp. Đáng lưu ý, các KCX-KCN có dự án quy mô vốn lớn, công nghệ hiện đại chỉ chiếm khoảng 5%-6%, rất ít doanh nghiệp đầu tư vào các ngành công nghệ cao như điện, điện tử, vật liệu mới. Do vậy, không phải cứ thành lập là có KCX-KCN. Quan trọng hơn, các KCX-KCN trong vùng chưa thúc đẩy được quá trình công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn.
Miền Trung: Tăng cường liên kết
Theo TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế Trung ương, miền Trung có tới 15 khu kinh tế (KKT) ven biển nhưng chỉ có một số ít KKT thể hiện được phần nào vai trò động lực và đóng góp vào phát triển kinh tế, xã hội vùng. Thế nên, việc Chính phủ quyết định tạm dừng cấp phép thành lập KKT, KCN là phù hợp với thực tế. Đối với các KKT đã thành lập xem xét xây dựng tiêu chí xem xét phân loại các KKT để tập trung đầu tư, hoàn thiện kết cấu hạ tầng của một số KKT có nhiều tiềm năng, lợi thế hơn so với các KKT khác để phát triển đi trước một bước, tạo tác động tích cực lan tỏa tới khu vực xung quanh. Theo ông Thiên, cần nghiên cứu việc xây dựng mô hình KKT mang tính đột phá áp dụng các KKT đã thành lập, chẳng hạn như mô hình đặc KKT, thành phố công nghiệp. Đồng thời, nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách gắn với đặc thù của từng KKT để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của KKT.
Trong khi đó, một vấn đề lâu nay được các địa phương đặt lên bàn nghị sự nhưng vẫn chưa tìm được tiếng nói chung, đó là vấn đề liên kết vùng, liên kết các KKT. TS Nguyễn Bá Ân, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch – Đầu tư), ngoài việc nêu lên vấn đề bức thiết cần tập trung thực hiện là việc hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông, ông cũng đặt lại vấn đề để kết nối các địa phương trong nước cũng như các khu vực như Lào, Thái Lan và Campuchia. Muốn như vậy, theo ông Nguyễn Bá Ân cần nhanh chóng hoàn thiện đường cao tốc Nha Trang - TPHCM, Đà Nẵng - Chu Lai - Quảng Ngãi - Quy Nhơn, Đà Nẵng - Huế - Quảng Trị; nâng cấp đường sắt đạt tiêu chuẩn kỹ thuật cấp quốc gia và khu vực; triển khai xây dựng tuyến đường sắt đôi khổ 1,435m đoạn Nha Trang - TPHCM… để thuận lợi cho các nhà đầu tư đi và đến. Đặc biệt, các địa phương phải biết hy sinh lợi ích trước mắt để hướng đến lợi ích lâu dài, bền vững của toàn vùng duyên hải; tránh sự đầu tư dàn trải mang tính cạnh tranh nội bộ. Việc liên kết phải dựa trên nền tảng của sự đồng bộ cả về tổ chức và phát triển, tránh sự chồng chéo, dẫm đạp lên nhau hay “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” làm hỏng khối liên kết như lâu nay.
Thống nhất quan điểm chỉ đạo xuyên suốt trên, tại hội thảo “Liên kết phát triển 7 tỉnh duyên hải miền Trung” được tổ chức tại Đà Nẵng mới đây, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh lại: Miền Trung có rất nhiều lợi thế và tiềm năng. Nhưng để phát huy những lợi thế, tiềm năng này như thế nào thì nhất thiết cần có sự liên kết giữa các địa phương với nhau trên cơ sở những cơ chế, chính sách mà Đảng và Nhà nước đưa ra. Các địa phương cần xác định rõ vai trò, lợi thế của mình để từ đó tập trung phát triển theo hướng chuyên sâu, quy mô. Ví dụ: Đầu tư công nghiệp công nghệ cao tại Đà Nẵng, công nghiệp ô tô tại Quảng Nam, công nghiệp lọc hóa dầu tại Quảng Ngãi, công nghiệp chế biến gỗ ở Bình Định, công nghiệp đóng tàu tại Khánh Hòa... Từ đó mới có cơ hội thu hút các nhà đầu tư tiềm năng, có nguồn vốn lớn, tạo cú hích cho địa phương và khu vực. Không chỉ liên kết các tỉnh miền Trung với nhau mà cần phải liên kết với 5 tỉnh Tây Nguyên. Điều này càng làm cho thế mạnh của toàn vùng được nâng cao hơn, phát triển vì thế cũng đồng bộ, tránh chồng chéo, trùng lắp và cạnh tranh với nhau”.
Nhóm PV
| |
| |