Ngày 2-6, giới chức ngành đường sắt thông báo hủy hàng chục chuyến tàu khi nhân viên hãng đường sắt quốc gia Pháp SNCF tuyên bố tiếp tục cuộc bãi công trong ngày.
Không chỉ tại Paris, tại các thành phố khác trên khắp nước Pháp như Marseille, Toulouse..... nhiều cuộc biểu tình cũng đang được lên lế hoạch tiến hành trong ngày 2-6.
Thành viên của Tổng liên đoàn lao động Pháp (CGT) biểu tình gần sân bay Marseille
Trước đó, ngày 1-6, giao thông công cộng tại thành phố Paris trở nên hỗn loạn khi công nhân viên hãng SNCF bãi công.
Đây là cuộc bãi công lần thứ 8 của SNCF trong vòng 3 tháng qua, yêu cầu chính phủ tăng lương và cải thiện điều kiện làm việc. Cùng với cuộc bãi công của ngành đường sắt, nhân viên hệ thống tàu điện ngầm và các nhà máy điện hạt nhân cũng đang lên kế hoạch tiến hành bãi công. Công đoàn của các phi công thuộc Hãng hàng không Air France của Pháp thậm chí thông báo tiến hành cuộc bãi công trong ngày 11-6.
Nhiều chuyến tàu bị hủy trong ngày 2-6
Các cuộc đình công trên diễn ra suốt 3 tháng qua đang làm gia tăng áp lực cho Chính phủ Pháp vốn đã chịu nhiều chỉ trích từ người dân do liên quan đến dự luật cải cách lao động mà họ cho là có lợi cho giới chủ hơn người lao động. Tranh cãi giữa chính phủ và các tổ chức công đoàn gia tăng cho thấy chưa có dấu hiệu hạ nhiệt nào trước khi diễn ra Giải Vô địch bóng đá châu Âu (EURO) 2016, dự kiến khai mạc vào ngày 10-6.
Bất chấp đình công và biểu tình biến thành bạo lực tại nhiều nơi, Tổng thống Pháp Francois Hollande vẫn kiên quyết từ chối nhượng bộ yêu cầu của các nghiệp đoàn rằng phải hủy bỏ dự luật cải cách lao động mới. Họ chỉ trích dự luật này cho phép giới chủ sử dụng lao động trong tuyển dụng và sa thải nhân viên, trong khi làm tổn hại tới các quyền cơ bản của người lao động.
Hạnh Xuân