Tuyến quốc lộ 60 bắt đầu từ ngã ba Trung Lương (Tiền Giang), qua Bến Tre, Trà Vinh và điểm cuối tiếp giáp với quốc lộ 1A trên địa phận TP Sóc Trăng, đã rút ngắn đường đi từ Mỹ Tho đến Sóc Trăng trên 50 km so với đi theo quốc lộ 1A; rút ngắn đường đi từ Mỹ Tho đến Trà Vinh 60km so với đi theo quốc lộ 1A và quốc lộ 53. Vì thế, từ khi cầu Rạch Miễu hoàn thành (tháng 1-2009), lượng xe khách và xe tải từ Trà Vinh, Sóc Trăng đã chọn tuyến đường này đi TPHCM. Thêm nữa, từ khi cầu Cổ Chiên thông xe đến nay, lượng phương tiện tiếp tục đổ dồn về tuyến đường này, nên thường xuyên gây ùn ứ và kẹt xe trên cầu Rạch Miễu.
Trước khi có cầu Rạch Miễu, Bến Tre là một ốc đảo với sông nước tứ phía, giao thông đi lại cực kỳ khó khăn, kìm hãm sự phát triển của vùng đất cù lao này. Để phá thế gần như cô lập và cách trở sông nước của Bến Tre, dự án xây dựng cầu Rạch Miễu được nghiên cứu từ những năm 1980. Tuy nhiên, phải đến năm 2002, công trình mới được khởi công xây dựng. Nhưng sau đó do khó khăn về vốn nên phải đình lại. Mãi đến năm 2004, dự án mới được tái khởi động, đến năm 2009 thì khánh thành.
Cầu Rạch Miễu có chiều dài 8.331m kể cả đường nối hai đầu cầu. Cầu chính số 1 và số 2 có tổng chiều dài 2.868m, trong đó có một phần là kết cấu dây văng; chiều ngang từ 12-15m, chỉ có 2 làn xe ô tô. Ngay sau khi khánh thành, từ ngày 29 đến mùng 6 tết năm đó, cầu bị kẹt cứng phương tiện vào giờ cao điểm.
Từ đó đến nay, hầu như vào các dịp lễ, tết, và chiều chủ nhật hàng tuần, cầu Rạch Miễu đều bị ùn ứ, kẹt xe. Sắp tới, khi việc nâng cấp, mở rộng quốc lộ 60 hoàn thành, cầu Đại Ngãi nối Trà Vinh - Sóc Trăng đi vào hoạt động thì chắc chắn cầu Rạch Miễu sẽ càng quá tải. Trước tình trạng này, nhiều phương án đã được lãnh đạo hai tỉnh Tiền Giang và Bến Tre đưa ra, trong đó có cả phương án khôi phục phà Rạch Miễu để giải quyết tình trạng ùn tắc. Đây là phương án dự phòng nhưng rất quan trọng, phải tính đến.
Mới đây, UBND tỉnh Bến Tre, Ban Quản lý dự án 7 (Bộ GTVT) và Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT đã họp bàn các phương án đầu tư xây dựng cầu Rạch Miễu 2. Các bên đã bàn bạc, xem xét hai phương án xây cầu mới, gồm có xây cầu Rạch Miễu 2 rộng 12m, sát với cầu Rạch Miễu hiện hữu, với tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 2.768 tỷ đồng. Phương án 2 là xây cầu mới cách cầu Rạch Miễu hiện hữu khoảng 3km về phía thượng lưu, đường dẫn vào cầu phía tỉnh Tiền Giang trùng với TL 870, còn đường dẫn phía Bến Tre được đầu tư mới đi dọc theo kênh sông Mã, nối vào đường quy hoạch mới của TP Bến Tre và kết nối với quốc lộ 60 tại đường vào cầu Hàm Luông. Cầu Rạch Miễu 2 rộng 16m. Tổng kinh phí khoảng 4.702 tỷ đồng. Tỉnh Bến Tre đề xuất chọn phương án 2 vì lợi thế của phương án này là sẽ phân theo 2 trục giao thông khác nhau, tránh được lưu lượng phương tiện đổ về TP Mỹ Tho (Tiền Giang), sẽ đáp ứng được nhu cầu giải quyết ùn tắc giao thông về lâu dài trên quốc lộ 60.
Cầu Rạch Miễu là cầu dây văng đầu tiên do các kỹ sư Việt Nam thiết kế và nhà thầu Việt Nam thi công. Niềm tự hào ấy và những khó khăn trong xây dựng ở thời điểm ấy chắc chắn không ai quên. Thế nhưng, điều đáng lưu ý ở đây là phải chi lúc đó những người thiết kế có tầm nhìn dài hơn, hoặc điều kiện kinh tế cho phép, xây dựng cầu rộng hơn hoặc có sẵn phương án kỹ thuật để mở rộng cầu khi cần thiết, thì không có chuyện đưa ra giải pháp tình thế là khôi phục phà Rạch Miễu, hay buộc phải xây mới một cây cầu khác như nêu trên. Tầm nhìn ngắn hạn, giải pháp tình thế trong xây dựng cơ bản là vấn đề chung của nhiều nơi, không riêng gì chuyện cầu Rạch Miễu. Bài học ở đây là phải có quan điểm xuyên suốt, tuân thủ triệt để quy hoạch dài hạn để đảm bảo sự phối hợp đồng bộ các dự án. Có như vậy mới tránh việc làm đi làm lại, mất công mất sức và tốn kém nguồn lực của đất nước, của nhân dân.
TRẦN MINH TRƯỜNG