Đặt quyền lợi thí sinh lên hàng đầu

Năm 2025, công tác thi tốt nghiệp và xét tuyển đại học (ĐH) được xem là năm bản lề của sự đổi mới theo Chương trình Giáo dục phổ thông mới. Không thể phủ nhận nỗ lực của toàn ngành, đứng đầu là Bộ GD-ĐT, song công tác tuyển sinh ĐH, cao đẳng (CĐ) cũng bộc lộ những hạn chế liên quan đến quyền lợi của hơn nửa triệu thí sinh đăng ký xét tuyển ĐH.

Từ nay đến 17 giờ ngày 28-7, thí sinh chỉ còn vài ngày để tính toán chọn ngành - chọn trường, bắt đầu hành trình tự lập chuẩn bị xây dựng một nghề nghiệp cho tương lai sau 12 năm học tập. Thế nhưng, “đổi mới” của Bộ GD-ĐT về quy đổi điểm học bạ THPT, điểm các kỳ thi riêng (thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy, đánh giá năng lực chuyên biệt, V-SAT...) về thang điểm 30 (tổ hợp 3 môn xét tuyển) khi xét tuyển ĐH không chỉ khiến thí sinh, phụ huynh, các chuyên gia tuyển sinh mà cả các trường ĐH-CĐ cũng rối bời.

Tại sao lại xảy ra tình huống này? Thực tế, trong tháng 3 vừa qua, khi Bộ GD-ĐT thông tin về quy định quy đổi điểm, đã có khá nhiều luồng ý kiến và phân tích về tính bất hợp lý nhưng Bộ GD-ĐT đã không đưa ra được một công thức chung để các trường làm căn cứ. Chính vì vậy mà hiện nay, dù cùng một mức điểm của kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội nhưng được quy đổi ra thang điểm 30 ở các trường lại khác nhau.

Lại càng khó hiểu hơn nữa, chính đơn vị tổ chức là ĐH Quốc gia Hà Nội đưa ra công thức quy đổi với kết quả chênh lệch đến vài điểm so với các trường khác. Việc tính toán này dù được Bộ GD-ĐT yêu cầu “công khai, minh bạch” nhưng kết quả khác nhau thì thí sinh hoàn toàn không hiểu được!

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 có 2 môn chính là Toán và Ngữ văn, và hai môn tự chọn trong các môn thuộc Chương trình Giáo dục phổ thông mới gồm: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Tiếng Anh, Công nghệ. Điều này làm số lượng tổ hợp xét tuyển ĐH trong năm 2025 khá nhiều và đa dạng (có trường có đến 30-40 tổ hợp; năm 2024 thường là 4 tổ hợp), có trường cho thí sinh tự chọn môn cho tổ hợp xét tuyển.

Thế nhưng, Bộ GD-ĐT chỉ công bố bảng bách phân vị của 7 tổ hợp để các trường làm cơ sở xây dựng quy đổi, gồm: A00 (Toán, Lý, Hóa), A01 (Toán, Lý, Anh), B00 (Toán, Hóa, Sinh), C00 (Văn, Sử, Địa), D01 (Toán, Văn, Anh), C01 (Toán, Lý, Văn), D07 (Toán, Hóa, Anh). Vậy những trường sử dụng vài chục tổ hợp ngoài 7 tổ hợp có dữ liệu của Bộ GD-ĐT hay thí sinh sử dụng các tổ hợp khác lấy gì để làm cơ sở tính toán thực hiện quy đổi(!?).

Điều này không chỉ làm khó cho các trường mà sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của thí sinh. Vậy “điểm mờ” của việc quy đổi ngoài 7 tổ hợp trên lấy gì để công khai, minh bạch với thí sinh và ai chịu trách nhiệm khi thí sinh khiếu nại?

Theo các chuyên gia, điểm học bạ THPT chiếm đến 50% điểm xét tốt nghiệp của thí sinh; các kỳ thi riêng do mỗi trường tổ chức có thang điểm khác nhau (có trường thang điểm 1.200, có trường thang điểm 150...) và có cấu trúc đề thi không giống nhau (dù là đề tổng hợp kiến thức); kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 là thi theo từng môn.

Vậy thực hiện quy đổi ra thang điểm 30 theo đối sánh với điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2025 là hoàn toàn không thuyết phục. Việc chọn mẫu đã không đồng nhất để đưa ra một kết quả chung, rồi làm cơ sở quyết định đến kết quả đậu - rớt của mỗi thí sinh trong cuộc cạnh tranh gay gắt vào ĐH là một bài toán hoàn toàn không thuyết phục.

Việc đổi mới trong bất cứ lĩnh vực nào cũng cần thiết, nhưng mục tiêu cuối cùng của đổi mới là mang đến những giá trị thiết thực, tạo thuận lợi cho các đối tượng và tất cả phải công khai, minh bạch, đảm bảo sự công bằng. Tuyển sinh ĐH, CĐ là cuộc cạnh tranh gay gắt, việc đậu - rớt chỉ chênh lệch 0,01 điểm. Do đó, việc đưa ra một quy định mới mà chưa tạo được sự đồng thuận, chưa có tính thuyết phục và đang tạo ra sự phức tạp, rối rắm cho việc xét tuyển cần được Bộ GD-ĐT nhanh chóng có giải pháp khắc phục nhằm đảm bảo quyền lợi cho hàng trăm ngàn thí sinh.

Tin cùng chuyên mục