Không hẹn mà gặp, 3 liên đoàn thể thao có năng lực xã hội hóa cao nhất của thể thao Việt Nam là bóng đá, bóng chuyền và quần vợt hiện đều khuyết vị trí tổng thư ký vốn cực kỳ then chốt đã gần 1 tháng rồi mà chưa thể tìm người thay thế. Cả 3 tổng thư ký cũ đều từ chức trong bối cảnh hoạt động của 3 liên đoàn đều sa sút nghiêm trọng từ thành tích đến uy tín. Việc ra đi của họ cũng là điều bình thường, vấn đề là không tìm ra người thay thế xứng đáng trên nền nhân sự hiện tại của các liên đoàn.
Điều đáng chú ý, 3 cựu tổng thư ký nói trên đều là cán bộ của Tổng cục TDTT được biệt phái kiêm nhiệm. Không khó để kết luận rằng, kiểu làm việc ấy không thể đem lại kết quả tốt khi tư duy của cán bộ nhà nước không theo kịp sự phát triển của xã hội ở những môn mà sự phát triển đang dựa hoàn toàn vào các nguồn lực bên ngoài. Hệ quả của cách làm ấy bây giờ đó chính là không ai còn muốn “nhảy” vào những “chiếc ghế nóng” đang còn bỏ trống bởi không ai có thể làm được gì nếu cơ cấu của liên đoàn vẫn mang dáng dấp là cánh tay nối dài của các bộ môn thuộc Tổng cục TDTT. Nghĩa là vấn đề không phải ở chiếc ghế tổng thư ký mà ở tổ chức của liên đoàn.
Ví dụ như môn bóng chuyền. Đây là môn được xã hội hóa sớm nhất, phát triển chuyên nghiệp nhanh nhất nhưng thành tích cấp độ đội tuyển quốc gia lại sa sút nhất. Số lượng các đội bóng chuyền chuyên nghiệp tại Việt Nam đứng đầu châu Á, tham gia hàng loạt giải đấu trong năm nhưng chất lượng thì cứ giậm chân tại chỗ. Hay như môn quần vợt vốn có nền tảng phong trào phát triển rầm rộ nhưng đến nay, ngôi sao sáng nhất là Nguyễn Hoàng Thiên, mới 17 tuổi và chủ yếu dùng tiền gia đình để tự đi du đấu chuyên nghiệp. Số giải đấu trong năm của quần vợt Việt Nam ngày càng ít đi, đến nỗi gia đình của Hoàng Thiên phải tự tài trợ tiền để tổ chức một số giải quốc tế nhằm tạo điều kiện cho con mình được thi đấu tích điểm.
Tiêu biểu nhất là môn bóng đá. Chức danh tổng thư ký của ông Trần Quốc Tuấn để lại không ai “dám” ngồi dù trước đây đó là nơi “ngồi mát ăn bát vàng”. Kể từ sau khi các ông bầu - doanh nhân nhúng tay trực tiếp vào làm bóng đá chuyên nghiệp thông qua sự ra đời của Công ty VPF thì người ta mới giật mình thấy LĐBĐ VN (VFF) hầu như… chẳng còn gì để làm. Sự việc này cho thấy quá trình phát triển xã hội hóa của các môn thể thao hình như thiếu dấu ấn của các liên đoàn nên khi thiếu vị trí quan trọng như tổng thư ký thì mọi chuyện cũng chẳng bị ảnh hưởng gì cả.
Vai trò và chức năng của các liên đoàn thể thao cần thiết và quan trọng như thế nào, điều đó chẳng cần phải bàn thêm. Thế nhưng là một tổ chức xã hội nghề nghiệp mà sự đóng góp lại quá ít ỏi đến quá trình phát triển chung thì cần phải xem lại cơ cấu tổ chức, nhân sự và cả chất lượng hoạt động của các liên đoàn. “Cuộc chiến truyền hình” hay mối quan hệ mang hơi hướng “xung đột lợi ích” giữa VFF và VPF trong thời gian vừa qua đã phơi bày sự thật về “mặt bằng” giữa các liên đoàn và xã hội. Nói một cách khác, nếu không thay đổi, chính các liên đoàn thậm chí còn kéo lùi sự phát triển của xã hội trong thể thao chuyên nghiệp.
Phát triển thể thao chuyên nghiệp không bao giờ là việc đơn giản. Càng không thể nói đến chuyện làm thể thao chuyên nghiệp nếu chưa thể thay đổi tư duy, trình độ cùng công tác tổ chức bộ máy quản lý, nói gì đến chuyện vạch ra chiến lược 5 năm, 10 năm… Sự thất bại trong hoạt động của 3 liên đoàn thể thao mạnh nhất nói trên đã là một bài học cho thể thao Việt Nam trong năm 2012, năm được xem là bản lề của công tác phát triển thể thao chuyên nghiệp theo tinh thần nghị quyết mà Đại hội Đảng lần thứ XI đề ra.
Việt Tâm