10 năm sau sự kiện khủng bố đẫm máu nhằm vào nước Mỹ và Mỹ bắt đầu phát động cuộc chiến chống khủng bố trên phạm vi toàn cầu, thế giới nói chung và nước Mỹ nói riêng vẫn chưa an toàn. Trong khi đó, vụ khủng bố đã mở đầu một giai đoạn đầy khó khăn, nếu không nói là làm lung lay sức mạnh của cường quốc số 1 thế giới.
Hầu hết các chuyên gia phân tích tình hình chính trị thế giới cho rằng cuộc đấu tranh của Mỹ không giải quyết được nguyên nhân cốt lõi dẫn đến chủ nghĩa khủng bố mà chỉ đặt cuộc đấu tranh chống khủng bố của cả thế giới vào cái vòng luẩn quẩn: tấn công - trả thù - lại tấn công - trả thù.
Có thể nói chính sách bá quyền của Mỹ đối với thế giới, nhất là thế giới Hồi giáo là nguyên nhân quan trọng dẫn đến mâu thuẫn gay gắt mà đỉnh điểm là cuộc tấn công khủng bố ngày 11-9-2001. Nhưng tiếc thay, sau sự kiện này, nước Mỹ không thay đổi định hướng của chính sách đối ngoại mà còn can thiệp thô bạo hơn vào công việc nội bộ của các nước khác, tiến hành những cuộc chiến tranh xâm lược dưới danh nghĩa cuộc đấu tranh chống khủng bố.
Và từ đầu năm 2011 đến nay, sự can thiệp này được đánh bóng bằng cái tên khá mỹ miều: bảo vệ nhân quyền và dân chủ. Mục đích của chính sách can thiệp này không gì khác hơn là mở rộng không gian lợi ích của Mỹ, trong đó không chỉ gồm những quốc gia giàu dầu mỏ, những quốc gia có vị trí địa - chính trị, kinh tế quan trọng như Afghanistan, Iraq, Iran, Libya, Ai Cập…
Những cuộc chiến tranh xâm lược, các cuộc can thiệp thô bạo vào nội tình các nước đã khiến cho hình ảnh nước Mỹ bị tổn thương nghiêm trọng, làm cho sức mạnh mềm của nước này bị lung lay. Không chỉ vậy nó còn làm cho nước Mỹ thêm thù, bớt bạn. Pakistan là một bằng chứng. Sau ngày 11-9-2001, Pakistan trở thành đồng minh chủ chốt của Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố nhưng sau khi Mỹ ngang nhiên vi phạm chủ quyền của nước này trong cuộc tấn công tiêu diệt bin Laden, Mỹ đã đẩy Pakistan ra khỏi “danh sách đồng minh” với 59% người Pakistan trong một cuộc thăm dò ý kiến hồi đầu tháng 8 coi Mỹ là kẻ thù, cho dù họ vẫn đang nhận viện trợ của Mỹ.
Có lẽ quan trọng nhất vẫn là việc Mỹ cùng các đồng minh phương Tây nhiều lần vi phạm luật pháp quốc tế bằng những cuộc chiến tranh xâm lược nhưng tổ chức quốc tế lớn nhất hành tinh là LHQ cũng không thể trừng phạt được các nước này mà có lúc còn đồng tình với họ. Thái độ này đã khiến cho những quốc gia bị đối xử bất công cảm thấy chỉ có con đường đứng lên đáp trả mới giải quyết được mâu thuẫn. Và đó là mầm mống phát sinh nạn khủng bố.
Bằng chính sách chống khủng bố không bắt đầu từ gốc và không tôn trọng luật pháp quốc tế, không tôn trọng cộng đồng quốc tế, tự cho mình quyền phán quyết, cường quốc số 1 thế giới đã có những bước đi sai lầm. Cái giá phải trả là nền kinh tế suy sụp do chi phí quá lớn cho chiến tranh, người dân Mỹ chưa cảm thấy an toàn và quyền lực nước Mỹ đang bị lung lay, biến Mỹ trở thành một trong những đối tượng của nhiều tổ chức quốc tế được thành lập với cái tên “chống Mỹ”.
Bài học xương máu của nước Mỹ là lời cảnh tỉnh cho những ai đang ấp ủ ý tưởng bá quyền thế giới bằng sức mạnh, bằng cường quyền bạo lực, bằng tạo dựng mối quan hệ quốc tế bất bình đẳng và tự cho mình quyền phán quyết, quyền đứng trên luật pháp quốc tế.
VIỆT TRUNG