Bài học phòng chống tham nhũng từ vụ án AVG

Trong vụ án MobiFone mua 95% cổ phần AVG, một thủ đoạn rất xưa cũ đã được sử dụng và suýt chút nữa có thể trót lọt. Đó là thông qua các công ty tư vấn định giá, giá bán của AVG được nâng cao nhiều lần (tài liệu điều tra cho là đến 15 lần) so với giá trị thực, để cả phía MobiFone và AVG đều được hưởng lợi. 
Bị cáo Trương Minh Tuấn nói lời sau cùng tại phiên tòa sơ thẩm. Ảnh: TTXVN
Bị cáo Trương Minh Tuấn nói lời sau cùng tại phiên tòa sơ thẩm. Ảnh: TTXVN

Móc nối kê khống để chiếm đoạt

Hiện nay, tình trạng móc nối với nhau kê khống giá mua, bán để chiếm đoạt tiền của Nhà nước là không hiếm, nếu không muốn nói là phổ biến. Nhiều vụ án tham nhũng khác cũng có hành vi tương tự, có những tài sản không có nhiều giá trị sử dụng nhưng vẫn được mua với giá rất cao bằng hợp đồng kê khống, nhằm hưởng hoa hồng và khoản chênh lệch.

Như trường hợp ụ nổi 83M sản xuất từ năm 1965 được Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) mua với giá 9 triệu USD, trong khi đơn vị sở hữu chào bán với giá chỉ 5 triệu USD; cùng với chi phí sửa chữa và vận chuyển, thương vụ này tốn 19,5 triệu USD. Sau cùng khi vụ việc bị vỡ lở, qua đấu giá năm 2016, ụ nổi chỉ bán được 38,5 tỷ đồng, tương đương 1,74 triệu USD theo thời giá lúc đó.

Có đơn vị tổ chức cho cán bộ, nhân viên đi tham quan, học tập, đã nâng khống số lượng người tham dự, số cuộc tham gia, đơn giá chi phí của từng người để hưởng phần chênh lệch. Có tình trạng các dự án, công trình được quyết toán với mức chi phí cao, dù đã thông qua đấu thầu có vẻ rất công khai, nghiêm túc, nhưng phần chi phí thực hiện thực tế lại khá thấp, cuối cùng các bên liên quan chia nhau phần chênh lệch. Do vậy, có một số dự án được mua đi bán lại nhiều lần nhưng vẫn có người mua, vì dù mua giá cao họ vẫn có lời; chỉ có người thụ hưởng dự án là chịu lỗ. Đó là trường hợp các dự án đường sá, cầu cống, dù theo giá thiết kế luôn được cho là rất cao so với thông lệ nhưng có thể qua nhiều lần mua bán (chưa kể việc bị “rút ruột”) nên chất lượng nhiều khi không tương xứng với chi phí đó.

Kẽ hở trong đấu thầu, giám sát, nghiệm thu, định giá

Hiện tượng thường thấy ở một số cơ quan là khi mua sắm thiết bị, vật tư hoặc sửa chữa cơ sở vật chất, bên mua (bên sửa) thường đề nghị bên bán (bên nhận sửa) ghi cao hơn chi phí thực, để người đi thực hiện công việc đó hưởng phần chênh lệch. Có khi, bên bán (bên nhận sửa) còn chủ động đề nghị ghi giá cao hơn nhằm tạo “lợi ích” cho người thực hiện, để lần sau họ lại đến mua hoặc mang đến sửa. Kể cả khi có hóa đơn giá trị gia tăng (VAT), cách thức này vẫn được áp dụng, khi trừ đi chi phí VAT thì bên mua (bên sửa) vẫn có lợi. Đối với trường hợp do kinh phí đến mức phải thực hiện đấu thầu, thì đôi khi các hình thức đấu thầu và bỏ thầu đều không thực chất, mà có sự sắp xếp trước để bên được nhận thầu là bên có quan hệ với bên tổ chức thầu. Và có thể sự móc nối lại diễn ra tương tự trường hợp không có đấu thầu.

Các hiện tượng có tính chất tương tự còn có: khi thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp có vốn của Nhà nước, phần tài sản nhà nước thường được định giá không sát với thị trường (nhất là nhà, xưởng, đất, thương hiệu…; dĩ nhiên là thấp hơn giá trị thực) khiến vốn nhà nước bị thất thoát và phần thất thoát đó chuyển vào tay các cá nhân. Hoặc khi thực hiện bán công sản (nhất là nhà, đất), việc định giá dù có đủ các ban, hội đồng nhưng không ít trường hợp tài sản được định giá thấp hơn giá thị trường và giá trị thực, làm cho Nhà nước bị thiệt hại, đồng thời có tổ chức hoặc cá nhân lại được lợi.

Các vụ việc trên cho thấy quy định về đấu thầu, giám sát, nghiệm thu, định giá… cơ bản là có đủ và có thể điều chỉnh được hầu hết sự việc, nhưng khi người thực hiện tìm cách móc nối lẫn nhau, làm sai lệch hồ sơ, thay đổi tính chất và bản chất vụ việc theo hướng có lợi cho cá nhân của các bên liên quan thì sai phạm cứ xảy ra. Trên thực tế, phải xem các gian dối này là một hành vi tham nhũng vì đã dùng các thủ đoạn để chiếm đoạt tiền của, tài sản của Nhà nước, bất kể mức độ thiệt hại vật chất lớn hay nhỏ. Bởi suy cho cùng, thiệt hại lớn nhất ở đây không hẳn là tài sản mà chính là kỷ cương, kỷ luật, sự minh bạch trong hoạt động của các cơ quan nhà nước. Có xem đó là tham nhũng thì việc điều tra, xử lý mới thực sự nghiêm minh, tránh giơ cao đánh khẽ, xử lý nội bộ hoặc bao che lẫn nhau.

Các quy trình, quy định về thực hiện các hoạt động mua sắm, sửa chữa, tham quan, học tập, nghỉ mát… cần được thực hiện một cách công khai trong cơ quan, đơn vị, để cán bộ, công chức, viên chức, người lao động kiểm tra và giám sát tính minh bạch. Chẳng hạn, cần có quy định với một số hoạt động có kinh phí mức nào đó (chẳng hạn từ 50 triệu đồng trở lên cho mỗi hoạt động) thì sau khi thực hiện, phải công khai trong cơ quan trong bao nhiêu ngày để mọi người có thể đánh giá tính chính xác; nếu sau đó không có ý kiến thắc mắc, phản ánh, tố cáo… thì vụ việc mới được quyết toán.

Tin cùng chuyên mục