Ngày 1-1-2012, tròn 10 năm ngày đồng EUR chính thức lưu hành. Đây là cột mốc đáng chú ý đối với đồng tiền chung của khối liên minh các quốc gia duy nhất trên thế giới tính đến thời điểm hiện tại, đặc biệt trong bối cảnh châu Âu tiếp tục bộn bề với vấn đề nợ công.
Trên thực tế, đồng tiền này đã tồn tại 13 năm khi đồng EUR bắt đầu được biết đến tại thị trường tài chính của 11 quốc gia châu Âu năm 1999. Mặc dù vậy, đến 1-1-2002, đồng EUR mới được lưu hành chính thức tại châu Âu với việc phát hành các tờ tiền giấy và đồng xu tại 12 quốc gia. Đến giữa năm 2011, 14,2 tỷ tờ tiền giấy và 95,6 tỷ đồng tiền xu với tổng trị giá 870 tỷ EUR đã được lưu hành tại 17 quốc gia thuộc khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone) với 332 triệu dân.
Đồng tiền này mang lại lợi ích rất lớn cho khu vực: tăng tính minh bạch về giá cả, loại bỏ chi phí trao đổi tiền tệ, giúp bánh xe kinh tế châu Âu vận hành trơn tru. Kể từ năm 1999 đến nay, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã thành công khi giữ mức lạm phát trong khu vực ở mức 2%/năm. Hơn thế, đồng EUR như một biểu tượng hữu hình về bản sắc thống nhất của khu vực.
Tuy nhiên, đối với người dân EU, họ không để ý đến những thống kê nêu trên. Vấn đề họ đang quan tâm là giá sinh hoạt leo thang, tỷ lệ thất nghiệp cao và an sinh xã hội của họ bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng nợ công lan rộng từ eurozone.
Một cuộc khảo sát cho thấy 85% người Đức đổ lỗi lạm phát cao là do đồng EUR. Biểu tượng thống nhất của châu Âu đang bị lung lay dữ dội và không ít người đã nghĩ và chuẩn bị cho kịch bản đồng tiền chung của khu vực sẽ “biến mất”.
Nguyên nhân do đâu?
Ông Philip Whyte, nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm cải cách châu Âu có trụ sở tại London, cho hay thiếu sự đồng nhất về chính sách tài chính, cơ chế giám sát tài chính chung, các quốc gia thành viên trong khối đặt nặng lợi ích của riêng mình là những nguyên nhân dẫn đến cuộc khủng hoảng của eurozone hiện nay. Những tranh cãi dai dẳng tìm lối thoát cho cuộc khủng hoảng hiện nay tại châu Âu chỉ xoay quanh về mâu thuẫn chính trị.
Tại hội nghị đầu tháng 12-2011, EU đã đạt được thỏa thuận về quy định tài chính chặt chẽ hơn trong thời gian tới để vượt qua khủng hoảng nợ. Tuy nhiên, thỏa thuận mới lại làm xuất hiện rạn nứt trong EU. Chính Thủ tướng Anh David Cameron từng cho rằng mâu thuẫn nảy sinh do 17 quốc gia eurozone thảo luận các chính sách đối phó với khủng hoảng kinh tế mà không nhận được sự ủng hộ hoàn toàn của toàn bộ 27 nước thành viên EU và giận dỗi vì những nước thuộc eurozone đặt các quốc gia nằm ngoài eurozone vào “việc đã rồi”.
Tại Litva, nhiều người bắt đầu phản đối đồng EUR và không còn phấn khởi như thời điểm năm 2004 khi họ mới chân ướt chân ráo vào EU. Bản thân người dân các nước trong eurozone cũng bị chia rẽ bởi sự bất công khi các nước giàu có và làm việc cật lực như Đức phải oằn lưng gánh chịu, chia sẻ các khoản nợ do các anh chàng hào phóng và “vô kỷ luật” Hy Lạp, Italia, Tây Ban Nha... gây ra.
10 năm trước, châu Âu hồ hởi với sự ra đời của đồng tiền chung, bước đánh dấu cho sự hội nhập sâu, mạnh hơn của các thành viên trong khối. Một thập kỷ sau, các nước sử dụng đồng tiền này đang đứng trước cuộc khủng hoảng nghiêm trọng.
Dù gì, không thể phủ nhận rằng chỉ mới 10 năm lưu hành, đồng EUR được xem là đồng tiền quan trọng thứ hai sau đồng USD. Và bài học kiểm soát đồng EUR của eurozone thật sự trở thành một bài học bổ ích.
ĐỖ VĂN