Bài học thành công từ nền văn học "không nổi tiếng" Hàn Quốc

Bài học thành công từ nền văn học "không nổi tiếng" Hàn Quốc

Cả hai nền văn học Việt Nam, Hàn Quốc có điểm giống nhau là… không nổi tiếng; bạn đọc, nhà xuất bản quốc tế vì thế không mấy mặn mà. Chính vì thực tế đó đòi hỏi cần có những hoạt động quảng bá đặc thù, dành riêng để đưa tác phẩm trong nước ra thế giới.

Man Booker International, một trong những giải thưởng văn học uy tín nhất thế giới hiện đã có một sự thay đổi mang tính cách mạng. Từ năm 2016, giải sẽ trao cho cuốn sách đơn lẻ thay vì đánh giá toàn bộ quá trình sáng tác của nhà văn như trước đây. Sự thay đổi này đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều nền văn học còn tương đối xa lạ với văn đàn thế giới, nơi các tác giả vốn cũng không nổi tiếng. Hiệu quả đến ngay lập tức khi giải lần này đã thuộc về nhà văn Han Kang của Hàn Quốc với tác phẩm The Vegetarian, viết về sự nổi dậy của người phụ nữ nhằm thoát khỏi các ràng buộc cũ kỹ của xã hội.

Đây là lần đầu tiên một nhà văn Hàn Quốc đoạt giải Man Booker International. Điểm đáng chú ý nữa là tác phẩm trên còn qua mặt một loạt các tác phẩm của các nhà văn nổi tiếng thế giới khác như Orhan Pamuk (Nobel Văn học năm 2006), Elena Ferrante (nhà văn nổi tiếng người Italy), nhà văn Áo Robert Seethaler…

Tác giả Han Kang (phải) và dịch giả Rebecca Smith tại lễ trao giải Man Booker International 2016. Ảnh: REUTERS

Trong số các nền văn học ở châu Á, văn học Hàn Quốc được đánh giá khá gần với văn học Việt Nam. Những đề tài chính của văn học Hàn là chiến tranh và những vấn đề hậu chiến, những biến đổi của xã hội hiện đại trong cơn lốc kinh tế, tình cảm gia đình… Đây cũng được xem là nguyên nhân chính khiến văn học Hàn Quốc ít được bạn đọc Việt Nam chú ý bởi những đề tài trên cũng là những đề tài quen thuộc được các nhà văn Việt Nam khai thác từ hàng chục năm qua.

Chính vì vậy, việc một tác phẩm Hàn Quốc đoạt một trong những giải thưởng văn học lớn nhất thế giới đã tạo nhiều cảm xúc với các nhà văn Việt Nam. Khác với những nền văn học lớn trong khu vực như Nhật, Trung Quốc, câu chuyện thành công của văn chương Hàn mang đến nhiều bài học cho những người làm văn chương Việt.

Vẫn biết sáng tác văn chương là vấn đề mang tính cá nhân, việc có được tác phẩm hay, xuất sắc hoàn toàn dựa vào tài năng của người viết văn, các yếu tố bên ngoài có thể ảnh hưởng nhưng không mang tính quyết định. Thế nhưng, văn học từ Hàn Quốc nằm ở chỗ họ có một chính sách cụ thể, xuyên suốt để những tác phẩm của các tác giả trong nước có thể đến với bạn đọc nước ngoài. Và trong số rất nhiều tác phẩm đến với bạn đọc thế giới đó, những hạt ngọc sẽ được tìm thấy, nền văn học, đất nước, con người Hàn sẽ được biết đến nhiều hơn.

Cả hai nền văn học Việt Nam, Hàn Quốc có điểm giống nhau là… không nổi tiếng; bạn đọc, nhà xuất bản quốc tế vì thế không mấy mặn mà. Chính vì thực tế đó đòi hỏi cần có những hoạt động quảng bá đặc thù, dành riêng để đưa tác phẩm trong nước ra thế giới.

Bài học quảng bá văn học của Hàn Quốc có thể nhận thấy rõ nhất tại Việt Nam. Họ tìm kiếm các dịch giả Việt Nam có trình độ, hiểu biết về Hàn Quốc để chuyển ngữ tác phẩm, hỗ trợ các nhà xuất bản để đưa các tác phẩm đến tay bạn đọc.

Họ tổ chức hàng loạt buổi hội thảo, tọa đàm, giao lưu để giới thiệu những tác phẩm của các nhà văn Hàn. Rồi từ các cuộc gặp gỡ đó, ngay khi nhận thấy những tác phẩm đề tài chiến tranh không phù hợp nhu cầu bạn đọc Việt, họ đã tổ chức những cuộc hội thảo, nghiên cứu để tìm kiếm, khảo sát nhu cầu bạn đọc Việt.

Và khi nắm bắt được nhu cầu, họ giới thiệu những tác phẩm phù hợp với nhu cầu đó. Thành quả đến rất nhanh, các tác phẩm mới của Hàn Quốc ở Việt Nam chuyển từ đề tài chiến tranh, xã hội qua đề tài gia đình đã mau chóng được bạn đọc tiếp nhận.

Trong khi đó, cho đến nay chúng ta vẫn chưa có một chính sách xuyên suốt nào để quảng bá văn học Việt ra thế giới. Đơn cử như ở các hội chợ sách nổi tiếng như hội chợ sách Frankfut (Đức), các đơn vị làm sách, xuất bản… đều theo kiểu “có gì mang nấy”, chọn những tác phẩm ưng ý nhất của mình đem đi giới thiệu mà không hề nắm bắt được nhu cầu của khách hàng, bạn đọc.

Thậm chí, hầu hết các tác phẩm trong nước được xuất bản ở nước ngoài hiện nay đều theo dạng bị động; bạn đọc nước ngoài tình cờ tiếp xúc, thấy hay nên giới thiệu, đề nghị xuất bản. Một số ít là nằm trong các chương trình giao lưu văn hóa, ta đưa sách nào, bạn xuất bản sách đó và dĩ nhiên với kiểu giới thiệu như vậy không có gì lạ khi sách Việt rất ít tác phẩm gây ấn tượng với bạn đọc thế giới.

Không phải là các nhà làm sách trong nước không nỗ lực, từ các tổ chức nghề nghiệp đến các cá nhân đều cố gắng tìm cách đưa sách ra nước ngoài nhưng do thiếu kế hoạch chung, cách làm manh mún nên hiệu quả khá thấp. Như việc dịch thuật tác phẩm, những người làm sách đã đầu tư dịch các tác phẩm trong nước ra nhiều thứ tiếng để phổ biến. Cách làm này rất tốn kém nhưng hiệu quả lại rất thấp, bởi cũng như tác phẩm nước ngoài khi xuất bản trong nước không ai lại dùng dịch giả nước ngoài biết tiếng Việt để dịch mà đều dùng dịch giả Việt biết tiếng nước ngoài để chuyển ngữ. Chỉ có như vậy mới có thể chuyển được ý của tác phẩm cho bạn đọc trong nước. Cuốn The Vegetarian đoạt giải vừa qua dựa trên bản dịch tiếng Anh do một dịch giả Anh thực hiện.

Thành công của Hàn Quốc là một kinh nghiệm cho Việt Nam vì những sự tương đồng trong sáng tác của hai nước. Nếu có thể làm tốt công tác quảng bá sách như Hàn Quốc đã làm thì sẽ góp phần tạo nên cơ hội cho văn học Việt ghi dấu vào văn đàn thế giới.

TƯỜNG VY

Tin cùng chuyên mục