“Lịch sử vợ” và góc nhìn đa chiều về vai trò của người phụ nữ trong hôn nhân

Trong bối cảnh xã hội hiện đại, khi những quan niệm truyền thống về vai trò giới đang được chất vấn và thay đổi, tọa đàm "Hành trình tự chủ của phụ nữ: Một đối thoại về Lịch sử vợ", mang đến một góc nhìn đa chiều và sắc bén về vai trò của người phụ nữ trong hôn nhân.

Chiều 30-11, tại TPHCM, NXB Phụ nữ Việt Nam phối hợp cùng Ban Công tác phía Nam - Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức tọa đàm "Hành trình tự chủ của phụ nữ - Một đối thoại về Lịch sử vợ".

Chương trình quy tụ nhiều học giả và chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực văn học, triết học và nghiên cứu giới. Đáng chú ý, nội dung thảo luận không chỉ xoay quanh cuốn sách Lịch sử vợ của tác giả Marilyn Yalom, mà còn mở rộng sang bối cảnh văn hóa và xã hội Việt Nam qua từng giai đoạn.

z6084573266631_dd267a80551c8de297ff09487526c0f4.jpg
Ấn phẩm "Lịch sử vợ" vừa được NXB Phụ nữ Việt Nam ấn hành

“Vợ” không chỉ là một từ đơn thuần để chỉ vai trò trong gia đình, mà còn mang theo nhiều tầng ý nghĩa văn hóa và lịch sử. Từ những người vợ thời cổ đại bị ràng buộc bởi các quy chuẩn gia trưởng đến người vợ hiện đại tự chủ, hành trình của “vợ” phản ánh sự tiến hóa của xã hội và các giá trị nhân quyền. Buổi tọa đàm đặt ra những câu hỏi quan trọng: Vai trò “vợ” được định hình thế nào trong các bối cảnh lịch sử khác nhau? Liệu những định kiến xã hội và áp lực truyền thống có đang làm lu mờ giá trị cá nhân của người phụ nữ?

TS Nguyễn Thị Minh, giảng viên ĐH Sư phạm TPHCM, cho rằng một phần của vấn đề nằm ở sự chuyển dịch từ mô hình “hôn nhân chức năng” sang “hôn nhân đồng hành”. “Hôn nhân chức năng đặt nặng vai trò của người vợ như một người nội trợ, chăm sóc gia đình. Trong khi đó, hôn nhân đồng hành nhấn mạnh sự bình đẳng, chia sẻ và đồng hành giữa hai người. Tuy nhiên, ở Việt Nam, sự chuyển dịch này vẫn gặp nhiều thách thức do ảnh hưởng của văn hóa gia trưởng”, TS Nguyễn Thị Minh cho biết.

z6084561626838_44e78244d5ab5ece34e660f2be68f3a9.jpg
Các diễn giả tại chương trình. Từ trái qua: TS Trần Ngọc Hiếu, ThS Đinh Hồng Phúc, TS Hồ Khánh Vân, GS-TS Trương Thị Hiền, TS Đào Lê Na và TS Nguyễn Thị Minh

Từ góc nhìn lịch sử, ThS Đinh Hồng Phúc nhận định rằng, việc nội hóa các quy chuẩn gia trưởng từ thời phong kiến đến hiện đại đã tạo ra những khuôn mẫu cố định về vai trò của vợ. Ông bày tỏ: “Cần phải nhìn nhận rằng “bản năng làm vợ” hay “bản năng làm mẹ” không phải là điều vốn có. Chúng được xây dựng qua thời gian bởi các diễn ngôn văn hóa và xã hội. Chúng ta cần một cái nhìn mới mẻ để giải phóng phụ nữ khỏi những khuôn mẫu cứng nhắc”.

z6084561627763_d7e24ade8a1383b4666c55861e3428b3.jpg
Tọa đàm thu hút sự quan tâm của đông đảo bạn đọc

Đặc biệt, buổi tọa đàm cũng mở ra không gian để thảo luận về những dạng của “hôn nhân đồng hành” trong thời đại mới, khi sự tự chủ của phụ nữ đang trở thành một giá trị toàn cầu. Hai diễn giả là TS Đào Lê Na và TS Hồ Khánh Vân mang đến những phân tích từ góc độ văn học và nghệ thuật, giúp những người tham dự hiểu rõ hơn về cách các tác phẩm văn học và điện ảnh đã phản ánh, chất vấn, và đôi khi thách thức những quy chuẩn bất bình đẳng về giới.

z6084561637243_0577b31380f42a668e227f771020ab6e.jpg
Không chỉ có độc giả nữ, nhiều độc giả là nam giới cũng có mặt tại chương trình, chăm chú lắng nghe các chuyên gia chia sẻ về vai trò của người phụ nữ trong hôn nhân

Không chỉ là một buổi chia sẻ học thuật, tọa đàm còn tạo điều kiện để độc giả tham gia trao đổi và đặt câu hỏi. Trong vai trò điều phối, TS Trần Ngọc Hiếu đã khéo léo kết nối ý tưởng giữa các diễn giả và độc giả, biến buổi tọa đàm thành một diễn đàn để tất cả cùng suy nghĩ về cách định hình mối quan hệ gia đình trong tương lai. Những câu hỏi và góc nhìn tiếp tục được mở ra, như một cách khơi gợi để bạn đọc đi tìm câu trả lời cho chính mình: Liệu chúng ta đã sẵn sàng cho một cái nhìn mới về “vợ”? Và liệu người phụ nữ có thể bước ra khỏi các khuôn mẫu cũ để khẳng định sự tự chủ của mình trong hôn nhân và đời sống?

Tin cùng chuyên mục