Bài học từ Aceh

Hơn 6 năm trôi qua, kể từ ngày thảm họa động đất gây sóng thần ở Ấn Độ Dương quét qua tỉnh Aceh của Indonesia cướp đi mạng sống hơn 170.000 người. Cũng như Aceh, toàn bộ các thị trấn dọc theo bờ biển vùng Đông Bắc Nhật Bản gần như bị san bằng hoàn toàn, hầu hết những người còn sống sót không còn của cải và người thân...

Nếu như báo chí thế giới lúc đó miêu tả toàn cảnh Aceh với nỗi tuyệt vọng của người sống sót, các thi thể đang bị thối rữa thì những hình ảnh từ Nhật Bản lại đề cao sự trật tự, phản ứng bình tĩnh của người dân trước thảm họa.

Báo Christian Science Monitor nhận định rằng: “Chịu đựng và tha thứ là giá trị cốt lõi của người Nhật Bản”. Nhưng trong khi những hình ảnh người dân xứ sở Hoa anh đào đang cố gắng trở lại cuộc sống bình thường thì các chuyên gia tâm lý cảnh báo rằng, dù vẻ bề ngoài của người Nhật có “cứng rắn” đến đâu, họ vẫn không thể tránh khỏi một cú chấn thương tâm lý trầm trọng sau thảm họa 11-3 vừa qua.

Từng làm việc suốt 6 tháng ở Aceh để giúp hơn 500 người Indonesia giải quyết các triệu chứng rối loạn cảm xúc, Rika Setiawati, cộng tác viên của chương trình tâm lý 2 năm do Hiệp hội Ibu, một tổ chức phi lợi nhuận hỗ trợ phụ nữ và trẻ em trong những trường hợp khẩn cấp cho biết: Rất quan trọng để “đẩy” mọi người trở lại với hoạt động thường ngày bởi vì hoạt động này sẽ giúp họ “tái thiết” lại tâm trí sau những tổn thương tình cảm, khi mà hầu hết những người sống sót luôn luôn trong tư thế cầu nguyện vì họ nghĩ rằng mình bị trừng phạt vì đã làm gì đó tội lỗi.

Trong một cuộc nghiên cứu với tựa đề: “Sức khỏe thần kinh ở Sumatra sau sóng thần”, Elizabeth Frankenberg, một chuyên gia xã hội học ở trường ĐH Duke (Mỹ) xác định: “Phải khôi phục lại các mặt của đời sống hàng ngày vì đây là một phần quan trọng của bất kỳ chương trình phục hồi tâm lý nào”.

Thực tế, sau từng ấy năm, các nạn nhân ở Aceh vẫn còn biểu hiện một trạng thái lo âu cao độ với một tâm trạng luôn kích động, thậm chí bị ngất khi nhìn thấy những hình ảnh thảm kịch. Chỉ cần nhìn thấy một ly nước bị rung lắc, họ cũng có thể bị hoảng loạn. Những hình ảnh kinh hoàng hôm 11-3 một lần nữa xoáy sâu vào tâm khảm những người may mắn sống sót sau thảm họa 2004 ở Aceh.

Cũng như họ, người Nhật Bản tại vùng thiên tai, đặc biệt, những người tận mắt chứng kiến người thân ra đi của họ hay lúc tìm kiếm người thân, cần được trợ giúp tâm lý lâu dài, bởi chấn thương tâm lý này có thể kéo dài nhiều năm.

Trong mọi hoàn cảnh, trẻ em vẫn phải là đối tượng cần được ưu tiên nhất trong các chương trình “tái thiết tâm lý”. Kết quả một cuộc nghiên cứu đánh giá sức khỏe tâm thần trẻ em của Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) tiến hành năm 2007 cho biết sau khi chương trình hỗ trợ tâm lý kéo dài 2 năm của Hiệp hội Ibu kết thúc, cứ 5 trẻ thì vẫn còn 1 trẻ bị căng thẳng.

Đối với những em từng trải qua những giờ phút kinh hoàng, các em sẽ khó tập trung, học tập ì ạch, nghèo sáng tạo và luôn sợ hãi. UNICEF cho rằng ngoài chăm sóc, nên xây dựng hệ thống đào tạo các giáo viên có khả năng hướng dẫn, giáo dục các em học sinh nhỏ cách chuẩn bị, ổn định trước và sau khi bị chấn động bởi thảm họa. 

HẠNH CHI

Tin cùng chuyên mục