
Tại hội nghị sơ kết 3 năm trồng dứa Cayenne (1 trong 2 cây và 2 con chủ lực của TPHCM), Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Tân Bình Chu Thanh Khơi cho biết, từ đầu năm đến giờ nhà máy của công ty chỉ hoạt động cầm chừng, mới đạt 20% công suất vì thiếu nguyên liệu. Công ty mong muốn có nguồn nguyên liệu ổn định và rải đều trong năm, để có thể giữ khách hàng. Nhưng vì sao dứa Cayenne lại gây ra nhiều ý kiến tranh cãi so với cây rau an toàn và 2 con tôm, bò sữa?
- Thiếu đồng bộ – hộ nhỏ lẻ cơ bản thất bại

Dứa cayenne được trồng và chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật tại Công ty Cây trồng TPHCM.
Cùng với cây rau an toàn, dứa Cayenne được TPHCM xác định là cây được tập trung đầu tư từ năm 2003. Theo ông Trương Hoàng, Phó ban Chỉ đạo Phát triển nông nghiệp và nông thôn, chủ trương này đến nay vẫn được xem là phù hợp trên vùng đất phèn phía Tây TP (chủ yếu là huyện Bình Chánh và một phần huyện Hóc Môn) nhằm thay thế cây mía, không ổn định. Nhưng trong quá trình thực hiện lại bộc lộ nhiều hạn chế.
Theo kế hoạch ban đầu, huyện Bình Chánh sẽ trồng 700ha dứa Cayenne trong hộ dân, nhưng đến nay chỉ có 45 ha và con số này sẽ còn giảm xuống trong thời gian tới, vì hiện nay đã có nhiều hộ bỏ cây dứa trở lại trồng mía hoặc cây nha đam.
Các hạn chế mà ông Trương Hoàng chỉ ra: tỷ lệ cây nhiễm bệnh quá cao (10%-30%) do giống bị nhiễm bệnh, đất không xử lý đúng cách, nhất là do diện tích dứa Cayen hầu hết đều từ chân ruộng mía cũ, trong khi cả mía và dứa có cùng chung sinh vật gây hại là rệp sáp và mức độ mẫn cảm cũng như tác hại của rệp sáp trên dứa Cayenne rất cao.
Rệp sáp còn là môi giới truyền bệnh Wilt khó trị. Cây bị bệnh, người trồng tiếc, không chịu nhổ bỏ hoặc nhổ vứt xuống mương, nên làm lây lan sang những cây khác. Cây cho năng suất thấp, chưa tới 20 tấn/ha, trái lại nhỏ, không đạt tiêu chuẩn của các công ty.
Cũng do giống kém chất lượng, không đồng bộ, nên khi xử lý hóa chất, tỷ lệ ra hoa thấp, đó là chưa kể có nhiều trường hợp, hộ dân nôn nóng, muốn xử lý cả những cây còn nhỏ, nên trái nhỏ, bà con cho rằng do không được hướng dẫn kỹ thuật cụ thể, không được sự hỗ trợ kịp thời phòng trừ sâu bệnh nên sản xuất không đạt hiệu quả.
Khuyến nông cho rằng các hộ đều được tập huấn và nắm các thông tin cơ bản về xử lý chồi giống trước khi trồng, sử dụng màng phủ và cách xử lý ra hoa. Nhưng do thời điểm tập huấn không trùng với thời vụ nên bà con ít quan tâm. Không ít trường hợp người dự tập huấn không phải là người trực tiếp sản xuất nên không thực hiện đúng quy trình. Một yếu tố khác là vốn ưu đãi không triển khai kịp thời, do thủ tục chậm. Những hạn chế này làm cho hiệu quả chuyển đổi trở thành hậu quả mà bà con phải gánh chịu.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: Đây là hậu quả của việc triển khai không đồng bộ các khâu (giống, kỹ thuật, tổ chức…) làm cho việc trồng dứa Cayenne dạng nhỏ lẻ trong các hộ dân huyện Bình Chánh về “cơ bản là không thành công”.
Và cũng là bài học về khâu tổ chức, với cây trồng không phải là truyền thống, chưa có kinh nghiệm, nhiều rủi ro mà làm chưa thật sự quyết tâm, chưa đến nơi đến chốn nên kết quả đạt được không như mong muốn. Ngay cả khâu tiêu thụ, dù thị trường còn rất lớn, nhưng chưa có sự phối hợp đồng bộ, hợp đồng ký với người trồng trong quá trình thực hiện cũng chưa hợp lý.
- Chỉ mở rộng diện tích trồng tập trung
Nhưng cũng cây dứa Cayenne, khi trồng tập trung với diện tích lớn (trên 400ha), được đồng bộ hóa các khâu của Công ty Cây trồng TPHCM (thuộc Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn) lại có kết quả tốt. Cách làm của Công ty Cây trồng TPHCM đã được Phó Chủ tịch Thường trực Nguyễn Thiện Nhân tâm đắc, đó là, công ty đã chủ động được nguồn giống, một trong những khâu quan trọng nhất khi chuyển dịch cây trồng.
Trung tâm Nghiên cứu KHKT và khuyến nông nhấn mạnh: Dứa Cayen là loại cây trồng phải đảm bảo thực hiện đúng các quy trình kỹ thuật: giống - xử lý giống - làm đất - mật độ trồng - phòng trừ sâu bệnh- chế độ phân bón. Đây là một chuỗi liên hoàn, nếu không đảm bảo một khâu nào đó sẽ dễ dẫn đến thất bại. Những điều này bà con hầu hết đều không đảm bảo, nhưng với Công ty Cây trồng TPHCM xem đây là nguyên tắc phải tuân thủ và kết quả giữa 2 mô hình này có sự khác biệt rất lớn.
Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn xác định, thời gian tới chỉ trồng tập trung với diện tích lớn. Dự kiến đến năm 2010 trồng khoảng 1.100ha (trong đó Công ty Cây trồng TP là 805ha, Công ty Delta 300ha). Nhưng dứa Cayenne cần phải tiếp tục hoàn chỉnh các khâu, nhất là khâu cơ giới hóa, nhằm giải quyết vấn đề lao động ngày càng khan hiếm ở ngoại thành.
CÔNG PHIÊN
Dứa Cayenne ở Công ty Cây trồng TPHCM Sau 3 năm trồng, trong số trên 400ha dứa Cayenne trồng của công ty, khoảng 66ha thu hoạch trái, năng suất bình quân 40 tấn/ha, trọng lượng bình quân 1 kg/trái (đây là điều quan trọng để dứa loại 1 chiếm tỷ lệ cao), sản lượng năm nay đạt khoảng 2.640 tấn trái. Hiện nay, nhu cầu thị trường dứa Cayenne còn rất lớn, công ty chưa đủ đáp ứng cho các nhà máy. Nhu cầu hàng năm của 2 nhà máy tại TPHCM và Tiền Giang lên đến 50.000 tấn quả, trong khi năng lực của công ty từ năm 2006 trở đi chỉ từ 24.000 tấn đến 30.000 tấn/năm. Vì vậy, công ty phải giảm diện tích mía xuống, trồng dứa Cayenne. Với tiến độ này, cuối năm 2006 chúng tôi sẽ trồng 800ha. Chúng tôi đang thử nghiệm sử dụng chồi ngọn (chồi trên trái) thay vì chồi nách như hiện nay thì giá sẽ còn thấp hơn rất nhiều. Trồng mía vốn đầu tư thấp, nhưng rất bấp bênh đầu ra, lao động thu hoạch rất khó tìm khi vào vụ, trong khi dứa Cayenne thu hoạch rải vụ liên tục trong năm, nên không bị sức ép về lao động thu hoạch. Một khi cơ giới hóa một số khâu thì sẽ giảm bớt hơn nữa. Do chủ động được việc xử lý ra hoa và nghiên cứu khá kỹ giá cả thị trường trong nhiều năm, vì vậy, việc chủ động xử lý ra hoa để thu hoạch vào thời điểm cao giá nhất trong năm sẽ giúp nâng cao hơn lợi nhuận. ĐÔNG NGHI |