Bại não nhưng không bại chí

Dịp Tết Tân Sửu, khi tin tức về dịch Covid-19 khiến nhiều khu vực các tỉnh, thành phải thực hiện giãn cách đang nóng lên từng giờ, không thể trực tiếp đến Bắc Ninh, tôi xếp lại mọi chuyện và nhấc điện thoại gọi cho chị San. Đó là một phụ huynh đặc biệt có người con trai đặc biệt - Nguyễn Đức Thuận, một học sinh mắc chứng bại não từ nhỏ, vừa giành giải nhì Tin học kỳ thi Học sinh giỏi quốc gia. 

Những cuộc phỏng vấn đặc biệt 

Cuộc phỏng vấn qua Zalo với chị San, mẹ Thuận, dài hơn 3 giờ liên tục, thi thoảng bị ngắt bởi đứt mạng. Phía đầu dây bên kia, chị San nói mà có lúc xúc động nghẹn lại. Thi thoảng Thuận, con chị, trả lời thay mẹ một số chi tiết về chuyện ôn thi, về các thành tích thi học sinh giỏi của con từ lúc nhỏ mà chị không thể nhớ chính xác, nhưng Thuận thì rất nhớ.

Có điều, giọng nói của cậu học trò lớp 12 rất khó nghe, qua điện thoại cũng thấy rõ do giọng ngọng, không tròn âm của một người bị cứng hàm vì chứng bại não, nhiều từ nói ra, chỉ người nhà, mẹ em mới “dịch” được. 

Mẹ Thuận kể, khi vừa sinh ra, chị đã khóc ngất vì cơ thể con mềm oặt, tay gập lại, tím bầm. Đến giờ nhớ lại giây phút con chào đời, chị vẫn xúc động, nghẹn ngào… Căn bệnh bại não bẩm sinh quái ác khiến Thuận nói không rõ, co cứng tay, 17 tuổi, em vẫn không tự đứng được mà phải có người đỡ, đôi chân của em chính là mẹ. Từ nhỏ tới giờ, Thuận phải có mẹ đỡ, bàn tay của Thuận không cầm bút viết được, do các ngón tay bị quặp lại. Nhưng thật may, em vẫn có thể gõ bàn phím bằng đầu ngón tay để viết trên máy tính và lập trình.

Bại não nhưng không bại chí ảnh 1 Thuận dành nhiều thời gian học tin học và lập trình

Sau cuộc phỏng vấn mẹ Thuận dài 3 giờ đến nỗi điện thoại hết pin, phải sạc lại để tiếp tục kết nối, mà tôi cứ thẫn thờ vì những gì nghe được. Hóa ra, cuộc đời có quá nhiều bất ngờ với sự nỗ lực phi thường của những con người vượt lên số phận mà ta không thể hình dung nổi. Sinh ra em, bố mẹ đặt tên là Thuận nhưng thật trớ trêu, từ lúc lọt lòng tới giờ, việc chạy chữa bệnh chưa bao giờ thuận theo mong muốn của bố mẹ em. Căn bệnh bại não mãi đeo đẳng em. 

Tôi quyết định phỏng vấn trực tiếp Thuận, cậu học trò mắc bệnh bại não lớn lên với bao nước mắt của mẹ, bao lo lắng của bố khi đồng lương không đủ chữa bệnh cho con. Tôi lại kết nối Zalo, Facetime… để phỏng vấn Thuận, qua màn hình điện thoại, tôi nhìn thấy căn nhà giản dị ở Bắc Ninh, mái ngói với giường nằm, bàn học tập của Thuận với bao giấy khen học sinh giỏi các cấp của em.

Nhìn ánh mắt thông minh và lạc quan khi giơ cho tôi xem giải nhì quốc gia Tin học Thuận vừa nhận được, tôi cảm thấy mọi sự cảm thương với em thực sự không phù hợp. Thuận là người luôn vui vẻ và đam mê học tập, nhất là môn Tin học, nên với em, niềm vui trong học tập, khám phá bằng một nghị lực phi thường, không có chỗ cho sự bi quan.

Hành trình chinh phục

Qua điện thoại, Thuận cười tươi, cố nói vài câu để tôi hiểu, nhưng rất khó phát âm. Tôi hẹn Thuận trả lời phỏng vấn qua email để hiểu rõ hơn về em. Thuận kể, dù em nói khó khăn, phát âm ngọng, nhiều câu không ai hiểu, nhưng rồi dần dần các bạn cùng lớp, các thầy cô nghe quen, cũng hiểu nên em vẫn học được trong lớp như bình thường. Hồi lớp 1, lúc mới tập viết, tay cứng, viết rất chậm nên em được cô giáo với mẹ cầm tay nắn nót từng chữ, nhưng sau tay cứ cứng dần, càng ngày, em viết càng khó dần. Hồi lớp 5, Thuận được bố tặng chiếc máy tính cũ và từ đó mày mò nghịch ngợm, có gì không biết thì lên mạng tìm hiểu.

Cũng may mắn vào thời điểm đó, chú Minh, giáo viên Tin học trường THCS ở xã Châu Phong (Quế Võ, Bắc Ninh; là bạn của cậu Thuận) đã tỉ mẩn chỉ cho Thuận học Tin học, rồi chú Hào, chú Kiên (lập trình viên) cũng là bạn của cậu Thuận, thi thoảng chỉ cho Thuận nên em học Tin học một cách say mê. Từ lớp 6, Thuận được nhà trường (Trường THCS Đại Xuân, huyện Quế Võ, Bắc Ninh) tạo điều kiện cho dùng máy tính để học và thi, nên em chép bài trên máy tính, gửi email bài kiểm tra, bài thi cho thầy cô chấm điểm, việc học diễn ra suôn sẻ.
Lên lớp 7, Thuật đoạt giải nhì Tin học trẻ cấp huyện, giải khuyến khích Tin học trẻ cấp tỉnh. Giữ vững phong độ, Thuận đoạt tiếp giải ba Tin học trẻ cấp tỉnh năm lớp 8, năm lớp 9 giành giải nhất Tin học trẻ cấp huyện, giải nhất Tin học trẻ cấp tỉnh và giải ba Tin học trẻ cấp quốc gia. 

Thuận quyết thi chuyên Tin của Trường THPT chuyên Bắc Ninh. Nhưng thật không may, hôm thi, máy tính bị hỏng 30 phút, Thuận bị tâm lý, cuống nên kết quả bài thi không như ý, thiếu 1 điểm, em trượt trường chuyên. Nỗi buồn thi trượt và bao khó khăn khác, không phải ai cũng san sẻ. Mẹ Thuận có lúc buồn và thương con chỉ biết khóc, nhưng thấy Thuận vẫn quyết tâm học, chị San lại không nản chí; chị lại là đôi chân của con trên mỗi nẻo đường học thêm, ôn luyện để chinh phục các kỳ thi khác. 

Gạt nỗi buồn, khi về học Trường THPT Quế Võ ở quê nhà, Thuận vẫn quyết tâm học giỏi các môn, đặc biệt là Tin học để được đi thi học sinh giỏi các cấp với sự chỉ dạy thêm của thầy Ngô Quốc Minh. Năm lớp 11, Thuận giành giải ba quốc gia môn Tin học nên được Trường THPT chuyên Bắc Ninh tuyển thẳng. Niềm vui vô bờ khi giấc mơ vào trường chuyên đã thành sự thật dù hành trình đó không trải hoa hồng. Năm lớp 12, Thuận một lần nữa chinh phục giải nhì học sinh giỏi quốc gia môn Tin học, giải nhất Tin học trẻ quốc gia… 

Viết tiếp những giấc mơ

Trong hành trình chinh phục thành công của Thuận, không phải không có thất bại, nhưng đáng quý của cậu học trò mắc bệnh bại não là em chưa bao giờ bỏ cuộc. Thuận rành mạch kể tên từng người đã giúp đỡ và ảnh hưởng lớn đến quá trình học của em. “Con cảm thấy rất vui sướng, mãn nguyện với công sức mình bỏ ra và không phụ sự kỳ vọng của bố mẹ, các thầy, các anh và những người đã giúp đỡ mình”, Thuận xúc động bày tỏ.

Câu chuyện giữa chúng tôi không lãng mạn, mà nhìn vào thực tế bao khó khăn trước mắt của Thuận, khi muốn tiếp tục lên đại học để phát huy được sở trường. Nhưng có một điều, ở Thuận, có một niềm tin đặc biệt để thực hiện giấc mơ của mình, trở thành một người có ích, một lập trình viên có thể đứng vững bằng trí tuệ, để dần bớt gánh nặng trên đôi vai của bố mẹ. 

Dịp nghỉ Tết Tân Sửu vừa qua, Thuận vẫn miệt mài bên sách vở để ôn luyện cho vòng 2 cuộc thi Tin học Châu Á - Thái Bình Dương (Asia - Pacific Informatics Olympiad) sắp tới. Bên cạnh việc chinh phục các giải thưởng quốc tế về Tin học, Thuận vẫn lên kế hoạch cho hành trình đại học, học tốt ngữ pháp và viết luận tiếng Anh. Đặc biệt, Thuận dự định sẽ viết phần mềm về chăm sóc sức khỏe để mong muốn những ai không may bị mắc bệnh như em sẽ được ứng dụng công nghệ để chữa bệnh một cách hiệu quả nhất. 

Hóa ra, người truyền cảm hứng trong cuộc sống cho bao người đôi khi lại là một chàng trai thiếu may mắn nhưng đầy niềm tin và nghị lực như Thuận. Tôi tin, thành công sẽ đến với những ai biết rõ mình muốn điều gì và không bao giờ bỏ cuộc. Bất luận như thế nào, bại não nhưng không… bại chí, với nghị lực phi thường, Thuận sẽ thực hiện được giấc mơ trên đôi chân của mình, cho dù căn bệnh quái ác có thể vẫn đeo đẳng em cả cuộc đời.

Thuận kể, suốt 4 năm học THCS, em luôn ước mơ được đi thi học sinh giỏi môn Toán như các bạn, nhưng không được. Dù thầy cô rất quan tâm, thông cảm, nhưng chỉ vì quy chế thi học sinh giỏi là học sinh phải viết bằng bút lên giấy thi, trong khi Thuận chỉ đánh máy được kết quả, làm bài trên máy tính, Thuận đã khóc.

Tin cùng chuyên mục