Trong sự phát triển chung của lĩnh vực văn hóa nghệ thuật nước nhà, đặc biệt tại TPHCM - nơi có môi trường hoạt động văn hóa nghệ thuật sôi động nhất nước thì việc định hướng thế hệ khán giả trẻ đủ trình độ, năng lực thẩm mỹ để biết chọn lọc, thưởng thức nghệ thuật, đồng thời góp phần gìn giữ giá trị các loại hình nghệ thuật văn hóa dân tộc, truyền thống… là rất cần thiết. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, vấn đề đầu tư cho tương lai này gặp rất nhiều khó khăn.
Cảm nhận nghệ thuật... vô tư
Trên thực tế, các loại hình văn hóa nghệ thuật dân tộc như: cải lương, đờn ca tài tử, hát bội, chèo, tuồng, âm nhạc dân tộc… đang gặp nhiều gian nan, vất vả trên con đường hoạt động, bảo tồn và phát triển. Không ít khán giả trẻ khá thờ ơ và không hiểu gì khi tiếp cận với những giá trị nghệ thuật mang đậm bản sắc văn hóa Việt này. Từ đó thấy rằng, xã hội càng hiện đại, các hình thức nghệ thuật truyền thống chân chính càng bị o ép, co cụm, trước sự tấn công mạnh mẽ của loại hình giải trí phim ảnh, nhạc nhẹ và các trào lưu nghệ thuật du nhập từ các nước vào Việt Nam.
Điển hình, trong thị trường âm nhạc, một trong những nguyên nhân lớn giúp các sản phẩm âm nhạc kém chất lượng tồn tại là do sự tiếp nhận sản phẩm âm nhạc khá dễ dãi của một bộ phận công chúng trẻ. Khi chưa được học, chưa hiểu biết cơ bản về tính thẩm mỹ trong thưởng thức nghệ thuật thì ắt hẳn, sự tiếp nhận các sản phẩm văn hóa nghệ thuật của khán giả đều xuất phát từ cảm quan vô tư, bằng trình độ nhận thức đơn giản, đôi khi thiếu sự chọn lọc.
Theo PGS-TS Nguyễn Thị Mỹ Liêm, Phó Giám đốc Nhạc viện TPHCM: “Một điều đáng lo ngại là chúng ta đã tạo ra một thế hệ khán giả không biết, không thích nghe nhạc hàn lâm, nhạc dân tộc khi lạm dụng cây đàn orgue điện tử và “tư duy” nhạc nhẹ hóa cho toàn bộ sinh hoạt âm nhạc trong đời sống xã hội. Ban đầu là việc điện tử hóa và nhạc nhẹ hóa ở tất cả các ban nhạc của các đoàn ca múa, nghệ thuật sân khấu, ca nhạc chuyên nghiệp, đài phát thanh - truyền hình cho đến các hoạt động văn hóa - văn nghệ ở cấp tỉnh, thành hay cấp quốc gia.
Kế đến là chương trình giáo dục âm nhạc từ nhà trẻ, mẫu giáo đến cấp phổ thông trung học và mọi hoạt động văn nghệ trong môi trường giáo dục đại học, chỉ toàn sử dụng nhạc nhẹ và đàn orgue điện tử. Chưa kể, chương trình đào tạo bậc đại học sư phạm âm nhạc - đào tạo những cái “máy cái” giáo dục âm nhạc trong hệ thống, đều sử dụng nhạc cụ orgue điện tử và dạy hát ca khúc là chủ yếu…
Thế nhưng, nhạc cụ điện tử không đem lại cho công chúng sự thụ hưởng hoặc giáo dục âm nhạc nghiêm túc và điều đáng lo ngại không phải ở câu chuyện người ta nghe nhạc gì mà người ta sẽ làm gì, cư xử ra sao, sống như thế nào… khi chỉ nghe, hiểu biết và yêu thích duy nhất loại âm nhạc không được sinh ra từ truyền thống dân tộc và không từ những giá trị của cuộc sống”.
Vậy thì, nhất thiết phải có sự định hướng khán giả, để hỗ trợ và giúp đỡ con đường hoạt động, gìn giữ, bảo tồn và phát triển các lĩnh vực văn hóa nghệ thuật dân tộc trong hiện tại và tương lai. Việc định hướng tốt nhất là bắt đầu từ trẻ em - lứa tuổi nhi đồng, thanh thiếu niên - một lực lượng công chúng đông đảo, dễ chịu ảnh hưởng và có tầm ảnh hưởng rất lớn đối với hoạt động sinh hoạt, phát triển của các loại hình nghệ thuật.
Nhiều dự án hiệu quả
Trong năm 2013, dự án “Kết nối cộng đồng” do Sở VH-TT-DL, Sở Giáo dục - Đào tạo, Công ty cổ phần Sân khấu và Điện ảnh Vân Tuấn cùng Sân khấu kịch Hồng Vân phối hợp thực hiện, đã đưa chương trình sân khấu học đường vào các trường tiểu học, trường cấp 2 trên toàn TPHCM. Khi bắt tay thực hiện dự án, bên cạnh cái lợi trước mắt là giúp các em học sinh thẩm thấu, nhận thức hiệu quả những vấn đề về chính trị - văn hóa - xã hội một cách nhẹ nhàng, để các em tiếp nhận, cập nhật những sự kiện, vấn đề nóng hổi trong cuộc sống đời thường xung quanh các em…
NSND Hồng Vân còn nhắm đến mục đích lâu dài là đào tạo thế hệ khán giả kế thừa của sân khấu kịch nói TPHCM, tránh để rơi vào tình trạng như sân khấu cải lương, tuồng cổ, chèo… đã và đang mất dần khán giả trẻ. NSND Hồng Vân chia sẻ: “Năm 2014, chương trình sân khấu học đường tiếp tục triển khai phục vụ các trường với nội dung về bảo vệ môi trường. Trong khi đó, chủ đề “An toàn giao thông” được tiếp tục thực hiện bằng chương trình game show vui tươi”.
Nghệ sĩ Hải Phượng cũng cho biết, trong năm 2013, chị cùng CLB Tiếng hát quê hương đã thực hiện hơn 30 suất giao lưu, biểu diễn và giới thiệu nhạc dân tộc tại các trường học từ mẫu giáo đến cấp 3. Chương trình đón nhận sự phản hồi rất tốt từ khán giả nhỏ tuổi. Không chỉ thế, ở một số trường tiểu học như: Trường Tiểu học Phan Đình Phùng quận 3 thành lập được CLB đàn tranh, Trường Tiểu học Minh Đạo quận 5 có CLB dân ca… hoạt động của các CLB đã giúp học sinh mở rộng hiểu biết và thêm yêu âm nhạc dân tộc truyền thống.
Bên cạnh đó, không ít các chương trình như: “Cầu vồng tuổi thơ” diễn ở Nhà hát Thành phố, âm nhạc hàn lâm với giới trẻ của Nhà hát Giao hưởng - Nhạc - Vũ kịch TPHCM, “Hát bội vào học đường” của Nhà hát nghệ thuật Hát bội TPHCM, CLB Tiếng hát Quê hương dạy hát dân ca và dạy đàn miễn phí vào mỗi dịp hè tại Cung Văn hóa Lao động… được thực hiện trong thời gian qua, đã góp phần không nhỏ định hướng văn hóa thẩm mỹ, cập nhật kiến thức nghệ thuật cho giới trẻ, học sinh, sinh viên. Tuy nhiên, cũng có vài dự án bị phá sản vì gặp khó khăn về kinh phí, việc sắp xếp giờ giấc thực hiện chương trình, một số trường học không mặn mòi lắm vì sợ ảnh hưởng đến kế hoạch học tập các môn học chính quy…
Suy ngẫm sâu xa, nếu không có sự định hướng công chúng trẻ một cách bài bản, căn cơ về quan điểm thẩm mỹ, giá trị văn hóa nghệ thuật thì một lực lượng khán giả rất lớn trong tương lai sẽ lại tiếp tục chông chênh khi cảm nhận, chọn lọc và thưởng thức các loại hình nghệ thuật giải trí. GS-TS Trần Văn Khê từng trăn trở: “Giáo dục âm nhạc trong trường học sẽ hình thành một nền tảng âm nhạc vững chắc cho các em, nếu không, với nếp sống mới hiện nay, khi hàng ngày trẻ em có điều kiện tiếp xúc với không biết bao nhiêu thể loại âm nhạc và nghệ thuật, với nhiều hình thức văn hóa xa lạ qua các chương trình giải trí, quảng cáo, qua các cuộc gặp gỡ, giao lưu, các em sẽ không đủ trình độ để chọn lọc những gì có giá trị và thực sự gần gũi với văn hóa dân tộc, ngược lại, các em có thể quên hẳn văn hóa dân tộc”.
Công việc này đòi hỏi rất nhiều sự chung tay, chung sức, chung lòng của nhiều đơn vị, từ Sở GD-ĐT, Sở VH-TT-DL, đến các nhà trường, giới nghệ sĩ, đơn vị tổ chức biểu diễn nghệ thuật, các hội chuyên ngành… Nếu không có sự định hướng tốt - để tạo nên một thế hệ khán giả chất lượng cho tương lai của các sân khấu đặc thù: cải lương, hát bội, âm nhạc dân tộc, kịch nói… thì sẽ không có được sự tương tác chất lượng giữa người sáng tạo, người biểu diễn và khán giả, để góp phần thúc đẩy hoạt động sáng tác và biểu diễn nghệ thuật chất lượng và đạt được những giá trị nghệ thuật cao.
THÚY BÌNH