Bài toán tài chính cho thể thao

Trong khi đề án về xổ số thể thao và đặt cược bóng đá do Bộ VH-TT-DL chủ trì vẫn chưa “nhúc nhích” thì mới đây, ngay trên một số sân cỏ tại V-League 2016 đã xuất hiện hình thức quảng cáo trá hình cho những hãng cá độ trực tuyến khiến các nhà tổ chức phải ra thông báo khuyến cáo các sân bóng về công tác quản lý. Đáng ngại hơn, các trận đấu V-League đã có mặt trở lại trên những trang web cá độ bất hợp pháp sau một thời gian dài vắng bóng vì vụ cá độ của các cầu thủ Đồng Nai.

Bên cạnh mối lo ngại về tiêu cực sẽ tái diễn trong bóng đá, một vấn đề khác cũng đang khiến những người làm thể thao sốt ruột trong thời gian gần đây, đó là nguồn tài chính cho thể thao nói chung và bóng đá nói riêng. Ví dụ như mới đây, việc sửa chữa đường chạy tại sân vận động quốc gia Mỹ Đình dự toán đến gần 70 tỷ đồng, toàn bộ lấy từ ngân sách nhà nước. Số tiền đó tương đương ngân sách mà ngành thể thao chi cho tất cả các hoạt động cả năm. Điều đáng nói là mỗi năm, đường chạy ở sân Mỹ Đình chỉ phục vụ 1 - 2 cuộc thi quốc gia, thế nhưng những nguồn thu của toàn bộ khu liên hợp Mỹ Đình đến từ mọi hoạt động thể thao lẫn phi thể thao không đủ để trang trải cho bộ máy vận hành.

Đây cũng là lý do mà Việt Nam phải từ chối quyền đăng cai Asiad 2019, cũng như phải gói ghém tối đa nhằm tổ chức SEA Games 2023 tại Hà Nội nhằm tránh phát sinh chi phí đầu tư cơ bản. Bài toán tạo nguồn tài chính từ thể thao phục vụ cho thể thao đến nay vẫn chưa có lời giải. Đó cũng là một nguyên nhân quan trọng khiến thể thao Việt Nam phát triển không như mong đợi trong thời gian gần đây.

Thay vì các doanh nghiệp đầu tư cho thể thao trên tinh thần thể hiện trách nhiệm xã hội của mình, đổi lại sẽ được nhận các ưu đãi từ ngành thể thao, thì đằng này đa số doanh nghiệp vẫn muốn thấy những lợi ích về kinh doanh trước tiên rồi mới chịu bỏ vốn. Ví dụ như ở môn được xem là xã hội hóa cao như bóng đá, doanh nghiệp chỉ tài trợ như để đổi lấy những ưu đãi cho dự án kinh doanh của mình ở lĩnh vực khác chứ không phải là đóng góp trực tiếp cho ngân sách thể thao của các địa phương. Khi các ưu đãi đó không còn, hoặc việc kinh doanh gián đoạn, cũng là lúc doanh nghiệp ngừng tài trợ. Phương thức xã hội hóa theo kiểu “bánh ít đi, bánh qui lại” đó khiến ngành thể thao luôn ở trong thế bị động, không thể có kế hoạch dài hạn. Việc thương hiệu Nutifood tài trợ chi phí tập luyện cho kình ngư Phương Trâm; Công ty Phương Trang tài trợ kỳ thủ Lê Quang Liêm hay việc CLB HA.GL xây dựng học viện bóng đá… là các trường hợp hiếm hoi trong thể thao Việt Nam.

Nói đi cũng phải nói lại, các nhà quản lý thể thao cũng thiếu quyết tâm cũng như năng lực trong việc thúc đẩy chủ trương xã hội hóa đi đúng hướng, mà câu chuyện về việc đặt cược trong bóng đá là điển hình. Dù đã xây dựng đề án đặt cược từ năm 1997 đến nay, nhưng chính những nhà điều hành bóng đá lại không thể làm trong sạch môi trường thi đấu của các giải nội địa, thậm chí cả các trận đấu của đội tuyển quốc gia khiến xã hội bất bình. Trong hoàn cảnh đó, việc cân nhắc thí điểm đặt cược bóng đá là chuyện đương nhiên, mặc dù ai cũng biết việc chậm đưa đề án này vào triển khai sẽ làm thất thu nguồn ngân sách lớn và phát sinh nhiều hệ lụy về mặt xã hội.

CHU NGỌC

Tin cùng chuyên mục