Bàn cách quảng cáo trên xe buýt

Vấn đề quảng cáo trên xe buýt lại được hâm nóng khi UBND TPHCM vừa yêu cầu cơ quan chức năng xem xét triển khai đề nghị của Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM.
Bàn cách quảng cáo trên xe buýt

Vấn đề quảng cáo trên xe buýt lại được hâm nóng khi UBND TPHCM vừa yêu cầu cơ quan chức năng xem xét triển khai đề nghị của Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM.

Chuyện mới mà cũ

Vấn đề quảng cáo trên xe buýt lại được hâm nóng khi UBND TPHCM vừa yêu cầu cơ quan chức năng xem xét triển khai đề nghị của Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM.

Từ lâu và theo ý kiến của không ít chuyên gia, quảng cáo trên xe buýt nếu được triển khai, chính là một “kênh” tạo nguồn thu để nhà nước bổ sung cho phần ngân sách trợ giá xe buýt. Tuy nhiên, từ nhiều năm nay, chủ trương này chưa được phép thực hiện trên địa bàn thành phố chủ yếu lấn cấn giữa việc tạo thêm nguồn thu ngân sách cho trợ giá xe buýt và nỗi lo làm ảnh hưởng đến hình ảnh mỹ quan đô thị vì quảng cáo sản phẩm trên phương tiện giao thông công cộng.

Còn nhớ cách đây vài năm, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) đã từng xây dựng một đề án với tên gọi “Quảng cáo thương mại bên ngoài thân xe buýt”. Không chỉ giới vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt mới quan tâm đến nội dung của đề án này, mà một bộ phận không nhỏ các doanh nghiệp trong nước lẫn nước ngoài cũng quan tâm. Đơn giản là vì nó được xác định là một “kênh” tiếp thị, quảng cáo đối với các hãng, các đơn vị, một hình thức quảng cáo cực kỳ cơ động, tiện lợi và đỡ tốn kém nhất. Trong đó vấn đề được các doanh nghiệp đặc biệt quan tâm là mức giá quảng cáo có hợp lý không hay là… với tay chẳng tới.

Theo đề án, Sở GTVT xác định vị trí được phép dùng vào hoạt động quảng cáo là trên diện tích phần sơn hai bên vỏ thân xe buýt, bao gồm cả phần cửa xe, ngoại trừ vị trí sử dụng để thông tin xe buýt. Chính từ xác định ấy, sở tiếp tục đề xuất giá thuê bao quảng cáo trên thân xe buýt một năm tùy loại phương tiện tương ứng với các kích thước được phép quảng cáo trên xe, trong đó phân ra xe buýt loại 1 (xe B80 và tương đương) với kích thước được phép quảng cáo khoảng 24m2 có mức giá thuê bao dự kiến cao nhất, trong đó diện tích được sử dụng để quảng cáo áp dụng trên cơ sở theo kích thước của phương tiện loại B80 Transinco. Xe loại 2 (loại B55 và tương đương) với kích thước được phép quảng cáo khoảng 18m2 dự kiến diện tích quảng cáo áp dụng trên cơ sở kích thước của phương tiện loại B55 Samco hai cửa. Cuối cùng mức giá thuê bao quảng cáo thấp nhất dự kiến áp dụng cho xe loại 3 (B40 và tương đương) do kích thước quảng cáo chỉ khoảng 16m2 vận dụng theo kích thước của phương tiện loại B40 Transinco.

Bàn cách quảng cáo trên xe buýt ảnh 1

Xe buýt của tỉnh Đồng Nai có quảng cáo bên hông xe lưu thông tại TPHCM. Ảnh: PHẠM KIM NGÂN

Đấu giá quảng cáo

Vẫn theo đề án, tất cả các xe buýt đang hoạt động trên các tuyến xe buýt, kể cả xe buýt đang chạy trên các tuyến không có trợ giá, xe buýt hỗ trợ người khuyết tật và xe buýt hai tầng đều thuộc diện được phép cho thuê quảng cáo trên xe của mình. Tuy nhiên đề án này không áp dụng đối với xe buýt do đơn vị tự đầu tư và hoạt động trên tuyến không có trợ giá, xe buýt hợp đồng đưa rước học sinh sinh viên và công nhân mà đối tác thuê xe không đồng ý cho quảng cáo; cũng như xe chưa hoạt động trên tuyến buýt hoặc xe chỉ chạy hợp đồng.

Đề án cũng xác định các doanh nghiệp kinh tế chỉ được quảng cáo trên xe buýt thông qua hình thức đấu giá.

Trong khi đó bản thân các đơn vị hoạt động vận tải hành khách bằng xe buýt lại quan tâm nhiều hơn đến phương thức “ăn chia” giữa nhà nước và đơn vị vận tải. Nhưng để xây dựng ra phương thức ăn chia đảm bảo được lợi ích chính đáng của cả hai phía - Nhà nước và doanh nghiệp vận tải, trước hết phải tính tới hai thông số: xuất xứ nguồn vốn đầu tư phương tiện và xe buýt đó chạy trên tuyến có trợ giá hay không.

Hiện nay phương tiện xe buýt trên địa bàn thành phố xuất phát từ nhiều nguồn vốn đầu tư khác nhau: từ dự án mua xe được Nhà nước hỗ trợ lãi suất, từ đầu tư của các đơn vị… Hệ quả là việc quản lý và sử dụng phương tiện cũng rất khác nhau. Các công ty TNHH vốn dĩ phương tiện thuộc sở hữu của công ty nên do công ty trực tiếp quản lý và được xem chính là nguồn vốn. Các hợp tác xã thì phương tiện do từng xã viên tham gia hợp tác xã tự đầu tư.

Hệ thống mạng lưới các tuyến xe buýt trước giờ vẫn do Nhà nước quản lý, trong đó có trợ giá cho nhiều tuyến nhất định để đảm bảo thông suốt hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt. Nhà nước cũng chịu trách nhiệm đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật phục vụ trở lại cho hoạt động của mạng lưới xe buýt.

Trên cơ sở đó, đề án đã đề xuất cơ cấu phân phối nguồn thu sau khi đóng các khoản thuế theo quy định theo 2 phương án. Đối với xe buýt có trợ giá, 50% tổng doanh thu từ quảng cáo được nộp vào ngân sách Nhà nước để bù đắp tiền trợ giá; doanh nghiệp vận tải được hưởng 50% còn lại để dùng chi tiêu cho công tác bảo dưỡng, bảo quản nội dung được quảng cáo theo yêu cầu của khách hàng. Đối với xe buýt không có trợ giá, tỷ lệ ăn chia là 30 - 70 lần lượt tương ứng cho ngân sách Nhà nước và doanh nghiệp vận tải.

Đề án của Sở GTVT sẽ là một tham khảo hữu ích khi Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tiến hành xem xét triển khai đề nghị của Ủy ban MTTQVN TPHCM về việc quảng cáo trên các phương tiện giao thông. Dĩ nhiên sản phẩm được quảng cáo trên xe buýt không được gây phản cảm cũng không vi phạm các quy định về quảng cáo. Thực tế, loại hình quảng cáo trên xe buýt đã trở nên khá phổ biến ở các địa phương khác như Hà Nội, Bình Dương…

THIỆN NHÂN

Tin cùng chuyên mục