Bán hàng qua mạng: Đua khuyến mãi, quên hậu mãi

Qua đợt dịch Covid-19, người dân dần quen với thương mại điện tử. Rất nhiều sàn giao dịch thương mại điện tử, siêu thị, trung tâm thương mại đua nhau bán hàng qua mạng, khuyến mãi để thu hút khách. Trang web nào cũng cạnh tranh giảm giá, miễn phí giao hàng… Thế nhưng, rất nhiều khách hàng bị lừa vì chất lượng hàng trên mạng không giống như quảng cáo. 

Càng quảng cáo hay, nguy cơ bị lừa càng lớn

Chuyện nhiều người bị lừa khi mua hàng quảng cáo trên mạng không còn là chuyện hiếm. Chị N.B.H. ở quận 7 đặt một con robot thông minh, hút bụi quét nhà cao cấp 2020 trên trang “Robot Hút Bụi Quét Nhà Tự Động”.

Máy này được quảng cáo đang khuyến mãi “khủng” nên chỉ bán với giá 699.000 đồng. Vào trang thấy toàn những comment nhận xét tốt, đánh giá hàng chất lượng cao.

Thậm chí khi mở trang web thì rất nhiều nhận xét comment “nổ” trên đầu trang khiến người xem lầm tưởng việc mua bán đang diễn ra xôm tụ, nhiều khách đặt hàng, nhận hàng…

Bán hàng qua mạng: Đua khuyến mãi, quên hậu mãi ảnh 1 Khách nhận hàng đặt mua qua mạng. Ảnh: CAO THĂNG
Song song đó, trên trang hiện thời gian đếm lùi cho biết sắp hết giờ khuyến mãi, để chỗ trống cho khách điền tên, số điện thoại đăng ký mua hàng. Quá sốt ruột và thấy hình ảnh con robot lau nhà tự động chạy liên tục rất đẹp mắt, chị H. đã đặt hàng. Khi nhận hàng, chị hí hửng sạc pin và sử dụng theo hướng dẫn, nhưng nhìn con robot chạy mà chị thất vọng không nói nên lời. Chiếc robot chậm rãi như kẻ lười biếng, mỗi vòng chỉ quét khoảng 5cm, nên ước tính nếu chạy xong diện tích 100m2 nhà của chị chắc mất mấy ngày! Đó là chưa kể, chổi robot chỉ cần dính vài cộng tóc là ngừng quay, chị phải đi gỡ tóc. Chạy hơn 1 giờ, chưa thoát ra gầm bàn, máy lại hết pin!

Chị H. ấm ức lên mạng tìm số điện thoại trang bán hàng để phản ánh thì không có. Chị gõ “robot thông minh” thì lập tức lát sau trang này hiện cả trên Facebook và Zalo. Chị vào trang web tìm chỗ comment cũng không có, tìm số điện thoại cũng không, nhưng các tin nhắn comment khen ngợi sản phẩm vẫn liên tục hiện. Hóa ra các comment đó từ phần mềm của trang tạo sẵn. Thế là chị mất đứt 700.000 đồng chỉ mua được món đồ chơi cho trẻ con. 

Tiki, Lazada, Nguyễn Kim - Gian nan chờ hậu mãi!

Việc mua hàng ở các trang web chạy quảng cáo bị lừa đã không còn là chuyện lạ. Thế nhưng, ngay cả mua trên các trang web được cho là uy tín thì không phải sản phẩm nào cũng đúng chất lượng. Nguyên nhân, các sàn giao dịch thương mại điện tử ký kết với các đơn vị bán hàng rồi để mặc cho các đơn vị liên kết tự tung tự tác hoặc các sàn tự doanh nhưng ham lời nên gia giảm chất lượng sản phẩm…

Tiki được đánh giá là trang web uy tín hiện nay, thế nhưng vẫn bị không ít khách hàng phàn nàn. Cụ thể, chị Đ.T.T.N. cho biết, chị được người bạn ở quận 5 đặt hàng qua Tiki tặng chiếc quạt hơi nước. Chị nhận hàng, đổ nước vào sử dụng thì quạt kêu to như... máy xay sinh tố. Máy không kêu liên tục mà kêu một hồi lại tắt, rồi gào trở lại. Âm thanh lớn, nhỏ, thay đổi liên tục không ai ngủ được nên chị N. dẹp máy vào góc tủ, ngại vì quà tặng nên không nói lại cho chủ nhân biết.

Vài hôm, người bạn đến chơi, nghe kể đã lục lại email đơn hàng, so sánh thì mới hay sản phẩm không đúng như quảng cáo. Ngay kích cỡ được quảng cáo là 345mm bề ngang thì thực tế chỉ khoảng 220mm; dung tích nước chứa ghi 8 lít nhưng chỉ mới đổ 2,5 lít đã đầy; thời gian hẹn giờ được quảng cáo đến 8 giờ nhưng in trên máy thời gian lâu nhất chỉ 6 giờ. Người bạn gọi đến Tiki phản ánh, Tiki hứa sẽ thu hồi sản phẩm và hoàn tiền. Thế nhưng, khi đến thu hồi, đơn vị cung cấp cho biết vì lý do hàng tháo ra không còn vỏ hộp nên bị trừ 10% giá sản phẩm - dù lỗi là do bên bán giao hàng không đúng chất lượng!

Còn ở sàn Lazada, khi khách hàng mua sản phẩm giao không đúng hình ảnh quảng cáo, muốn trả hàng phải gọi điện thoại vào hotline để nhờ hỗ trợ. Khi vào mạng để phản hồi theo hướng dẫn thì mạng treo, phải gọi nhiều lần đến tổng đài đọc mã đơn hàng nhưng không được hỗ trợ trực tiếp mà buộc khách phải phản hồi từ app. Từ phản hồi đến trả được hàng vừa mất công, vừa… mất tiền. Bởi, nói là đường dây hỗ trợ khách hàng nhưng Lazada thông báo rõ thu phí cuộc gọi 1.000 đồng/phút!

Tương tự, chị K.H. (nhà ở quận 7) đặt mua máy giặt Panasonic trên trang web của điện máy Nguyễn Kim, khi sử dụng thì máy kêu rất lớn. Chị gọi tổng đài báo máy lỗi, nhân viên tổng đài cho chờ mấy mươi phút để kiểm tra thông tin, sau đó báo sẽ có nhân viên kỹ thuật gọi lại để đổi máy mới.

Chờ cả tuần mới được nhân viên xác nhận ngày đến đổi hàng. Đến ngày hẹn, chờ mãi không thấy nhân viên nào, chị H. điện vào số tổng đài Nguyễn Kim nhưng máy liên tục bận. Chị đành gửi mail phản ánh, thì hôm sau mới được nhân viên đến đổi lại máy.

Trường hợp của bác sĩ N.V.H. ở quận 11 còn khổ hơn. Năm ngoái, anh mở phòng khám đã đặt mua rất nhiều thiết bị máy lạnh, tivi… của siêu thị điện máy Nguyễn Kim. Nay sản phẩm bị hư, anh điện thoại đến tổng đài Nguyễn Kim yêu cầu bảo hành. Nhân viên trả lời, Nguyễn Kim đã có chủ mới nên không có trách nhiệm bảo hành sản phẩm đã bán trước đây!

Không thể chờ cãi vã, anh đành thuê thợ đến sửa chữa nhưng vô cùng ấm ức. Anh cho rằng, cho dù người khác có mua lại cổ phần hay mua lại cả hệ thống Nguyễn Kim đi nữa, tư cách pháp nhân Công ty Nguyễn Kim vẫn còn thì Nguyễn Kim vẫn phải có trách nhiệm với khách hàng. “Chỉ lo khuyến mãi, bỏ quên hậu mãi, bỏ mặc khách hàng là kiểu kinh doanh chụp giật!”, anh nói.

Tin cùng chuyên mục