Theo đó, mức đóng BHYT hàng tháng bằng 4,5% tiền lương tháng của người lao động; bằng 4,5% tiền lương hưu, trợ cấp mất sức lao động đối với người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng. Mức đóng BHYT của đối tượng nhóm tham gia BHYT theo hộ gia đình là: người thứ nhất đóng bằng 4,5% mức lương cơ sở; người thứ hai, thứ ba, thứ tư đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất; từ người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất.
Về mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, từ ngày 1-12-2018, ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% mức đóng BHYT đối với người thuộc hộ gia đình cận nghèo đang sinh sống tại các huyện nghèo; hỗ trợ tối thiểu 70% mức đóng HBYT đối với người thuộc hộ gia đình cận nghèo; hỗ trợ tối thiểu 30% mức đóng BHYT đối với học sinh, sinh viên, người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình.
Theo báo cáo của Chính phủ do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày tại Quốc hội ngày 22-10, đến nay đã thực hiện lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ gắn với BHYT toàn dân, phát triển y tế ngoài công lập. Tỷ lệ bao phủ BHYT ước đạt 86,9%, vượt chỉ tiêu đề ra (85,2%). Gần 50% số thẻ đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu tại bệnh viện/trung tâm y tế huyện. Nhiều trạm y tế xã, phường đã đổi mới hoạt động, làm tốt công tác khám chữa bệnh ban đầu cho nhân dân. Hiện có khoảng 80% người có thẻ BHYT đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại tuyến y tế cơ sở (tuyến huyện là 47%, tuyến xã là 33%). Số lượt khám, chữa bệnh BHYT tại y tế cơ sở đạt khoảng 70%.
Ngành y tế đã kết nối các cơ sở cung ứng thuốc, thiết lập cơ sở dữ liệu đối với trên 20.000 loại thuốc. Đã triển khai quản lý hồ sơ sức khỏe đến từng người dân ở nhiều địa phương, tiến tới thực hiện trên phạm vi toàn quốc.