Băn khoăn chọn mua hàng rẻ

Chọn mua CP giá rẻ là điều đương nhiên, nhưng chọn được CP ưng ý nhất lại là vấn đề khác, phụ thuộc rất nhiều vào mục đích đầu tư và tiêu chí mua CP.
Băn khoăn chọn mua hàng rẻ

Chọn mua CP giá rẻ là điều đương nhiên, nhưng chọn được CP ưng ý nhất lại là vấn đề khác, phụ thuộc rất nhiều vào mục đích đầu tư và tiêu chí mua CP.

  • Xác định không dễ

Cách đây không lâu, giám đốc một quỹ đầu tư đã tuyên bố, chỉ đầu tư những CP như VNM (Vinamilk), vì đây là công ty có “kết tinh chất xám”, tạo ra “giá trị” thực sự, những công ty còn lại chỉ “gia công” thôi.

Không cần phải là một chuyên gia kinh tế cũng có thể thấy sự phiến diện trong quan điểm đó, vì mục tiêu cuối cùng của đầu tư là lợi nhuận, còn tiếp cận thế nào lại là câu chuyện khác. Chẳng phải thế giới vẫn có những quỹ đầu cơ tồn tại từ rất lâu rồi hay sao? Còn nếu muốn đầu tư những CP dạng như VNM, thiết nghĩ thị trường mới nổi như Việt Nam là không phù hợp vì rất nhiều DN vẫn đang trên đà phát triển và sẽ có không ít khiếm khuyết.

Nhưng quan điểm trên cũng gợi ra vấn đề rất đáng suy nghĩ, quả thực là giá CP đang rẻ, nhưng xác định được CP tốt lại là điều không dễ dàng. Chỉ cần nhìn qua động thái của NĐTNN có thể thấy rõ khối này mua ròng nhưng chỉ quanh quẩn ở các blue chip, còn với những CP tầm trung hoặc CP nhỏ vẫn chưa rục rịch gì nhiều. Phần vì nguồn vốn của NĐTNN không dồi dào, nhưng mặt khác cũng có thể giá CP chưa đến mức rẻ nhất và họ vẫn chưa tìm được “hàng tốt” thật sự.

Một CP trước đây có P/E 12 lần, nay P/E chỉ còn 5 lần, có thể gọi là rẻ, nhưng cần lưu ý TTCK là thị trường của thông tin, của sự kỳ vọng. Với lãi suất cho vay có thể lên đến 20% như hiện nay, KQKD của DN trong thời gian tới sẽ gặp không ít thách thức, EPS tương lai có thể giảm khiến P/E kỳ vọng có thể tăng lên. Như vậy nếu tham chiếu về tương lai, chưa chắc CP đã rẻ.

Vấn đề quan trọng hiện nay là NĐT trước khi muốn mua CP cần xác định trước tiêu chí cho riêng mình. Hiện tại có 3 tiêu chí phổ biến của NĐT cá nhân, đó là: mua CP với mục đích đầu tư giá trị và giữ trong dài; hạn, mua CP phòng thủ sao cho không hao hụt nguồn vốn và cũng là để giữ được cảm giác đối với thị trường; và cuối cùng là mua để lướt sóng trong ngắn hạn.

Để tồn tại, NĐT phải thực sự chuyên nghiệp. Ảnh: LÃ ANH

Để tồn tại, NĐT phải thực sự chuyên nghiệp. Ảnh: LÃ ANH

  • Mua để lướt

Giám đốc môi giới của một CTCK lớn chia sẻ, trong 3 tiêu chí vừa nêu, số lượng NĐT cá nhân chọn 2 tiêu chí đầu tiên khá ít, mà phần lớn chọn tiêu chí thứ 3. Thậm chí, nhiều NĐT đã chọn tiêu chí 1 hoặc 2 rồi, đã quyết tâm rồi, nhưng sau khoảng 1 tháng không thấy CP “rục rịch” gì, lại chán nản và bán ra luôn.

Với tiêu chí này, chiến thuật “đánh” những CP tầm 1.0-1.5 có thể xem là thượng sách, do 2 nguyên nhân sau đây: Trong trường hợp CP tăng giá, chỉ cần tăng 200-500 đồng/CP là có thể đạt được tỷ suất lợi nhuận từ 3-5% mà thời điểm hiện nay chỉ cần không lỗ đã là “may”. Ở chiều ngược lại, với tình thế bây giờ, những CP đáng phải giảm xuống dưới 1.0 đã giảm rồi, những CP trụ được đến lúc này cũng khó giảm, nên nếu thị trường không thuận lợi, những CP từ 1.0-1.5 cũng có khả năng phòng thủ khá tốt.

Lấy ví dụ điển hình như trường hợp REE, STB đóng cửa phiên cuối tuần qua chỉ có giá khoảng 1.4. Đây là những CP có thanh khoản hàng đầu, như vậy nếu có giảm, những ai nắm giữ cũng dễ chạy và thiệt hại sẽ không lớn, trong khi nếu tăng ngược trở lại khoảng 500 đồng, NĐT cũng có thể có lãi đôi chút. Nếu trong thời gian tới, NĐT cá nhân tiếp tục chọn tiêu chí này để mua CP, những mã giá tầm 2.0-5.0 phần nào mất đi ưu thế vì NĐT có thể cho rằng thị giá như vậy là “cao”.

Ở đây có một kiểu chọn CP mặc dù không mới nhưng cũng cần phải nói đến, đó là chọn CP có giá giảm mạnh trong thời gian qua để mua vào. Cuối tuần qua, hàng loạt mã khoáng sản như KSS, KSH và KTB đã tăng trần, trong đó KTB đã giảm rất mạnh kể từ ngày lên sàn.

Nhưng theo chia sẻ từ một NĐT chuyên lướt sóng, chọn những CP kiểu như vậy cực kỳ rủi ro vì như đã nói ở trên, thị giá bây giờ chi phối rất lớn đến quyết định của NĐT mà nhiều CP mặc dù giảm mạnh nhưng nếu giá vẫn còn trên 2.0 cũng không được xem là rẻ, và như vậy khả năng tăng giá đủ đến T+4 rất khó khăn, NĐT mua vào bán ra không kịp sẽ thua lỗ như chơi. Để tồn tại với thị trường này, NĐT cần phải chuyên nghiệp thực sự, chuyên nghiệp trong suy nghĩ, trong giao dịch. Khó khăn lúc này nếu nhìn ở góc độ tích cực chính là cơ hội để NĐT rèn dũa và nâng cao trình độ của mình.

ĐẠI NGÀN

Tin cùng chuyên mục