Băn khoăn điều chỉnh tăng học phí đại học

Năm học 2023-2024, các cơ sở giáo dục đại học bắt đầu tăng học phí theo lộ trình quy định tại Nghị định 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo (gọi tắt là Nghị định 81). Theo đó, mức học phí mới của nhiều trường công lập, nhất là các trường mới tự chủ, sẽ điều chỉnh theo hướng tăng gấp đôi so với mức học phí cũ.
Các học viên cao học ngành Công nghệ sinh học trong tiết học thực hành tại Phòng nghiên cứu gen và tế bào gốc (Trường ĐH Quốc tế - ĐH Quốc gia TPHCM)
Các học viên cao học ngành Công nghệ sinh học trong tiết học thực hành tại Phòng nghiên cứu gen và tế bào gốc (Trường ĐH Quốc tế - ĐH Quốc gia TPHCM)

Học phí tất cả nhóm ngành đều tăng

Nghị định 81 nêu rõ, học phí năm học 2021-2022 ở các cấp học không thu vượt mức trần khung học phí năm học 2020-2021, nhưng từ năm học 2021-2022 trở đi, học phí mới sẽ áp dụng theo Nghị định 81. Dù có hiệu lực từ tháng 10-2021 nhưng do tác động của dịch Covid-19, năm học 2021-2022, Chính phủ yêu cầu các trường chưa áp dụng. Đến nay, các trường đã bắt đầu áp dụng tăng học phí.

Theo quy định, ở bậc giáo dục đại học, mức trần học phí đối với các chương trình đào tạo đại trà trình độ đại học tại các cơ sở giáo dục công lập chưa tự chủ được áp dụng theo khối ngành, chuyên ngành đào tạo.

Cụ thể, học phí khối ngành khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên: 14,1 triệu đồng/năm (tăng 4,3 triệu đồng so với năm học 2021-2022); khối ngành nghệ thuật: 13,5 triệu đồng/năm (tăng 1,8 triệu đồng); khối ngành kinh doanh và quản lý, pháp luật: 14,1 triệu đồng/năm (tăng 4,3 triệu đồng); khối ngành khoa học sự sống, khoa học tự nhiên: 15,2 triệu đồng/năm (tăng 3,5 triệu đồng); khối ngành toán và thống kê, máy tính và CNTT, công nghệ kỹ thuật: 16,4 triệu đồng/năm (tăng 4,7 triệu đồng); khối ngành y dược: 27,6 triệu đồng/năm (tăng 13,3 triệu đồng)...

Như vậy, mức học phí của các cơ sở giáo dục đại học chưa tự chủ của 7 khối ngành tăng từ 1,8-13,3 triệu đồng/năm. Trong đó, tăng nhiều nhất là khối ngành y dược và các khối ngành sức khỏe khác, mức tăng 6,6-13,3 triệu đồng/năm.

Đối với cơ sở giáo dục đại học công lập tự chủ, mức học phí được xác định tối đa bằng 2 lần (28,2-55,2 triệu đồng/năm) mức trần học phí so với các cơ sở chưa tự chủ. Đối với cơ sở giáo dục đại học công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, mức học phí được xác định tối đa bằng 2,5 lần (70,5-138 triệu đồng/năm) mức trần học phí so với trường chưa tự chủ.

Trong khi đó, mức trần học phí đối với đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ của các cơ sở giáo dục đại học công lập được xác định cao hơn 1,5-2,5 lần so với học phí đại học. Với chương trình đạt chuẩn kiểm định chất lượng, các trường tự xác định mức học phí.

Các trường điều chỉnh tăng 10%-30%

Theo báo cáo về phương án điều chỉnh học phí năm học 2023-2024 của Bộ GD-ĐT, dự kiến đầu tháng 7, hội đồng nhân dân các địa phương sẽ thông qua mức học phí cho năm học mới với bậc phổ thông.

Với bậc đại học, các trường phải công bố mức học phí và thông báo trước khi thí sinh đăng ký dự tuyển. Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng đã đồng ý với phương án trường đại học tăng học phí từ năm học 2023-2024 theo Nghị định số 81, còn bậc phổ thông do địa phương quyết định.

Qua tìm hiểu, trong đề án tuyển sinh năm 2023 của các trường đại học đã công bố đều cho thấy học phí năm học 2023-2024 đều tăng. Nhiều trường tăng từ 2-13 triệu đồng/năm hoặc tăng gấp đôi, tùy theo ngành.

Cụ thể, Trường ĐH Ngoại thương dự kiến mức học phí đối với chương trình đại trà là 25 triệu đồng/sinh viên/năm; học phí chương trình chất lượng cao là 45 triệu đồng/sinh viên/năm; chương trình tiên tiến là 70 triệu đồng/sinh viên/năm.

Nhìn chung, mức học phí của Trường ĐH Ngoại thương năm học 2023-2024 tăng từ 5-10 triệu đồng so với năm học trước. Học viện Tài chính dự kiến mức học phí từ 22-24 triệu đồng/sinh viên/năm với các ngành đào tạo chương trình chuẩn (tăng 10%-20% so với năm trước); học phí với chương trình chất lượng cao từ 48-50 triệu đồng/sinh viên/năm.

Học viện Báo chí và Tuyên truyền cũng dự kiến nâng mức thu học phí hệ đại trà từ hơn 440.000 đồng lên hơn 500.000 đồng/tín chỉ với khóa tuyển mới; riêng với hệ chất lượng cao, mỗi sinh viên phải nộp gần 1,5 triệu đồng/tín chỉ (mức cũ là 1,3 triệu đồng/tín chỉ)…

Tại nhiều trường đại học lớn ở TPHCM như các trường thành viên của ĐH Quốc gia TPHCM, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Trường ĐH Y Dược TPHCM, Trường ĐH Công nghiệp TPHCM, Trường ĐH Luật TPHCM..., học phí đều tăng ít nhất từ 10%-30% so với năm học trước.

Theo ông Christophe Lemiere, Ban phát triển con người (Ngân hàng Thế giới), chương trình tín dụng cho học sinh, sinh viên (HS-SV) do Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam quản lý là hình thức tín dụng duy nhất hiện có nhưng quy trình, thủ tục rườm rà, phức tạp và giá trị khoản vay chỉ giới hạn ở mức đủ hoặc gần đủ để trang trải học phí cơ bản, dẫn đến tình trạng độ phủ ngày càng thấp. Số lượng HS-SV được thụ hưởng khoản vay ngày càng giảm, từ 2,4 triệu HS-SV năm 2011 xuống 725.000 HS-SV năm 2017 và chỉ còn 37.000 HS-SV trong năm 2021. Năm 2023, Bộ GD-ĐT và Ngân hàng Thế giới đồng triển khai điều tra vấn đề này và nhận thấy, gần 15% HS và cha mẹ HS bậc THPT gặp rào cản tài chính đã cân nhắc việc sử dụng tín dụng SV trong trường hợp học phí ĐH cao hơn khả năng chi trả. Trong đó, 49% phụ huynh và 50% HS đã tính tới phương án đổi ngành học. Với phương án đi vay để học, các phụ huynh ưu tiên việc vay của người thân hơn là sử dụng tín dụng SV.

PGS-TS VŨ HẢI QUÂN, Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM: Cần mở rộng đối tượng, chính sách tín dụng cho sinh viên

Mặc dù quy định về chính sách tín dụng cho sinh viên đã được sửa đổi nhưng nhìn chung vẫn mang tính chất chính sách bảo trợ xã hội, hỗ trợ cho các trường hợp khó khăn tài chính hơn là một chính sách tài chính cho giáo dục đại học. Vì vậy, cần mở rộng đối tượng được hưởng chính sách tín dụng sinh viên, điều chỉnh mức cho vay nhằm đảm bảo sinh viên có thể chi tiêu cho đời sống bằng nhóm trung bình của xã hội và đủ tiền nộp học phí. Cùng với đó, phải giảm lãi suất vay cho sinh viên vay vốn hoặc chia theo lộ trình trong thời gian học; và khi tốt nghiệp ra trường sẽ áp dụng lãi suất cao hơn, đồng thời điều chỉnh thời gian vay tối thiểu 15 năm... Trong thời gian tới, hội đồng hiệu trưởng các trường đại học trên địa bàn TPHCM sẽ nghiên cứu và thành lập chương trình tín dụng cho tất cả sinh viên đang theo học tại các trường này.

Th.S PHẠM THÁI SƠN, Giám đốc Trung tâm Truyền thông và Tuyển sinh Trường ĐH Công thương TPHCM: Dành ít nhất 8% nguồn thu học phí để lập các quỹ học bổng

Hiện nay, xu hướng các trường tự chủ sẽ ngày càng nhiều, đồng nghĩa học phí sẽ được điều chỉnh sát với chi phí đào tạo. Kinh nghiệm từ các trường thí điểm tự chủ cho thấy, việc tăng học phí giúp cải thiện chất lượng đào tạo rất rõ. Tuy nhiên, cùng với việc tăng học phí, khi thực hiện tự chủ, các trường phải cam kết dành ít nhất 8% nguồn thu học phí để lập các quỹ học bổng, hỗ trợ sinh viên. Ngoài ra, các trường cũng cần có thêm nhiều chính sách để hỗ trợ người học, như hỗ trợ học sinh, sinh viên khó khăn, diện chính sách.

TRẦN THANH NGỌC, học sinh lớp 12 Trường THPT Lê Thị Pha (Bảo Lộc, Lâm Đồng): Chọn trường học phí thấp

Ban đầu em định đăng ký vào ngành Kinh doanh quốc tế (Trường ĐH Kinh tế TPHCM) và ngành Logistics (Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM) nhưng em xem học phí lên đến 25 triệu đồng/năm nên thôi. Sau đó, em chọn Trường ĐH Nông Lâm TPHCM và đăng ký các ngành Thú y, Quản trị kinh doanh vì học phí chỉ 14-16 triệu đồng/năm. Ba mẹ đều làm nông, em cũng không thuộc diện được vay vốn tín dụng sinh viên nên phải suy đi tính lại khi chọn ngành, chọn trường. Nếu chọn trường công lập tự chủ mà học phí quá cao, em sợ ba mẹ không đủ tiền để lo cho em theo học. Mong muốn của em là nên có chương trình vay vốn cho tất cả các đối tượng. Khi đó, nhiều bạn như em sẽ không phải băn khoăn và bỏ qua những trường công lập mình yêu thích chỉ vì học phí quá cao.

Tin cùng chuyên mục