Mấy ngày nay xảy ra việc 10 “hiệp sĩ” thuộc CLB Phòng, chống tội phạm phường Phú Hòa, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương liên quan đến một giao dịch dân sự có dấu hiệu cướp tài sản và cưỡng đoạt tài sản. Trắng đen thế nào còn chờ cơ quan công an điều tra. Tuy nhiên qua vụ việc này, chuyện hành hiệp của các “hiệp sĩ” một lần nữa lại nổi lên nhiều vấn đề khiến dư luận quan tâm.
Xuất phát từ bối cảnh xã hội xảy ra nhiều vụ cướp bóc và có nhiều người “giữa đường thấy chuyện bất bình chẳng tha”, đã dần đưa đến hình thành các CLB Phòng, chống tội phạm, quy tụ những người dân dũng cảm bắt cướp, đuổi bắt tội phạm. Họ đã vì sự bình yên của cộng đồng, đã hào hiệp ra tay giúp dân bắt trộm cướp, bảo vệ tài sản, bắt các thủ phạm rải đinh trên đường… Nhiều “hiệp sĩ” đã chịu thương tích, nguy hiểm đến tính mạng.
Đã không ít lời ca ngợi họ nào là “hiệp sĩ giữa đời thường”, “khắc tinh của bọn cướp”, “Lục Vân Tiên thời nay”… Phải công nhận công sức và tri ân các “hiệp sĩ” đã xả thân bảo vệ dân, góp phần đem lại bình yên cho xã hội. Tuy nhiên quá trình hành hiệp của họ cũng nảy sinh nhiều việc khiến không ít người băn khoăn.
Nhìn lại hoạt động của các CLB, tôi và bạn bè tự hỏi có phải chúng ta đã tôn vinh các “hiệp sĩ” quá đáng khiến họ đôi lúc hành động quá đà? Nhiều lúc dường như các “hiệp sĩ” quên thân phận của mình, quên mình là ai, đã dấn thân vượt quá “thẩm quyền”, “chức năng”. Có việc họ hành động không xuất phát từ “chuyện giữa đường” mà từ tố cáo của người dân, như câu chuyện đang được điều tra nêu trên. Câu hỏi đặt ra là tại sao người dân không báo vụ việc với cơ quan công an?
Tại sao các “hiệp sĩ” khi nhận được loại thông tin như vậy lại không báo lực lượng công an để các anh ấy làm theo đúng thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ và có nghiệp vụ đã được đào tạo? Các “hiệp sĩ” rõ ràng đã đi quá phận sự, để giờ đây thấy buồn phiền và phải cố minh oan cho mình.
Vấn đề là cho đến nay hoạt động của các CLB Phòng, chống tội phạm chưa có một khuôn khổ pháp lý nào, được quy định chính thức do cơ quan nào quản lý, hoạt động theo cơ chế nào. “Hiệp sĩ” của địa phương này khi đuổi bắt trộm, cướp sang địa bàn địa phương khác có phù hợp, có nhận được sự phối hợp (trong vụ vừa xảy ra, các “hiệp sĩ” ở tỉnh Bình Dương đã lên TPHCM hoạt động).
Người dân không thể không băn khoăn khi nhìn thấy ở đây có điều không ổn, những hoạt động tự phát như vậy khiến cho đời sống xã hội thêm phần kém kỷ cương. Các “hiệp sĩ” dẫu sao cũng là dân thường, tự nguyện bắt cướp để giúp dân, hỗ trợ lực lượng công an nhưng họ rất dễ hành động quá đà, vượt quá thẩm quyền, yêu cầu... Hành động đó là non nớt, hay có ý đồ trục lợi, cũng còn tùy đánh giá của mỗi người, nhưng đủ biết đó là khoảng cách mong manh.
Hoạt động hiện nay của các CLB Phòng, chống tội phạm đang nảy sinh nhiều vấn đề. Việc thiếu một khung pháp lý; quy chế, phạm vi hoạt động, quyền hạn… vừa bất lợi cho các “hiệp sĩ”, vừa gây xói mòn niềm tin của dân vào các thiết chế xã hội. Câu hỏi có nên duy trì phát triển các CLB Phòng, chống tội phạm rất cần sớm có lời giải.
ANH THƯ (quận 1)