Băn khoăn việc xử lý người trúng đấu giá bỏ cọc

Nên chế tài người trúng đấu giá bỏ cọc đối với một số loại tài sản giá trị lớn hay coi đây là quan hệ dân sự nên không xử lý hành chính, hình sự là vấn đề được nêu khi bàn về  dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.

Tại hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách đang diễn ra tại Nhà Quốc hội chiều 27-3, một số ý kiến đề nghị bổ sung vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản những chế tài cụ thể để xử lý người trúng đấu giá bỏ cọc.

Ngược lại, cũng có ý kiến cho rằng, đấu giá tài sản là quan hệ dân sự nên không xử lý hành chính, hình sự; đồng thời, quy định người trúng đấu giá được từ chối kết quả trúng đấu giá do có sự kiện bất khả kháng.

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản (dự thảo) đã bổ sung chế tài trường hợp người trúng đấu giá một số loại tài sản mà vi phạm nghĩa vụ thanh toán tiền trúng đấu giá, dẫn đến quyết định công nhận kết quả đấu giá bị hủy.

Cụ thể, đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư, quyền khai thác khoáng sản mà vi phạm nghĩa vụ thanh toán tiền trúng đấu giá dẫn đến quyết định công nhận kết quả đấu giá bị hủy, thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, sẽ bị cấm tham gia đấu giá đối với loại tài sản đó trong thời hạn từ 6 tháng đến 5 năm trên cơ sở nghiên cứu, tham khảo quy định tại Điều 87 của Luật Đấu thầu năm 2023.

Cơ quan có thẩm quyền quyết định cấm tham gia đấu giá là cơ quan phê duyệt kết quả đấu giá. Quyết định cấm tham gia hoạt động đấu giá phải được gửi cho tổ chức, cá nhân bị xử lý và cơ quan, tổ chức có liên quan, đồng thời gửi đến Bộ Tư pháp và phải đăng tải trên Cổng Đấu giá tài sản quốc gia.

"Quy định như vậy nhằm ngăn chặn các hành vi tiêu cực, gây lũng đoạn thị trường, ngăn chặn tình trạng bỏ cọc hoặc thổi phồng giá trị tài sản để trục lợi trong đấu giá tài sản", Thường trực Ủy ban Kinh tế giải thích.

Theo thường trực cơ quan thẩm tra, quy định này tương thích với Điều 218 của Bộ luật Hình sự quy định về chế tài hình sự đối với hành vi thông đồng, dìm giá hoặc nâng giá trong hoạt động bán đấu giá tài sản. Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15-7-2020 cũng đã có các quy định cụ thể về chế tài xử lý vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm tương ứng, trong đó có hành vi thông đồng, dìm giá.

Đối với việc bồi thường thiệt hại, tại Khoản 1 Điều 70 của Luật Đấu giá tài sản đã có quy định việc bồi thường được thực hiện theo quy định của pháp luật để bảo đảm phù hợp, tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Mặc dù vậy, cũng có ý kiến cho rằng, Nghị định số 82/2020/NĐ-CP chưa quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi bỏ cọc. Vì vậy đề nghị sửa đổi, bổ sung Nghị định số 82/2020/NĐ-CP hoặc sửa đổi, bổ sung tại dự thảo Luật Đấu giá tài sản về chế tài xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi bỏ cọc với mức xử phạt phù hợp, đủ sức răn đe và ngăn ngừa, tương tự như quy định của Luật Chứng khoán. Nếu xác định được gây mất an ninh, trật tự, gây thiệt hại về người và tài sản thì cần thiết phải bổ sung cả chế tài hình sự.

Tin cùng chuyên mục