Bản tình ca người lính

Chiến tranh đã lùi xa gần 40 năm, những người lính năm xưa một thời “binh đao, hoa lửa” trên chiến trường nay đã già, hoặc không còn nữa, song dân tộc Việt Nam luôn biết ơn họ.
Bản tình ca người lính

Chiến tranh đã lùi xa gần 40 năm, những người lính năm xưa một thời “binh đao, hoa lửa” trên chiến trường nay đã già, hoặc không còn nữa, song dân tộc Việt Nam luôn biết ơn họ.

 Bởi chính họ đã góp phần đưa Tổ quốc thống nhất, đất nước thanh bình trong cuộc trường chinh vệ quốc của dân tộc. Sự chiến đấu anh dũng và những máu xương mà họ đã đổ xuống trên chiến trường, chính là nguồn cội của sức mạnh, để thế hệ trẻ hôm nay viết tiếp bài ca giữ nước.

Chắc tay súng bảo vệ Trường Sa. Ảnh: VIỆT DŨNG

1. Bố tôi là một người lính. Ông bước vào cuộc chiến chống Mỹ khi đang là sinh viên của Đại học Tổng hợp. Ngày ấy, những chàng trai “xếp bút nghiên theo việc đạo cung” như bố tôi nhiều lắm. Có rất nhiều người đã viết cả huyết thư để được ra trận. Họ đã hòa mình vào đoàn quân điệp trùng ra trận tuyến với tinh thần “chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”.

Sau những đêm hành quân không ngủ trong rừng sâu và trận chiến đấu đầu tiên mà bố tôi “nếm trải”, ông viết thư về nhà cho mẹ tôi: “Em ơi, đừng buồn. Anh đi rồi anh sẽ về với em trong ngày hòa bình, thống nhất. Nếu anh không về thì đất nước ta nhất định sẽ có được hòa bình”. Lá thư ấy đến giờ vẫn còn nguyên vẹn. Nó được giữ lại như một báu vật của gia đình. Mẹ tôi bảo “Thời chiến trận luôn cần những người xung phong ra trận. Bố con là một trong nhiều thanh niên lúc đó đã viết thư bằng máu để được đến chiến trường. Giữ lá thư này để các con hiểu rằng, thời đại nào, Tổ quốc cũng cần những con người quên mình, biết sống đẹp, sẵn sàng xả thân vì nước”. Mẹ tôi ấp lá thư lên ngực, nước mắt trào ra, ánh mắt nhìn lên di ảnh của bố đặt giữa bàn thờ.

Trước khi tôi vào quân đội, tôi đã từng hỏi mẹ: “Sao bố lại không đi học mà lại chọn ra chiến trường chiến đấu?”, mẹ tôi đã trả lời giản dị: “Không ai muốn chọn chiến trường con ạ. Nhưng nếu bố và các chú bộ đội không ra trận tuyến, thì bầu trời trên kia không phải là của con, và cũng chẳng bao giờ có ngày độc lập. Máu xương đổ xuống năm xưa, là hòa bình của ngày hôm nay. Cuộc sống phồn thịnh bây giờ, được đổi bằng hy sinh của những người lính Cụ Hồ ngày trước”. Ngày bố tôi nằm xuống, tôi còn nằm trong bụng mẹ. Mẹ tôi kể lại, ông hy sinh tại Chiến trường Đ. Nhiều đồng đội đã đến tiễn ông. Họ mặc quân phục, mắt rưng rưng đưa tay chào bố trước giờ tiễn biệt. Giọt nước mắt bùi ngùi tiễn bố tôi ngày ấy đã biến thành sức mạnh, để rồi ngày đất nước thống nhất, họ lại khóc. Chỉ khác, khóc trong vui sướng, hân hoan, tự hào hòa cùng dân tộc.

2. Tiếp nối truyền thống gia đình, tôi vào bộ đội. Nhớ lời bố dặn trong thư, tôi đi học sĩ quan phục vụ quân đội lâu dài. Sau 5 năm luyện rèn, đèn sách, tôi trở thành sĩ quan và xung phong ra Nhà giàn DK1 làm nhiệm vụ. Hành trang mang theo là tình yêu biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Giữa ngàn khơi sóng gió, giữa cái nắng cháy da cháy thịt, nỗi nhớ đất liền luôn gào xé trong lòng. 11 năm ròng ở Nhà giàn DK1, tôi không nhớ bao đêm không ngủ, cùng đồng đội căng mắt theo dõi mục tiêu lạ xuất hiện trên biển, bao lần xuống tàu tránh bão, nhưng mỗi lần một đồng đội nằm lại ngàn khơi thì không thể nào quên. Năm 1990, cơn lốc lúc nửa đêm đã nhấn chìm Nhà giàn Phúc Tần 3 kéo xuống biển đen 9 cán bộ, chiến sĩ. Ba chiến sĩ đã hy sinh. Đó là Trung úy Chính trị viên Nguyễn Hữu Quảng, Hạ sĩ Trần Văn Là, và quân y sĩ Hồ Văn Hiền. Trước lúc ngã vào lòng biển, Nguyễn Hữu Quảng đã nhường mảnh áo phao và miếng lương khô cuối cùng cho đồng đội. Sau đó một năm, Thuyền phó Quân sự Phạm Tảo và máy trưởng Lê Tiến Cường đã bị sóng nhấn chìm khi tàu HQ 666 trực tại Nhà giàn Tư Chính 1A trong đêm 30 Tết. Cơn bão quốc tế có tên Fathes đã cướp đi 3 người lính ưu tú là: Đại úy Vũ Quang Chương, chuẩn úy Lê Đức Hồng, thiếu úy Nguyễn Văn An rạng sáng 13-12-1998 tại Nhà giàn DK1/6 (Phúc Nguyên 2A) để lại bao tiếc thương cho gia đình và đồng đội. Mới đây nhất, đại úy Dương Văn Bắc đã ngã xuống trong khi làm nhiệm vụ kiểm tra chân đế Nhà giàn DK1/11, để lại hậu phương người vợ trẻ và hai con trai nhỏ. Nghĩ tưởng thời bình không có mất mát hy sinh, không ai muốn cuốn sổ truyền thống của Nhà giàn DK1 thêm trang mới, chẳng ai mong những người lính Trường Sa ngã xuống rạn đá san hô, để máu đào của các anh hòa vào sóng biển; lịch sử cũng không muốn nhắc lại quá khứ đau thương trong trận hải chiến Trường Sa tháng 3 năm 1988 với 64 người con bất tử nằm lại đảo đá Gạc Ma, song trong dặm dài trường chinh xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, sự hy sinh mất mát là điều không tránh khỏi. Đó là sự hy sinh kiêu hãnh của người lính thời bình, vì dân xả thân, vì biển đảo hy sinh, vì Tổ quốc quên mình.

Sự hy sinh của người lính hôm nay, chính là viết tiếp bài ca giữ nước của những người đi trước. Bài ca ấy đang chảy trong tim những người lính trẻ. Bài ca ấy không bao giờ tắt, bởi nó được thắp sáng từ sự hy sinh anh dũng kiên cường của thế hệ cha ông được truyền từ thế hệ này, sang thế hệ khác.

LÊ ĐÌNH

Tin cùng chuyên mục