Sự kiện bóng đá Việt Nam có một nhà môi giới chuyên nghiệp chính thức được FIFA công nhận sẽ góp phần làm phong phú thêm cho làng bóng Việt Nam. Nó giải tỏa phần nào nạn bóng đá Việt Nam lâu nay vẫn cứ phải sống chung với cò chui và với thị trường bát nháo.
- Quá khứ và thị trường mở từ trước khi bước vào chuyên nghiệp

Lưu Đình Tuấn (thứ 2 từ trái sang) trong thành phần Ban huấn luyện TMN.CSG tại V- League 2004- 2005. Ảnh: Hoàng Vy.
Năm 1991, khi bóng đá Việt Nam vừa chớm thoát ra khỏi cơ chế bao cấp thì hàng loạt CLB nước ngoài đã ngó vào cái thị trường hấp dẫn ấy.
Nhân chuyến thi đấu của đội tuyển Việt Nam tại nước ngoài, một tờ báo Hong Kong khi ấy đã đăng thật chi tiết hình ảnh tiền vệ số 1 Việt Nam thời bấy giờ là Lư Đình Tuấn với dòng tít: Một Maradona của Việt Nam.
Lư Đình Tuấn khi ấy đã trở nên mục tiêu săn đuổi của nhiều CLB với những lời mời chào và đánh tiếng sang lãnh đạo Sở TDTT TPHCM và cả đến Tổng Giám đốc Cảng Sài Gòn để mong có được tiền vệ tài năng này.
Sau Lư Đình Tuấn, trung vệ Chu Văn Mùi khi tham dự SEA Games 17 cũng được CLB bóng đá Quân đội của Singapore đặt vấn đề trực tiếp với HLV trưởng Trần Bình Sự nhưng ông Sự tế nhị từ chối với phát biểu: “Bóng đá Việt Nam chưa có luật cho phép một cầu thủ được chuyển sang đá cho một CLB nước ngoài”.
Một vài năm sau, lại đến tiền vệ tài hoa Nguyễn Hồng Sơn cũng được các quốc gia trong khu vực để mắt đến.
Những cơ hội “xuất khẩu” cầu thủ đồng thời cũng là để các cầu thủ học hỏi tinh hoa từ các nền bóng đá nước ngoài cứ lần lượt bị bỏ qua bởi bóng đá Việt Nam chưa lên chuyên nghiệp và chưa có luật.
- Vụ “chuyển nhượng”đầu tiên
Đến nay, có thể nói sự kiện cầu thủ xuất ngoại đầu tiên đi thi đấu cho một CLB nước ngoài là “thương vụ” Lê Huỳnh Đức được biệt phái thi đấu cho CLB Lifan (Trung Quốc).
Gọi là “thương vụ” vì điều ấy giống như chuyện làm ăn mà Đức khoác áo Lifan để phục vụ cho mục đích thương mại của tập đoàn này trên thị trường xe máy tại Việt Nam. Đổi lại, cơ quan chủ quản của Đức lúc bấy giờ sẽ được những quyền lợi riêng và bản thân Đức cũng có quyền lợi. Vài tháng bên Trung Quốc, Đức ăn, tập, chụp ảnh và ngồi ghế dự bị nhiều hơn ra sân. Tuy nhiên, thời gian ấy cũng chẳng ảnh hưởng gì đến CLB của Đức ở Việt Nam do lịch đấu giữa giải VĐQG Việt Nam và C-League lệch nhau.
Đấy có thể nói là vụ “chuyển nhượng” đầu tiên dù nó làm trên mục đích thương mại có sự thuận tình của hai đơn vị nơi Đức đang khoác áo ở Việt Nam và nơi Đức sẽ qua theo… hợp đồng kinh tế.
- Những thương vụ trao đổi va... ký gửi
Sau này, khi bóng đá Việt Nam lên chuyên nghiệp, luật mới chỉ mở cửa một chiều trong chuyển nhượng, đó là cho cầu thủ ngoại được nhập vào Việt Nam (có giới hạn). Còn lại cửa ra vẫn được đóng kín bởi một van an toàn.
Chưa thể gọi đó là chuyển nhượng toàn phần theo đúng với cơ chế chuyên nghiệp khi cầu thủ nội chỉ xoay vòng trong các CLB nội.
Tuy nhiên cũng có vài trường hợp trao đổi và ký gửi có thời hạn như việc Lương Trung Tuấn qua khoác áo CLB Thái Lan trong thời gian thụ án của LĐBĐVN theo hợp đồng vay mượn và hỗ trợ.
Nó cũng giống với hình thức Nguyễn Việt Thắng sang Bồ Đào Nha thi đấu ở giải hạng dưới… Tất cả đều không có chuyển nhượng và không có hợp đồng như các cầu thủ ngoại đặt chân đến Việt Nam.
Vấn đề này ở khóa IV, khi chúng tôi đặt vấn đề với những người có trách nhiệm lại được nghe những câu trả lời rất chung chung như luật chưa cho phép và muốn cầu thủ Việt Nam khoác áo CLB nước ngoài theo hợp đồng chuyển nhượng phải được nhiều cấp bật đèn xanh và gật đầu thì van mới mở hai chiều.
- Tâm sự của người môi giới chuyên nghiệp quốc tế
Bà Mae Mua, người vừa đạt kỳ thi người môi giới chuyên nghiệp của FIFA tại Việt Nam tâm sự: “Ở Việt Nam, mọi người vẫn còn thói quen bàn công việc ở... quán nhậu. Lại cũng có nhiều điều kiêng kỵ mà tôi còn nhớ khi Strata còn quản lý đội Đồng Nai, tôi cũng đã từng gặp cảnh khó xử khi cứ phải tránh xuống sân bắt tay cầu thủ đối phương trước trận đấu vì họ kiêng gặp phụ nữ. Vào nghề này thì phải chấp nhận thôi. Tôi tự tin ở mối quan hệ và hiểu biết về bóng đá của mình sau gần 10 năm làm việc ở Việt Nam. Khi tôi quyết định thi để trở thành nhà môi giới chuyên nghiệp, nhiều người vẫn hỏi tôi làm sao một mình có thể “đánh” lại các loại “cò” chui thì tôi trả lời là ăn thua là ở chất lượng cầu thủ mình giới thiệu. Nếu chất lượng tốt, mình sẽ thắng. Làm môi giới chuyên nghiệp không lừa CLB được vì chỉ một lần là mất quan hệ ngay. Riêng việc tính đến dòng chảy ngược các cầu thủ chất lượng từ Việt Nam ra nước ngoài thì đúng là chúng ta bỏ lỡ rất nhiều cơ hội đáng tiếc. Hai năm trước, CLB Yokohama ở giải chuyên nghiệp của Nhật rất quan tâm đến Văn Quyến và đã đặt vấn đề thông qua Strata với ý định chuyển nhượng cầu thủ này với giá 200.000USD kèm thêm việc hỗ trợ 1-2 cầu thủ của họ nữa, nhưng không thể…”.
Cái từ không thể mà bà Mae Mua đề cập nó nằm ở hành lang pháp lý và ở ranh giới mà bóng đá Việt Nam chưa vượt qua được vì nhiều lý do.
Việc các tuyển thủ Thái Lan ào ạt qua Việt Nam thi đấu rồi tích lũy lẫn mang những kinh nghiệp của họ có được cho quốc gia họ cũng là điều mà bóng đá Việt Nam chưa làm được.
Đã đến lúc phải tính đến việc chuyển nhượng hai chiều. Nó có lợi cho cầu thủ nhà và có lợi cho chính bóng đá Việt Nam nhiều hơn là tư tưởng “cho đi là mất”.
Cứ nghĩ cho đi để học hỏi và trở về phục vụ chắc chắn sẽ thoải mái hơn và chuên nghiệp hơn.
Vấn đề còn lại là ai sẽ xúc tiến việc này để chúng ta đừng mất đi những cơ hội.
NGUYỄN NGUYÊN