- Sân vận động Metalist, Khariv, Ucraina (23 giờ đêm nay). Trọng tài Damir Skomina (Slovakia)
Hà Lan từng đánh bại Đan Mạch trong trận đấu ra quân tại World Cup 2010, mở ra một hành trình đáng nhớ, kết thúc bằng trận chung kết thua Tây Ban Nha trong hiệp phụ. Bây giờ, 2 đối thủ nhẵn mặt nhau này lại chạm trán trong trận đấu ra quân tại Euro 2012.
So với trận cầu tại Johannesburg (Nam Phi) cách đây 2 năm, Đan Mạch sẽ có không ít thay đổi trong đội hình. Ngôi sao trẻ Christian Eriksen được chờ đợi sẽ tỏa sáng, trong khung thành đã không còn Thomas Sorensen nữa và Niklas Bendtner cũng không còn đáng tin cậy như trước.
Trong khi đó, thành phần ra sân của Hà Lan đêm nay sẽ không có nhiều khác biệt. Mục tiêu của thầy trò HLV Bert van Marwijk cũng vậy: 3 điểm để khởi đầu hành trình chinh phục danh hiệu đầu tiên sau 24 năm thật suôn sẻ. Trong bảng tử thần còn có Đức và Bồ Đào Nha, mọi trận đấu đều có tính chất không khác gì vòng đấu knock-out. HLV Van Marwijk nói: “Khi có kết quả bốc thăm, tôi đã nói trận đầu tiên với Đan Mạch là trận quan trọng nhất và đến giờ tôi vẫn bảo lưu quan điểm ấy”.
Hà Lan đã trải qua hành trình vòng loại rất thuyết phục khi thắng 9/10 trận, ghi đến 37 bàn (nhiều nhất vòng loại), trong đó có chiến thắng kỷ lục 11-0 trước San Marino. Kết quả các trận giao hữu gần đây của Hà Lan thay đổi theo chiều hướng tốt dần lên. Họ thua Bulgaria 1-2, thắng Slovakia 2-0 rồi đè bẹp Bắc Ailen 6-0. Trong chiến thắng với tỷ số của một séc tennis ấy, Ibrahim Afellay và Robin van Persie đều lập được cú đúp.
Không khó để đưa ra dự đoán về đội hình xuất phát của Hà Lan. Van Persie, đang ở trong mùa bóng đẹp nhất sự nghiệp, sẽ được ưu ái cho đá chính trong sơ đồ 4-2-3-1 và Klaas Jan Huntelaar, một chân sút đầy tài năng khác, sẽ phải chờ cơ hội trên ghế dự bị. Người hâm mộ có thể thấy tiếc cho chân sút vừa giành giải Vua phá lưới tại Bundesliga và ghi gấp đôi số bàn của Van Persie ngoài vòng loại (12 so với 6) nhưng Van Marwijk có những toan tính của riêng mình.
Vì những toan tính riêng ấy, Van Marwijk đã chấp nhận hứng chịu sự chỉ trích từ giới truyền thông Hà Lan, những người đang tỏ ra ưu ái chân sút của Schalke hơn. Ông cũng chấp nhận nuôi một quả bom nổ chậm bởi chính Huntelaar đã thừa nhận là anh cảm thấy thất vọng và tức giận vì không được đoái hoài.
Nhiều khả năng trung vệ Joris Mathijsen không kịp hồi phục vết chấn thương gân kheo. Vì thế Wilfred Bouma và Ron Vlaar sẽ cạnh tranh một suất đá cặp với John Heitinga ở trung tâm hàng thủ. Ở cánh trái, Jetro Willems nhiều khả năng sẽ đá chính và trở thành cầu thủ trẻ nhất ra sân tại VCK Euro. Ngôi sao trẻ của PSV sinh năm 1994, 2 năm sau cú thành công thần kỳ của Đan Mạch tại Euro 1992 và 6 năm sau chức vô địch gần nhất và duy nhất của Hà Lan năm 1988.
- Đội hình dự kiến
Hà Lan (4-3-3): Stekelenburg - Van der Wiel, Heitinga, Vlaar, Willems - Van Bommel, De Jong, Wesley Sneijder – Robben, Van Persie, Afellay.
Đan Mạch (4-3-3): Andersen – Jacobsen, Kjaer, Agger, Poulsen – Eriksen, Kvist, Zimling - Krohn-Dehli, Bendtner, Rommedahl.
- ĐIỂM NHẤN
- Trong tổng cộng 29 lần chạm trán trên mọi đấu trường, Hà Lan thắng 12 trận, hòa 10 trận và thua 7 trận.
- Trong 8 lần gặp nhau từ 1967 trở lại đây, Hà Lan chưa từng thua Đan Mạch trong 90 phút. Bán kết Euro 1992, 2 đội hòa nhau 2-2 trước khi Hà Lan chấp nhận thất bại sau loạt sút 11 mét. Năm ấy Đan Mạch vô địch.
- Hà Lan đã thắng đến 23/25 trận đấu chính thức gần đây của họ. Hai trận thua trong thời gian đó là thua Tây Ban Nha 0-1 trong hiệp phụ trận chung kết World Cup 2010 và thua Thụy Điển 2-3 trong trận đấu cuối vòng loại Euro 2012. Lần cuối cùng Hà Lan rời sân sau một trận hòa đã cách đây 4 năm (trước Rumani vòng loại Euro 2008).
- Đan Mạch thắng 4 trận cuối ngoài vòng loại và bất bại trong 6 trận đấu chính thức gần đây.
- Đan Mạch chỉ ghi 2 bàn trong 5 trận gần đây với Hà Lan.
Đức – Bồ Đào Nha: Ứng viên trình làng
- Sân vận động Lviv, Ucraina (1 giờ 45 rạng sáng mai). Trọng tài: Stephane Lannoy (Pháp)
Trong mắt không ít nhà chuyên môn, Đức thậm chí còn sáng giá hơn cả Tây Ban Nha tại giải lần này. Đêm nay người ta sẽ được nhìn thấy rõ diện mạo của ứng viên sáng giá này trong trận đấu với Bồ Đào Nha. Thủ quân Philipp Lahm của Đức nhấn mạnh: Đã đến lúc chứng tỏ cho thế giới thấy mình là số 1.
Đội bóng 3 lần vô địch châu Âu chính là khắc tinh của Bồ Đào Nha những giải lớn gần đây. Tứ kết Euro 2008, Đức loại Bồ Đào Nha. World Cup 2006, Đức cũng đánh bại Bồ Đào Nha trong trận tranh hạng 3. Nhưng Lahm nhấn mạnh những kết quả ấy sẽ không có nhiều ảnh hưởng trong cuộc tái đấu này. Hậu vệ Per Mertesacker cảnh báo: Hãy luôn để mắt đến Cristiano Ronaldo dù anh này vẫn hay bị chê là không biết tỏa sáng trong những trận cầu lớn.
Đức kết thúc hành trình vòng loại với thành tích toàn thắng 10 trận. Nhưng trưng cầu cho thấy cứ 4 người Đức, chỉ có 1 người tin Mannschaft sẽ vô địch mùa hè này. Những trận giao hữu thua Thụy Sĩ 3-5 hay thua Pháp 1-2 cũng khiến cho đoàn quân của HLV Joachim Loew chịu không ít áp lực.
Trận đấu này sẽ được dự báo “nóng” ở khu trung tuyến. Bộ đôi đang chơi cho Real Madrid Sami Khedira và Mesut Oezil sẽ đá chính và đối chọi với những người đồng đội tại CLB là Pepe, Cristiano Ronaldo hay Fabio Coentrao ở bên kia chiến tuyến. Tròn 34 tuổi đúng ngày hôm nay, Miroslav Klose sẽ tiếp tục gánh vác trách nhiệm ghi bàn cho Đức trong khi bên kia, vũ khí tối thượng của Bồ Đào Nha vẫn là Ronaldo.
- Đội hình dự kiến
Đức (4-2-3-1): Neuer – Boateng, Badstuber, Mertesacker, Lahm – Schweinsteiger, Khedira – Mueller, Ozil, Podolski – Klose.
Bồ Đào Nha (4-3-3): Patricio – Pereira, Bruno Alves, Pepe, Coentrao – Meireles, Veloso, Moutinho – Ronaldo, Postiga, Nani.
- Điểm nhấn
- Đức và Bồ Đào Nha đã chạm trán nhau tổng cộng 16 lần. Đức thắng 8 trận, Bồ Đào Nha thắng 3 trận.
- Trong 16 trận quốc tế gần đây, Đức đều ghi được bàn. Có đến 9 trận, họ ghi từ 3 bàn trở lên. Lần cuối cùng, Đức rời sân với tỷ số 0-0 là trận hòa Thụy Điển tháng 11-2010.
Nhóm PV
| |
Những ứng cử viên ra quân - Đức sẽ đá đẹp
16 năm sau chức vô địch Euro 1996, 22 năm sau vinh quang của World Cup 1990, đội tuyển Đức đến Euro 2012 với một áp lực nặng nề đó là phải giành được chức vô địch khi mà tập thể này đang sở hữu một thế hệ tài ba. Chính vì thế, điều làm HLV Joachim Loew đau đầu nhất là đội hình ra sân ở trận đầu tiên gặp Bồ Đào Nha. Từ năm 2002 đến nay, bóng đá Đức đã thay đổi rất mạnh mẽ. Từ một lối chơi nặng nề, thực dụng, khoa học được ví như những cỗ xe tăng, hết Klinsmann rồi bây giờ là Joachim Loew, đội tuyển Đức khiến cả thế giới túc cầu trải qua nhiều bất ngờ khi xây dựng một lối chơi trẻ trung, phóng khoáng hơn. Nhờ thế 10 năm qua, Đức vào đến 2 trận chung kết và 2 trận bán kết khác của 4 kỳ Euro và World Cup, nhưng họ vẫn thiếu một chức vô địch để khẳng định con đường mình đi là đúng đắn. Lần này, ông Loew chỉ đem đến giải 2 tiền đạo chính thức nhưng giới quan sát vẫn cho rằng, Đức vẫn hướng đến lối đá đẹp.
Trong khi đó, từ “bóng đá tổng lực” đến “cơn lốc màu da cam”, Hà Lan vẫn được cả thế giới bóng đá ngưỡng mộ vì lối chơi tấn công, về sự quyến rũ đến mức choáng ngợp mỗi lần họ khai triển trận đấu. Thế nhưng, nghịch lý là Hà Lan chỉ có đúng 1 lần vô địch Euro vào năm 1988. Phải chăng vì thế mà người ta chứng kiến sự thay đổi xu hướng chơi bóng ở đội tuyển da cam? Ở World Cup 2006, họ bị Bồ Đào Nha loại ở vòng 1/16 trong trận đấu có đến 8 chiếc thẻ vàng và 4 thẻ đỏ. 4 năm sau, ở chung kết World Cup 2010, họ lập nên một kỷ lục khác khi trận đấu giữa họ và Tây Ban Nha có đến 14 chiếc thẻ vàng cùng 1 thẻ đỏ dành cho Heitinga. Hồi năm 2008, Hà Lan quay trở lại với cách chơi tấn công vũ bão khi lần lượt đánh bại Italia, Pháp với cách biệt 3 bàn ở vòng đấu bảng. Nhưng đến tứ kết, họ thua Nga 1-3 chỉ vì không chống đỡ nổi ngón đòn phản công của đối phương. Vì thế, nhiều người cho rằng ở kỳ Euro 2012 lần này, Hà Lan không thể cứ phiêu lưu bằng lối chơi hoa mỹ để rồi cay đắng nhìn người khác giành thắng lợi. Vì thế, có lẽ cũng nên làm quen với một Hà Lan “xấu xí”.
Vinh Long