Trong một công trình nghiên cứu công bố mới đây, các nhà khoa học tại Đại học bang Ohio của Mỹ chỉ rõ, kết quả phân tích các dữ liệu thu thập trong 40 năm qua cho thấy trong thập niên 80 và 90 của thế kỷ 20, tổng lượng băng mất đi ở Greenland là khoảng 450 tỷ tấn/năm nhưng được lượng tuyết rơi bù lại. Tuy nhiên, trong thế kỷ 21, lượng băng mất đi lên tới 500 tỷ tấn/năm và không còn khả năng bù lại bằng tuyết rơi. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng nước biển dâng.
Kết quả một nghiên cứu trước đó của Đại học Lincoln (Anh) cho thấy lượng băng tan ở Greenland sẽ làm mực nước biển dâng thêm 10-12cm từ nay đến năm 2100. Trong khi đó, trong báo cáo công bố năm 2013, Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) thuộc Liên hiệp quốc cảnh báo mực nước biển có thể sẽ dâng thêm 60cm vào cuối thế kỷ 21.
Đảo Greenland có diện tích 2 triệu km2, gấp gần 4 lần diện tích nước Pháp, với 85% bề mặt bao phủ là băng. Lớp băng ở Greenland hiện chứa lượng nước đủ để khiến mực nước biển toàn cầu dâng thêm 6m và đang tan chảy với tốc độ nhanh nhất từ trước đến nay.