Bánh ít đi, bánh quy lại

Nhiều nước thành viên EU đứng trước nguy cơ phá sản do nợ công đang hướng về Trung Quốc - nước có 3.000 tỷ USD dự trữ ngoại tệ. Tại Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) diễn ra ở Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc, Thủ tướng nước chủ nhà Ôn Gia Bảo khẳng định Trung Quốc sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư vào EU, nhất là đối với các nước đang gặp khủng hoảng nợ.

Tất nhiên, chẳng phải Trung Quốc thoải mái mở rộng hầu bao để lãnh nợ giùm. Thủ tướng Ôn Gia Bảo nhân cơ hội này cho rằng EU nên công nhận Trung Quốc có nền kinh tế thị trường sớm hơn vài năm so với quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vào năm 2016 vì “đó là cách bạn bè đối xử nhau trong lúc khó khăn”. Theo ông Ôn Gia Bảo, cuộc họp thượng đỉnh EU-Trung Quốc vào tháng 10 là thời gian hợp lý để tạo sự đột phá. “Bánh ít đi, bánh quy lại”, nhiều hãng tin phương Tây cho rằng Trung Quốc ra điều kiện để giúp đỡ EU.

Nếu như cách đây một năm, Trung Quốc cho biết sẵn sàng gánh vác nợ xấu của EU thông qua việc mua lại cổ phiếu thì nay họ có vẻ thận trọng hơn. Bản thân nền kinh tế nước này cũng đang gặp phải tình trạng lạm phát khá cao: 6,2% (tháng 8-2011). Các quan chức Trung Quốc dự báo lạm phát của nước này khó kiềm hãm ở mức 4% trong năm 2011. Trong tình hình đó, tung quá nhiều dự trữ ngoại tệ để mua trái phiếu sẽ đưa đến nhiều rủi ro cho nền kinh tế.

Chính vì vậy, tờ Financial Times trích lời Thủ tướng Ôn Gia Bảo nói: “Các nước EU phải hoàn thành trách nhiệm của mình và tự dọn dẹp nhà của họ” và không quên thêm rằng “Các nước phát triển phải gánh vác trách nhiệm về chính sách tài chính và tiền tệ”.

Theo ông Lý Đạo Quỳ, giáo sư tài chính Đại học Thanh Hoa và là thành viên Ủy ban Chính sách tiền tệ thuộc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, Bắc Kinh không thể cứu mọi quốc gia và các nước phải tự cứu mình thông qua các biện pháp cái tổ. Ông Lý cho rằng việc mua trái phiếu của Italia cũng cần có điều kiện, đòi hỏi phải nghiên cứu thêm và Trung Quốc phải chuẩn bị trong trường hợp xấu nhất.

Giáo sư Đinh Thuần, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu châu Âu tại Đại học Phục Đán, nói: “Việc Trung Quốc đầu tư vào thị trường tài chính EU sẽ mang lại lợi ích cho đôi bên nhưng hiện vẫn còn nhiều rào cản của EU với các công ty Trung Quốc”. Nhiều học giả của Trung Quốc còn cho rằng cho đến nay, Mỹ vẫn chưa có trách nhiệm với vấn đề khủng hoảng nợ tại EU. Thay vào đó, họ chuẩn bị  đợt bơm tiền thứ ba vào thị trường. Điều này chỉ cứu kinh tế Mỹ nhưng đẩy thêm khó khăn cho các nước khác.

Nhìn chung, cuộc khủng hoảng nợ của EU xem ra mang lại nhiều cơ hội hơn cho kinh tế Trung Quốc. Mặc dù đã gia nhập WTO 10 năm, song nhiều công ty Trung Quốc vẫn còn bị các nước thành viên EU phân biệt đối xử, coi Trung Quốc chưa phải là nền kinh tế thị trường dẫn đến nhiều vụ kiện tụng dai dẳng.

Có lẽ cái mốc 2016 là quá xa. Vì vậy, đây là thời cơ tốt để Trung Quốc buộc EU đẩy nhanh tiến trình công nhận nền kinh tế thị trường. Càng tiện hơn khi Trung Quốc đang cần đa dạng hóa nguồn dự trữ khổng lồ bằng USD trong bối cảnh đồng USD đang trên đà mất giá như hiện nay.

Thụy Vũ

Tin cùng chuyên mục