(SGGP).- Theo cơ chế kiểm điểm định kỳ (UPR), Báo cáo quốc gia UPR của Việt Nam sẽ được thông qua tại phiên họp toàn thể của Hội đồng Nhân quyền LHQ tại Genève (Thụy Sĩ) ngày 24-9-2009. Trước đó, ngày 8-5, báo cáo này đã được Nhóm làm việc của Hội đồng Nhân quyền LHQ thông qua với nhiều đánh giá tích cực...
Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam hoan nghênh sự quan tâm của các nước, tổ chức quốc tế và những ý kiến bình luận, khuyến nghị mang tính xây dựng của các nước thành viên LHQ tại phiên họp thứ 5 của Nhóm làm việc về UPR của Hội đồng Nhân quyền xem xét Báo cáo quốc gia UPR của Việt Nam ngày 8-5-2009.
Việt Nam coi trọng cơ chế UPR và nghiêm túc chuẩn bị báo cáo theo cơ chế này, coi đây không chỉ là việc thực hiện nghĩa vụ của nước thành viên LHQ, tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực dân chủ, nhân quyền mà còn là cơ hội để các cơ quan, tổ chức và đại diện các tầng lớp nhân dân Việt Nam xem xét toàn diện, liên ngành, về chính sách, luật pháp và thực tiễn đảm bảo các quyền con người ở Việt Nam.
Cũng từ đó, và qua phiên đối thoại, Việt Nam đúc rút được những bài học kinh nghiệm tốt và thấy rõ hơn những thách thức để đề ra những giải pháp hiệu quả vì sự thụ hưởng ngày càng tốt hơn các quyền của người dân. Báo cáo của Việt Nam đã được đa số các nước tham gia phiên đối thoại đánh giá là chuẩn bị công phu, toàn diện, có nội dung phong phú, thể hiện cam kết về đảm bảo quyền con người và hợp tác quốc tế; các nước cũng đánh giá cao cách đề cập xây dựng, cởi mở làm tăng tính thuyết phục trong báo cáo của Việt Nam.
Việt Nam chia sẻ quan điểm của nhiều nước cho rằng các quyền con người là phổ quát, không thể tách rời, phụ thuộc và liên quan lẫn nhau; việc thúc đẩy và bảo vệ tất cả các quyền và tự do cơ bản của con người là trách nhiệm hàng đầu của các quốc gia; trong quá trình thực hiện cần tính đến các yếu tố đặc thù của quốc gia và khu vực, cũng như các hoàn cảnh khác nhau về lịch sử, văn hóa, tôn giáo. Những điều này đã được khẳng định trong các điều ước quốc tế cơ bản về quyền con người và Tuyên bố và Chương trình hành động Viên năm 1993.
Việt Nam cũng chia sẻ quan điểm rộng rãi như mới đây được khẳng định lại trong văn kiện cuối cùng của Hội nghị cấp cao 15 của Phong trào Không liên kết (Ai Cập từ ngày 11 đến 16-7-2009) là các vấn đề nhân quyền cần được đề cập một cách công bằng, bình đẳng, minh bạch, không thiên vị, không chọn lọc và phải trên tinh thần xây dựng, dựa trên đối thoại, tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, cần quan tâm đảm bảo thực hiện các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân, và cộng đồng quốc tế cần hỗ trợ nỗ lực của các nước đang phát triển nhằm đảm bảo việc thực hiện đầy đủ các quyền này.
Trên tinh thần đó, trong những năm vừa qua, Nhà nước Việt Nam, với việc coi con người là mục tiêu và động lực của mọi chính sách phát triển kinh tế - xã hội, luôn nhất quán trong việc đảm bảo và thúc đẩy các quyền con người, đã chú trọng thực hiện các chương trình kinh tế - xã hội nhằm mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đảm bảo ngày càng tốt hơn đời sống vật chất và tinh thần cho người dân; đồng thời coi trọng việc phát huy dân chủ, xây dựng nhà nước pháp quyền, thúc đẩy công bằng và an sinh xã hội...
Những nỗ lực này được sự ủng hộ, tham gia rộng rãi của nhân dân đã đem đến nhiều đổi thay tích cực trong mọi mặt của đời sống xã hội, tuy cũng còn những thách thức phải tiếp tục phấn đấu giải quyết.
Tại Báo cáo quốc gia UPR của Việt Nam được thông qua trong phiên họp của Nhóm làm việc (8-5-2009), các nước đã đưa ra 123 khuyến nghị. Đối với các khuyến nghị này, Chính phủ Việt Nam sẽ nghiêm túc nghiên cứu và xem xét thực hiện với khả năng tốt nhất cho phép, trong đó có việc đưa ra kế hoạch nghiên cứu, tiếp tục xem xét tiến tới gia nhập một số công ước quốc tế về quyền con người; xây dựng lộ trình và kế hoạch để xem xét thông qua hoặc sửa đổi nhiều luật, hoàn thiện hơn nữa khuôn khổ pháp lý để bảo đảm ngày càng tốt hơn các quyền con người ở Việt Nam; đẩy mạnh triển khai hơn nữa các biện pháp nhằm tăng cường các biện pháp đảm bảo quyền kinh tế, văn hóa, xã hội, quyền phụ nữ, trẻ em, dân tộc thiểu số miền núi; các chương trình xóa đói giảm nghèo, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, hỗ trợ đời sống đồng bào dân tộc, đồng thời tiếp tục học tập và chia sẻ kinh nghiệm với các nước...
THÀNH NAM