
Sáng 20-4, tại Khách sạn Majectic, quận 1, TPHCM, Tạp chí Nghề Báo (Hội Nhà báo TPHCM) đã tổ chức buổi hội thảo với chủ đề “Truyền thông và chứng khoán”.
Chủ trì cuộc hội thảo có bà Nguyễn Thị Hằng Nga, Chủ tịch Hội Nhà báo TPHCM và bà Hà Phương, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo TPHCM kiêm Tổng Biên tập Tạp chí Nghề Báo. Tham dự hội thảo có đại diện Ban biên tập các báo: Tuổi Trẻ, Thời báo Kinh Tế Sài Gòn, Sài Gòn Đầu Tư Tài Chính (Báo SGGP) cùng trên 50 phóng viên các báo đài trung ương và địa phương viết về lĩnh vực chứng khoán; đại diện Trung tâm Chứng khoán TPHCM, các công ty đã lên sàn và đang chuẩn bị lên sàn giao dịch chứng khoán (CK) như Công ty cổ phần Vincom, Duy Hoàng, Hoàng Quân, Hòa Bình, Vạn Thịnh Phát…
Bà Hà Phương mở đầu hội thảo bằng chuyện nhỏ: Năm 2004, khi đoàn nhà báo TPHCM tham quan thị trường chứng khoán (TTCK) New York, chuyên gia CK ở đó nhận định phải rất nhiều năm nữa VN mới có tên trên bản đồ TTCK thế giới. Tuy nhiên, chưa đầy 3 năm, hoạt động của TTCK VN đã làm báo chí thế giới cũng phải… tốn nhiều giấy mực.
Tác nghiệp của nghề báo liên quan chặt chẽ đến mọi ngành nghề khác, nên ngoài việc chuyển tải những nội dung nghiệp vụ của giới báo chí, Tạp chí Nghề Báo còn thực hiện vai trò cầu nối giữa báo chí với các ngành nghề khác.
Làm sao để báo chí phối hợp cùng các nhà khoa học, trí thức, văn nghệ sĩ, doanh nhân… trong việc đưa tin, viết bài đạt hiệu quả cao nhất cho mục đích chung là xây dựng đất nước ngày càng phát triển, bền vững.
Hội thảo Truyền thông và chứng khoán là chuyên đề được thực hiện đầu tiên, mở đầu cho 6 chuyên đề tương tự sẽ được Tạp chí Nghề Báo tổ chức trong năm 2007.

Quang cảnh hội thảo “Truyền thông và chứng khoán”.
Tham gia thảo luận, ông Lê Nhị Năng - Phó Giám đốc Trung tâm Giao dịch Chứng khoán TPHCM đã đánh giá rất cao vai trò thông tin của báo chí trong sự phát triển của xã hội, nhất là đối với TTCK non trẻ hiện nay.
Theo ông, nếu không có thông tin thì người đầu tư vào chứng khoán giống như người mù đi trong bóng đêm. Nhiều nhà đầu tư (NĐT) hiện mua theo phong trào, mua rồi cũng không biết mình mua cái gì. Báo chí đã và đang làm tốt nhiệm vụ cung cấp thông tin cho các NĐT. Tuy nhiên, khá nhiều nhà báo còn thiếu kiến thức cần thiết về TTCK. Viết về CK mà chính mình còn chưa hiểu thì làm sao có thể chọn lựa, đưa ra những thông tin đúng đắn cho NĐT.
Nhà báo Huỳnh Sơn Phước, Phó Tổng Biên tập Báo Tuổi Trẻ nhận xét: Những nhà báo viết về CK, những tờ báo, trang mục chuyên về CK… hiện cũng chỉ đang ở trong giai đoạn tập sự. Và cần coi đó là thời kỳ tập sự cần thiết. Vì vậy, báo chí sẵn sàng lắng nghe những khuyến cáo, thậm chí những nhận xét, phê bình rất nặng nề của bạn đọc về những sai trái đang diễn ra trên mặt báo.
Ông nói: “Điều lo lắng lớn nhất của chúng tôi là không đuổi kịp thông tin, sợ thiếu hiểu biết sẽ dẫn đến việc bóp méo thông tin. PV lệ thuộc vào cảm xúc chủ quan, đưa ra những thông tin có thể gây ngộ nhận cho NĐT. TTCK hoạt động sôi động tức là thị trường vốn đang được xã hội hóa thực sự, đánh dấu một bước phát triển mới của nền kinh tế đất nước. Điều đó cũng thể hiện thái độ của người dân đối với sự phát triển của nền kinh tế nước nhà. Và, không có tờ báo nào không phát triển trên nền kinh tế phát triển, không có tờ báo nào như thế lại ít được bạn đọc quan tâm. Vấn đề quan trọng là làm cho tờ báo có đủ thông tin nhưng phải là những thông tin chính xác, đáng tin cậy”.
Là một người chuyên viết về lĩnh vực tài chính nhiều năm qua, nhà báo Nguyễn Vạn Phú, Thư ký Tòa soạn Thời báo Kinh Tế Sài Gòn chia sẻ: Viết về TTCK cực kỳ khó. Tôi lấy ví dụ như ngày thứ hai, thứ ba vừa qua, trên các báo có nhiều tít: thị trường ảm đạm, hoang mang, đỏ rực bảng CK. Nếu tôi là NĐT chắc chắn tôi đã bỏ chạy. Thế nhưng đến ngày thứ tư, thị trường đảo chiều trở lại và báo chí bắt buộc phải đảo chiều theo.
Như vậy, người viết báo ngày thứ tư nhìn lại bài viết ngày thứ hai của mình chắc cũng hơi xấu hổ. Hay, tập đầu tư CK của tôi in vào tối thứ ba, phần tin in vào thứ tư.
Ngày thứ ba, PV của tôi nộp bài và mở đầu bằng một câu thế này: “Bao giờ VN – Index quay trở lại cột mốc 1.000 điểm, 1 tháng nữa, 2 tháng nữa hay phải đợi đến năm 2008…”. Nhưng ngay sáng thứ tư, phiên giao dịch đã lên 1.001 điểm, tôi phải gọi qua nhà in đề nghị ngừng in.
Có không ít những thông tin CK khiến nhiều người giật mình. Có PV ở một tờ báo đưa tin một công ty sập sàn vì giá từ 728.000 đồng giảm xuống còn 190.000 đồng, trong vòng một ngày. PV này còn thật thà viết: không hiểu vì sao giá giảm mạnh như vậy.
Thật ra, chỉ cần PV đó chịu khó hỏi một chút sẽ rõ ngay. Hôm đó là ngày công ty chia cổ tức. Người đọc đã mượn chuyện này để chê cười báo chí trên các diễn đàn về CK. Ông còn kể thêm: “Nếu trước đây, tất cả các báo đều viết về những trường hợp chơi CK trở thành tỷ phú thì hai tuần vừa rồi, lại bắt đầu có bài vì chơi CK, nhiều người nhà tan cửa nát... Trong vai trò một người làm báo về kinh tế, tôi nghĩ báo chí luôn phải giữ vai trò khách quan, tỉnh táo. Cơ quan truyền thông cần xác lập niềm tin hợp lý nơi NĐT, muốn xác lập niềm tin này cần có các yếu tố chính xác, khách quan và trung thực”.
Tại hội thảo, giám đốc các công ty đã và đang chuẩn bị lên sàn cũng rất hứng khởi tham gia. Ông Lê Khắc Hiệp, Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Công ty cổ phần Vincom, đề nghị báo chí cần khách quan trung thực khi đưa tin, viết bài về CK. Trước đây người ta đọc báo hàng ngày rất ít, bây giờ thì sáng sớm trước khi đi làm hoặc ra sàn, người ta mua cả một xấp báo để đọc. Báo chí đưa ra thông tin kiểu như sập sàn rất nguy hiểm, vì không có cổ phiếu nào lại giảm xuống hơn 5% bởi đó là quy định của Ủy ban CK.
Dù là tin tốt hay tin xấu, có tin ảnh hưởng đến người bán, có tin ảnh hưởng đến người mua, báo chí chạy theo thông tin là tất nhiên nhưng nếu tránh được sự bình luận chủ quan thì tốt. Ông bày tỏ: “Cứ đưa thông tin một cách khách quan để từng NĐT quyết định. Nếu đưa cảm xúc của mình vào sẽ nguy hiểm, nhiều khi chỉ một dấu chấm than, dấu chấm hỏi có thể làm thay đổi hẳn ý nghĩa của cả một câu nói. Báo chí cũng nên đưa tin một cách cân bằng. Không nên lúc thị trường lên thì đưa quá nhiều về sự thành công. Ngược lại, khi thị trường xuống lại thông tin như NĐT mất tiền, dẫn đến nhiều bi kịch”.
Ông Trương Thái Sơn, Phó Tổng Giám đốc Công ty Kinh doanh – Xây dựng – Địa ốc Hoàng Quân, góp ý: Ngoài việc cung cấp thông tin cho độc giả, giới truyền thông còn có trách nhiệm phải bảo vệ độc giả. Với truyền thông, chúng tôi thường nói đùa “chuông reo là bắn”, còn mình thì “chuông reo là... chạy”. Vậy thì chạy như thế nào, chạy lên hay xuống, chạy lùi hay ngang, rõ ràng bản chất của TTCK đòi hỏi minh bạch và công khai.
Hiện chúng ta đang tiến dần đến điều đó. Theo tôi, vẫn còn nhiều khó khăn cho các PV khi trong thời gian ngắn mà phải dung nạp lượng kiến thức về kinh tế, tài chính. Tôi cũng hiểu anh em nghề báo chịu áp lực trong việc phải cung cấp thông tin nên đâu đó phải có sơ hở.
“Nhiều NĐT chỉ nghe có lời đã dùng tiền nhàn rỗi đầu tư vào CK. Có người lời thật, có người chưa lời, cũng có người đầu tư khá nhiều… Theo một nguồn tin điều tra chính thức, các nhà đầu tư mua cổ phiếu từ năm 2000, sau 6 năm chưa mua bán được nhưng quý 4-2006 đã sinh lời. Nghĩa là phải có một quá trình chứ không phải một thời gian ngắn mà cổ phiếu sinh lời nhiều như thế. Các vị trong ban giám sát nói rằng, NĐT làm ăn được không nhiều nhưng có thật, song do báo chí đưa tin – kiểu cứ sờ vào cổ phiếu là có lời sẽ khiến nhiều người cứ lao vào CK theo trào lưu, không cân nhắc thực hư…” là nhận xét của nhà báo Băng Châu – Phó đại diện Báo Nhân Dân tại TPHCM, đã tham dự mấy khóa bồi dưỡng về kiến thức CK và có quá trình theo sát lĩnh vực này.
Một doanh nghiệp đã và đang phải chịu thiệt hại kinh tế do thông tin “oan” là Công ty cổ phần Kinh doanh - Xây dựng – Địa ốc Hòa Bình. Ông Lê Viết Hải, Tổng Giám đốc, đã đánh giá cao vai trò hỗ trợ thông tin của báo chí đối với doanh nghiệp. Tuy nhiên, có nhiều thông tin không chính xác, không hiểu nhà báo lấy từ nguồn nào đã làm ảnh hưởng nặng nề đến giá giao dịch cổ phiếu trên sàn CK.
Cụ thể , thông tin trên Thời báo Kinh tế Việt Nam trước đây có nói về dự kiến tốc độ tăng trưởng và lợi nhuận của công ty tăng quá nhanh, từ 9 tỷ đồng, năm 2006 lên đến 23,5 tỷ đồng, doanh số từ 300 tỷ đồng lên đến 450 tỷ đồng - điều này không thể xảy ra; doanh số dự kiến cho đến 2010 là 1.400 tỷ đồng…
Thật ra khi đưa tin như vậy, giá cổ phiếu của công ty đã bị ảnh hưởng rất lớn. Công ty đã có thông tin phản hồi, may mà báo đã đính chính kịp thời nên giảm thiểu được phần nào tác hại. “Theo tôi, các nhà báo cần tìm hiểu ngay từ chính các công ty để nghe họ giải thích cặn kẽ hơn – lý do vì sao có kế hoạch như vậy, sau khi nghe giải thích nhà báo sẽ hiểu rõ hơn”. Ông cũng cho biết thêm, ngay mới đây, một số trang web lại đưa thông tin sai lệch về chỉ số PE của Hòa Bình. Chẳng hạn, chỉ số PE của công ty từ 36 xuống còn 35; có trang web trước đây đưa chỉ số PE là 163, sau còn 138… Chính ông cũng không biết con số đó là gì , ở đâu ra?
Chia sẻ chính kiến của mình về mặt thông tin CK, ông Dominic Scriven – Giám đốc Quỹ Đầu tư Dragon Capital, khẳng định thông tin vô cùng quan trọng đối với TTCK. Thị trường không có thông tin không phải là thị trường nên việc báo đài tập trung vào CK là vấn đề cần thiết. Vai trò báo chí trong việc thu thập thông tin, phân tích, chất vấn và khuyến khích quá trình luật hóa về TTCK là vai trò chưa có ai thay thế được.
Ông Dominic cũng mạnh dạn nêu ý kiến: Báo chí nên chủ động đề nghị, chất vấn các doanh nghiệp, yêu cầu họ cung cấp thông tin, phân tích thông tin, tham gia phân tích dư luận. TTCK Việt Nam còn mới, báo chí cần tác động, thuyết phục các công ty niêm yết phải có hoạt động quan hệ cộng đồng với các nhà đầu tư, báo chí cũng phải thúc ép doanh nghiệp cung cấp thông tin.
Phát biểu kết thúc hội thảo, bà Nguyễn Thị Hằng Nga, Chủ tịch Hội Nhà báo TPHCM nhấn mạnh về việc đưa thông tin, vai trò, đạo đức của nhà báo: “Tôi có may mắn là một trong những người đầu tiên đọc dự thảo về Luật CK, cũng là người tham gia biểu quyết để Luật CK ra đời. Ngay từ khi thảo luận về Luật CK, tôi đã nhận thức được rằng, thông tin là yếu tố quan trọng nhất của TTCK, chính thông tin sẽ quyết định sự sống còn và phát triển lành mạnh hay không lành mạnh của TTCK. Và thông tin từ đâu, từ chính những nhà báo.
Về mặt đạo đức nghề nghiệp của nhà báo khi tuyên truyền về CK, vấn đề này khi đưa ra Quốc hội, rất được chú trọng, và nó là một trong những trọng tâm bàn thảo, ngang với vai trò của thông tin. Sự rò rỉ thông tin, lành mạnh hay không lành mạnh, chính là hiệu quả hoặc hậu quả của thông tin báo chí. Bà cũng chia sẻ với giới báo chí - tác động của TTCK là tác động đến nghề nghiệp. Báo chí phải đưa tin, giật tít như thế nào để người đọc tham gia và góp phần phát triển TTCK, cũng tức là góp phần cho sự phát triển của kinh tế nước nhà.
P.NHI – T. THỦY