Hãng Tân Hoa ngày 24-3 đưa tin, nạn hạn hán ở vùng Tây Nam Trung Quốc ngày càng nghiêm trọng và lan rộng, hiện 5 tỉnh là Tứ Xuyên, Trùng Khánh, Vân Nam, Quý Châu và Quảng Tây bị ảnh hưởng nặng nề nhất, riêng tỉnh Vân Nam tổn thất về nông nghiệp đã lên tới hơn 20 tỷ nhân dân tệ (hơn 2,9 tỷ USD) khiến hàng chục triệu người thiếu nước uống. Hàng loạt con sông cạn khô tới đáy làm hoạt động giao thông trên sông đình trệ, nhiều tuyến đường thủy phải tạm ngưng hoạt động.
Cơ quan khí tượng quốc gia Trung Quốc dự đoán tình trạng khô hạn còn tiếp tục kéo dài và thời kỳ hạn hán ác liệt nhất sẽ từ tháng 4 đến tháng 6. Hiện, Chính phủ Trung Quốc đã phê chuẩn khoản chi 155 triệu nhân dân tệ chống hạn, Cơ quan phòng hộ quốc gia và Bộ Thủy lợi đã phái 18 nhóm công tác về các tỉnh để triển khai công tác phòng chống hạn hán.
Báo Trung Quốc, tờ Tân Kinh đăng bài của tác giả Uông Vĩnh Thần nhận định yếu tố “con người” là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây ra nạn hạn hán nghiêm trọng ở khu vực Tây Nam Trung Quốc.
Bài viết có đoạn: “Thiên tai cũng giống như bệnh tật, không chỉ xuất hiện trong sớm chiều mà đã có một quá trình tích lũy lâu dài. Sự thay đổi khí hậu của một vùng có liên hệ mật thiết tới sự thay đổi về môi trường của chính khu vực đó. Vì lợi ích kinh tế, các tỉnh Tây Nam đã chặt bỏ rừng nguyên sinh rồi ra sức trồng các loại cây ngắn hạn như cao su, cây ăn quả mà các loại cây này được mệnh danh là “máy hút nước”, chúng khiến các mạch nước ngầm khô cạn.
Số liệu cho thấy diện tích trồng cao su và cây ăn quả ở Vân Nam hiện nay đã lên tới 30 triệu hécta, sự thay đổi hệ thống sinh thái rừng lớn như vậy chính là một trong những nguyên nhân dẫn tới khô hạn. Không chỉ có vậy, những năm gần đây, việc xây dựng thủy điện ở khu vực Tây Nam ngày càng rầm rộ, mà thủy điện thì gây tác hại nghiêm trọng tới dòng chảy các con sông và môi trường lưu vực.
Vùng thượng nguồn sông Kim Sa hiện đã, đang và tiếp tục xây dựng hệ thống 8 nhà máy “thủy điện bậc thang”, việc tích trữ nước ở thượng nguồn không chỉ làm khu vực hạ lưu khô cạn mà còn làm mực nước hạ thấp. Đến nay, dung lượng nước của các đập thủy điện vùng Tây Nam đã lớn gấp hàng chục lần của đập Tam Hiệp, phát triển thủy điện quy mô lớn như thế cũng là nguyên nhân lớn dẫn tới khô hạn”.
Bài viết kết luận: “Khi xảy ra hạn hán việc cứu hộ là điều khẩn thiết. Song về lâu dài, tôi cho rằng cần phải xem xét lại nhận thức của chúng ta về việc phát triển khu vực miền Tây. Nếu cứ tiếp tục chặt rừng, chặn sông, đào mỏ thì hậu quả trong tương lai thật khôn lường!”.
PHƯƠNG AN