Suốt nửa tháng qua khi những cơn bão “đến hẹn lại lên” liên tục đổ bộ hoành hành khu vực miền Trung, cũng là lúc một cơn bão khác kéo đến làm rung chuyển nền kinh tế. đó là cơn bão giá USD và vàng. Đỉnh điểm là ngày thứ hai 8-11 khi giá vàng trong nước đạt kỷ lục mọi thời đại 38,4 triệu đồng/lượng sau khi giá thế giới chinh phục thành công ngưỡng cản tâm lý 1.400USD/oz, đạt đỉnh 1.424USD/oz vào ngày 9-11.
- Yếu tố tâm lý quá lớn
Hiện nay giá vàng vẫn biến động thất thường. Một ngày được xem là “lịch sử” vào thứ sáu 12-11, trong vòng 24 giờ giao dịch, giá vàng trên thị trường thế giới đã dao động trong biên độ gần 50USD/oz. Điều này làm giá vàng trong nước liên tục “nhào lộn”, khiến nhà đầu tư và ngay cả những tổ chức kinh doanh, xuất nhập khẩu vàng cũng vô cùng lúng túng. Suốt tuần trước đó, giá vàng thế giới có xu hướng giảm và giá vàng trong nước cũng giảm theo. Tính đến sáng thứ năm 18-11, giá vàng trong nước còn xấp xỉ 34,5 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, đến sáng thứ sáu tuần qua, trong phiên giao dịch trên thị trường châu Á giá thế giới đột ngột tăng 20USD/oz đã làm giá trong nước tăng hơn 1,7 triệu đồng/lượng, đạt mức gần 36,3 triệu đồng/lượng. Điều này chứng tỏ trong các nguyên nhân làm vàng trong nước tăng giá theo yếu tố giá vàng thế giới còn một yếu tố nữa khá quan trọng là tâm lý thích nắm giữ vàng, không loại trừ khả năng “làm giá” của các tổ chức kinh doanh vàng. Bởi vì khoảng cách giữa 20USD/oz so với 1,7 triệu đồng/lượng là khá xa, gấp hơn 3 lần. Đơn giản giá thế giới mới tăng 1, giá trong nước đã tăng hơn 3 do tâm lý người dân hiện nay muốn “tháo chạy” sang thị trường vàng khá lớn.
Các tin tức phân tích cơ bản và phân tích kỹ thuật trên thị trường thế giới tiếp tục có những diễn biến phức tạp, cho thấy những cơn bão giá vàng tương tự nhiều khả năng sẽ còn tái diễn. Trước hết là các tin tức liên quan đến quyết định thông qua gói cứu trợ khẩn cấp dành cho Ireland để ứng phó với tình trạng nợ công của nước này. Thống đốc Ngân hàng Trung ương Ireland cho biết hy vọng Ireland sẽ nhận được khoản vốn 10 tỷ euro từ các đối tác ở châu Âu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) để giúp ổn định nền kinh tế và vực dậy các ngân hàng. Các nhà đầu tư hiện đang rất lạc quan đối với tình huống này, bằng chứng là thứ sáu vừa rồi EUR đã tăng 1% so với USD và đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến giá vàng thế giới tăng mạnh.
- Kỳ vọng vào Trung Quốc?
|
Trong tuần này, nhà đầu tư trên thế giới sẽ tập trung sự chú ý vào diễn biến của chính sách tiền tệ ở Trung Quốc.
Thứ sáu tuần trước, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc tuyên bố sẽ tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc thêm 50 điểm cơ bản (tương đương 0,5%), bắt đầu có hiệu lực từ ngày 29-11.
Mục đích của hành động này được lý giải do các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc đang nỗ lực kiểm soát tình hình thanh khoản của hệ thống ngân hàng, hạn chế lạm phát và tình trạng bong bóng giá tài sản.
Hành động tăng dự trữ bắt buộc của ngân hàng trung ương quốc gia đông dân nhất thế giới này báo hiệu triển vọng tăng lãi suất sẽ đến sớm.
Chính điều này đã làm giá vàng liên tục giảm giảm trong tuần rồi, kỳ vọng của nhà đầu tư Trung Quốc là giá sẽ giảm về mức 1.310USD/oz. Giới phân tích cho rằng nhu cầu vàng vật chất ở Trung Quốc sẽ tăng mạnh khi giá vàng rớt về ngưỡng này, vì người dân Trung Quốc sẽ chấp nhận mức giá này của vàng để “trú ẩn” trong thời kỳ lạm phát.
Nguyên nhân cuối cùng có tính chất dài hạn và bao trùm tất cả chính là triển vọng suy yếu của USD trong tương lai, khi vừa rồi Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ đã tuyên bố sẽ mua vào 600 tỷ USD trái phiếu nhằm hỗ trợ cho chính sách nới lỏng định lượng lần thứ 2 (QE2) của Chính phủ quốc gia này. Một chuyên gia ngoại hối của ngân hàng JPMorgan & Chase nhận định: “Hoa Kỳ là nước có thâm hụt tài khoản vãng lai lớn nhất thế giới nhưng lại giữ lãi suất hiện nay gần như bằng 0%. Do đó, USD khó tránh việc trở thành đồng tiền yếu nhất trên thế giới”. Anne-Laure Tremblay, chiến lược gia tiền tệ của BNP Paribas, dự báo: “Giá kim loại quý cùng với các hàng hóa khác sẽ tiếp tục leo thang do sự suy yếu của USD so với các đồng tiền khác”.
TS. Nguyễn Khắc Quốc Bảo
Trường ĐH Kinh tế TPHCM