Đọc báo nước ngoài

Bảo đảm an ninh tại eo biển Malacca

Bảo đảm an ninh tại eo biển Malacca

Bắt đầu từ ngày 20-7, các nước Singapore, Indonesia, Malaysia chính thức ký và thực thi hiệp định bảo vệ eo biển Malacca nhằm chống cướp biển, khủng bố.

Bảo đảm an ninh tại eo biển Malacca ảnh 1
Tàu tuần tiễu 3 nước trên vùng eo biển Malacca

17 tàu hải quân từ 3 nước trên đã tập trung tại một địa điểm ngoài khơi đảo Batam của Indonesia để bắt đầu các cuộc tuần tra phối hợp đầu tiên. Ba nước này cũng đang xem xét những chính sách mới cho phép truy bắt những tàu thuyền khả nghi vào tận trong vùng lãnh hải mỗi nước.

Từ lâu vùng eo biển Malacca là một trong những hải trình nhộn nhịp nhất thế giới. Ước tính 1/3 lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường biển trên thế giới và hơn 1/2 lượng dầu thế giới bao gồm 100% lượng dầu nhập khẩu của Nhật và 80% của Trung Quốc được vận chuyển qua eo biển Malacca. Mỗi năm, khoảng 50.000 tàu biển đi qua eo biển này. Nhưng eo biển dài 800km này cũng là nơi kém an toàn với nhiều vụ cướp biển. Vấn đề là cách nhìn nhận và xử lý tình trạng này như thế nào.

Theo báo Indonesia Jakarta Post, Tướng Endriartono Sutarto (Indonesia) cho biết các nước eo biển hoan nghênh sự trợ giúp về cố vấn, kỹ thuật và huấn luyện nhưng nếu có một nước thứ 4 nào tham gia phải có sự đồng ý của 3 nước kia.

Bảo đảm an ninh tại eo biển Malacca ảnh 2
Lực lượng hải quân 3 nước sẵn sàng chiến đấu trên vùng eo biển Malacca

Báo Indonesia Tempo ngày 19-7 dẫn lời Tư lệnh Hải quân Indoesia, Đô đốc Bernard Kent Sondakh cho rằng một số bên nước ngoài có lẽ đang âm mưu sử dụng vấn đề cướp biển làm cớ để can thiệp tại Malacca. Ông Sondakh thừa nhận rằng nạn cướp biển vẫn đang diễn ra tại Malacca, nhưng số vụ xảy ra không nhiều như theo đánh giá của Cục Hàng hải quốc tế (IMB). Năm 2003, Hải quân Indonesia chỉ ghi nhận được khoảng 20 vụ cướp biển xảy ra tại vùng biển này trong khi số liệu của IMB là "28 vụ tấn công tàu chở hàng, tăng so với 16 vụ năm 2002, phần lớn các vụ tấn công đều diễn ra trên lãnh hải Indonesia…".

Theo Tướng Sondakh, "một số bên nước ngoài đang thực hiện một chiến lược lớn nhằm chứng minh vùng biển của Indonesia là không an toàn, số vụ cướp biển gia tăng và lực lượng hải quân Indonesia yếu. Nếu Indonesia bị coi là không đủ khả năng bảo đảm an ninh tại vùng biển của mình, đây chính là cái cớ để nước ngoài nhảy vào can thiệp".

Mới đây báo Trung Quốc China Daily có bài viết nhận định rằng, Mỹ đang thử nghiệm một chiến lược châu Á - Thái Bình Dương mới tăng cường sử dụng lực lượng hải quân và lực lượng phản ứng nhanh để tiến tới thay thế và giảm dần số binh lính đóng tại các căn cứ quân sự trên đất liền. Mỹ luôn muốn thực hiện kế hoạch triển khai lực lượng quân sự tại eo biển Malacca.

Vấn đề là như báo Jakarta Post nhận định, các nước nằm ven eo biển này phải tự đảm bảo được an ninh để tránh "kích động" Mỹ đưa quân đến khu vực này.

TRÍ DÂN (Theo báo Indonesia, China Daily)

Tin cùng chuyên mục