Bilbao và Sociedad chìm trong khủng hoảng

“Báo động đỏ” ở xứ Basque

Trong những năm đầu thập niên 1980, người dân xứ Basque ngất ngây trong chiến thắng khi hai đội bóng con cưng Athletic Bilbao và Real Sociedad thống trị La Liga (Bilbao VĐ các năm 1983, 1984; Sociedad VĐ các năm 1981, 1982). Thế nhưng, những ngày quá khứ vàng son ấy đã qua thay vào đó là một điềm báo có thể khiến lần đầu tiên trong lịch sử xứ Basque không còn đại diện của mình tại La Liga.

  • Nguyên nhân
“Báo động đỏ” ở xứ Basque ảnh 1

Gánh nặng vực dậy Bilbao ngày một đè lên vai nhạc trưởng Yeste (phải).

Chưa bao giờ trong lịch sử La Liga các đội bóng xứ Basque lại đối diện với những khó khăn như hiện tại. Cả Bilbao và Sociedad đều đã phải “trảm” tướng nhưng vẫn chưa có một dấu hiệu nào cho thấy họ sẽ thoát khỏi cơn khủng hoảng hiện nay.

Bilbao mới chỉ tạm thời thoát khỏi 3 vị trí cuối bảng, nhưng khoảng cách chỉ 1 điểm với đội thứ 18 Betis có thể khiến “Los Leones” trở lại với nhóm cầm đèn đỏ bất kỳ lúc nào. Đó thực sự là nỗi đau của đội bóng từng 8 lần bước lên bục cao nhất ở La Liga và là 1 trong 3 đội bóng chưa một lần phải xuống hạng (cùng Barcelona và Real Madrid).

Những gì Bilbao phải trải qua là hậu quả của những chính sách thiếu khoa học dưới thời Sarriugarte, một người chưa hề có kinh nghiệm cầm quân, nhưng lại được giao cho nhiệm vụ trẻ hóa ở San Marnes. Ban lãnh đạo, mà đứng đầu là chủ tịch Urkijo Elorriaga cũng phải chịu trách nhiệm khi đã vội đẩy Clemente đi mà quên rằng chính ông là người giúp CLB trụ hạng trong mùa trước. Ngoài ra, những người này cũng không có được sự đầu tư một cách hợp lý cho CLB do vội vã đôn một loạt những cầu thủ trẻ lên đội hình chính. Điều đó khiến Bilbao rất khó cạnh tranh ngay cả trước những đội được đánh giá thấp hơn.

Trong khi đó, Sociedad vẫn đang đứng ở vị trí “đội sổ” khi chỉ giành được 6 điểm sau 14 trận với hàng công tệ nhất La Liga (chỉ ghi 7 bàn, trung bình 2 trận mới ghi được 1 bàn) và không kiếm nổi một trận thắng nào. Những gì Sociedad đang thể hiện còn tệ hơn mùa giải 1941/42 mà họ phải xuống hạng. Khi ấy, sau 14 vòng đấu Sociedad giành 7 điểm (tính 2 điểm mỗi trận thắng) với 3 trận thắng và 1 trận hòa. Mùa giải 1943/44, Sociedad một lần nữa phải xuống giải hạng Nhì nhưng thành tích của họ vẫn cao hơn rất nhiều so với hiện tại, giành được 10 điểm sau 14 vòng đấu với 3 trận thắng và 4 trận hòa (tương đương với 13 điểm hiện nay). 

Nguyên nhân do đâu? Một phần nào đó xuất phát từ HLV Mari Bakero vì những gì ông làm không thực sự thích hợp với hoàn cảnh của Sociedad. Bakero đã chứng tỏ ông là một trong những huyền thoại trên sân cỏ của Sociedad (là thành viên trong đội hình VĐ năm 1981 và 1982), nhưng vẫn còn là một “tay mơ” trên băng ghế chỉ đạo, cho dù đã có thời gian làm việc ở Nou Camp (đá 9 mùa cho Barca) dưới thời Serra Ferrer và Van Gaal.

Nhưng không thể đổ tất cả lỗi lên đầu Bakero khi trong tay ông không có được những cầu thủ vừa ý nhất. BLĐ Sociedad đã bán đi hàng loạt cầu thủ chủ chốt (Nihat sang Villarreal, Gonzalez sang Liverpool,...) trong khi những người đến với sân Anoeta đều khá vô danh. Ngoài ra, nạn chấn thương cũng đã cướp đi các cầu thủ quan trọng khiến Bakero liên tục phải thay đổi đội hình dẫn đến việc CLB mất dần tính ổn định.

  • Giải pháp và sự kỳ vọng

Mùa trước, Bilbao cũng lâm vào cuộc khủng hoảng như hiện nay (giành 11 điểm sau 14 vòng đầu tiên). Phải đến khi Javier Clemente được đưa về thay thế Jose Mendilobar thì mọi chuyện mới trở nên tốt đẹp hơn. Bilbao thi đấu cực kỳ ấn tượng và giành 3 chiến thắng trong tháng Năm (đều trước các đối thủ lớn là Zaragoza, Deportivo và Barca) để trụ hạng thành công.

Điều tương tự cũng đang được kỳ vọng khi Manuel Esnal đã được đưa về thay thế Sarriugarte. Và những thành công nơi mà “Mane” đã dừng chân trước đó là một đảm bảo cho những hy vọng của các CĐV Bilbao. Tất nhiên, chưa thể nói trước được điều gì sau chỉ một thời gian ngắn đến San Marnes, nhưng có thể công nhận “Mane” đã thổi được vào “Los Leones” một luồng gió mới. Ngay cả những cầu thủ ít được Sarriugarte chú ý cũng trở thành nhân vật chính trong chiến thuật của “Mane”. Điều đó phần nào giúp CLB trở thành một tập thể gắn kết hơn.

Với nửa kia của xứ Basque, sau khi không còn đủ kiên nhẫn với Bakero, Chủ tịch Miguel Fuentes đã nhờ đến những kinh nghiệm của HLV lão làng Miguel Lotina (từng giúp Espanyol đoạt Cúp Nhà Vua mùa giải trước) với hy vọng giúp CLB sớm vượt qua khó khăn. Việc đầu tiên mà Lotina cần giải quyết là mâu thuẫn nội bộ, điều vẫn thường thấy dưới thời Bakero (khi Lotina vừa đặt chân đến Anoeta ông đã phải chứng kiến Rossato và Juanito choảng nhau).

Tất nhiên, việc thay tướng có thể sẽ là động lực giúp cho Bilbao và Sociedad thi đấu khởi sắc hơn. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất với hai CLB này vẫn là bổ sung thêm những cầu thủ chất lượng trong giai đoạn nghỉ Đông sắp tới. Có như thế thì bóng đá xứ Basque mới có thể hy vọng không bị xóa tên trên bản đồ La Liga. Điều mà chẳng một CĐV xứ Basque nào muốn xảy ra.

NGỌC QUANG

Tin cùng chuyên mục