Theo Ngân hàng Thế giới (WB), chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam chỉ đạt 3,8/10 điểm, xếp thứ 11/12 quốc gia châu Á tham gia xếp hạng. Không chỉ vậy, năng suất lao động chỉ bằng 1/3 các nước trong khu vực. Chất lượng nguồn nhân lực không đáp ứng nhu cầu trở thành “bài ca muôn thuở”. Những năm gần đây, nhằm thích nghi với thị trường lao động, người sử dụng lao động chấp nhận đào tạo lại để cải thiện chất lượng nguồn nhân lực.
Lao động trẻ thiếu tố chất
Doanh nghiệp (DN) luôn có nhu cầu về lao động kỹ thuật. Tuy nhiên, nguồn cung lao động kỹ thuật cao luôn chiếm tỷ lệ khiêm tốn (24,7%); tương tự, số người có bằng chuyên môn kỹ thuật chỉ chiếm 17,9% tổng số lao động. Khảo sát nửa đầu năm 2016 của VietnamWorks nêu rõ nhu cầu tuyển dụng tăng 32%. Song, nguồn cung nhân lực trong nước chỉ tăng 20% so với cùng kỳ 2015. Đáng nói, dù DN cần nhiều lao động nhưng 60% - 70% ứng viên mới ra trường vẫn chịu cảnh “ngồi chờ thời”. Nhiều tân cử nhân chấp nhận “gác” bằng đại học, vào nhà máy làm công nhân. Số lao động có trình độ cử nhân bị thất nghiệp hoặc làm trái ngành hiện chưa có chiều hướng giảm.
Lao động trẻ tìm kiếm cơ hội nghề nghiệp tại ngày hội việc làm ở TPHCM
Đa số DN, đặc biệt DN có vốn đầu tư nước ngoài, không ngừng than phiền nguồn nhân lực trong nước thiếu nhiều tố chất, như: Phát hiện và giải quyết vấn đề; làm việc nhóm; tinh thần học hỏi; chậm thích nghi với môi trường làm việc… Ông Nguyễn Văn Thanh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH II-VI Việt Nam, dẫn chứng: “Hầu hết ứng viên đến phỏng vấn không biết cách tự giới thiệu bản thân. Ở phần này, có bạn vô tư đề nghị nhà tuyển dụng đặt từng câu hỏi rồi trả lời chứ không có khả năng tự trình bày. Các bạn không hiểu rằng nhà tuyển dụng không cần thông tin cá nhân ghi trong hồ sơ mà quan tâm đến khả năng phù hợp công việc, năng lực làm việc được đánh giá qua quá trình đối thoại”. Không chỉ vậy, lao động trẻ chưa hội tụ đủ những kiến thức đáng lẽ phải tích lũy xong sau thời gian học tập, như tin học, ngoại ngữ. Dù chưa có kinh nghiệm, kỹ năng nhưng đa phần ứng viên ngại tiếp xúc, gắn bó với công việc “dưới bằng cấp”.
Ý thức tự trau dồi bản thân
Tại những quốc gia có chất lượng đào tạo hàng đầu (Nhật, Đức), tỷ lệ lao động được DN đào tạo lại là 11%. Ở nước ta, để thích nghi với tình hình cứ tuyển 100 lao động thì phải đào tạo lại khoảng… 90 người, không ít DN xem đào tạo lại là việc làm tất yếu sau khi tuyển người, với điều kiện các bạn trẻ nghiêm túc học hỏi, gắn bó với công việc.
Ông Gaku Echizenya, Giám đốc Điều hành VietnamWorks, cho biết khá nhiều công ty sẵn sàng trả lương trên 15 triệu đồng/tháng cho ứng viên vừa ra trường, chưa có kinh nghiệm nhưng có kỹ năng. Cụ thể, có đến 21% vị trí có mức lương từ hơn 15,7 triệu đến 22,5 triệu đồng/người/tháng dành cho người vừa tốt nghiệp. Tương tự, ông Lê Văn Hùng, Giám đốc Công ty TNHH Cơ khí Thương mại Lê Duyên Anh, cho biết đối với ngành cơ khí, người lao động phải làm việc từ 5 năm trở lên mới được đánh giá có kinh nghiệm. Do đó, công ty luôn xác định rõ việc đào tạo ra những nhân viên đáp ứng tình hình sản xuất, môi trường làm việc là nhiệm vụ hàng đầu. Thực tế cho thấy, ở công ty, sinh viên thực tập hay lao động thử việc đều trải qua chương trình học tập, rèn luyện từng bước. Vì vậy, lao động trẻ nên loại bỏ “gánh nặng” kinh nghiệm vì không phải vị trí ứng tuyển nào cũng đề cao yếu tố này. Ông Hùng nhấn mạnh: “Có bột mới gột nên hồ, điều DN cần nhất ở người lao động là ý thức tự đào tạo, trau dồi bản thân. Tinh thần tự rèn luyện là nền tảng để DN giúp người lao động gọt giũa, tích lũy nghiệp vụ, kinh nghiệm”.
Theo Viện trưởng Viện Quản trị Tri thức (KMI) Nguyễn Thanh Tùng, nhà tuyển dụng thường đòi hỏi kinh nghiệm dày dạn ở những vị trí quản lý. Đối với ứng viên trẻ, nhà tuyển dụng đánh giá năng lực làm việc thông qua kinh nghiệm ở những việc làm đơn giản. Ví dụ: DN đánh giá ứng viên từng đi phát tờ rơi là người siêng năng, từng làm gia sư thì có khả năng huấn luyện người khác hay người từng tham gia đội bóng đá có tinh thần làm việc nhóm… Vì vậy, trong hồ sơ xin việc, ứng viên không nên tự ti; mạnh dạn thể hiện tất cả hoạt động trước đó, kể cả việc làm tưởng chừng nhỏ nhất. “Để tích lũy kinh nghiệm, ngay từ khi là sinh viên năm 2, tôi đi bỏ mối nhiều mặt hàng, đến năm 3 thì bán hàng điện tử rồi làm việc không lương trong khách sạn”, ông Tùng chia sẻ.
|
KỲ LÂM