Báo động nạn bán hàng đa cấp lừa đảo

Thị trường đang xuất hiện nhiều loại hình bán hàng không lành mạnh. Phổ biến nhất vẫn là bán hàng đa cấp, bán thực phẩm chức năng dưới dạng cây sức khỏe, công khai huy động vốn đa cấp, khai khống hồ sơ để vay vốn ngân hàng, dụ người dân vào các tổ chức kinh doanh tiền ảo…
Báo động nạn bán hàng đa cấp lừa đảo

Thị trường đang xuất hiện nhiều loại hình bán hàng không lành mạnh. Phổ biến nhất vẫn là bán hàng đa cấp, bán thực phẩm chức năng dưới dạng cây sức khỏe, công khai huy động vốn đa cấp, khai khống hồ sơ để vay vốn ngân hàng, dụ người dân vào các tổ chức kinh doanh tiền ảo…

Đầu tư hàng tỷ đồng mua...“cây sức khỏe”

Sau 1 tuần về ăn quê ăn tết cùng gia đình, ngay ngày đầu tiên trở lại TPHCM, tôi nhận được cuộc gọi từ người anh họ tên T. (vốn là cán bộ cấp cao của một tổng công ty, vừa nghỉ hưu), thông báo có một loại thuốc chữa trị và ngăn ngừa ung thư rất tốt. T. cho biết đã mua gần 100 triệu đồng sản phẩm, hôm nay anh sẽ chuyển hơn 2 tỷ đồng để “trồng” 30 cây thuốc này ở Đài Loan. T. rủ tôi mua ngay cho người nhà dùng và dặn dò: “T. sẽ cho H. số điện thoại của trung tâm để liên lạc và tìm hiểu thực tế. Trung tâm này nằm ngay đường Chu Văn An (Bình Thạnh). Nếu đến trung tâm thì chỉ cần nói tên và lấy mã số để họ đón tiếp chu đáo”.

Sang ngày hôm sau, một cô gái điện thoại nói là chú T. giới thiệu. Tôi chỉ hỏi, đây là sản phẩm đa cấp có đúng không, cô này đáp “đúng ạ”. Tôi mang chuyện này ra hỏi, thì nhiều người trong gia đình cũng chịu chung một cách “tra tấn” của T. “Rõ khổ thân anh tôi, đã bị bệnh lại còn bị đa cấp nó lừa để moi tiền. Ở đời, chẳng có loại thuốc nào mà trị được bách bệnh. Chỉ có người bị hoang tưởng mới nghĩ như thế thôi. Cứ đà này, chắc ổng bán hết cả nhà rồi ra đường ở!”, M.B., em gái T., than trời!

Trên mạng xã hội đang chia sẻ câu chuyện: Chị Y. được một công ty bán hàng trên tivi điện thoại thông báo là chị đã trúng thưởng một chiếc điện thoại Samsung Galaxy, trị giá gần 15 triệu đồng, cùng một cặp đồng hồ đeo tay Citizen. Do là phần thưởng đặc biệt nên chị được tư vấn phải đóng cọc 5 triệu đồng để đăng ký nhận giải thưởng. Do trước đây chị Y. đã từng mua hàng qua công ty này nên đồng ý với điều kiện quà mang đến nhà rồi mới thu tiền. Đúng là quà gửi đến nhà thật, nhưng chị phải nộp tiền xong mới được mang vào nhà mở. Kết quả bên trong thùng quà là một chiếc điện thoại nhãn hiệu Trung Quốc và 2 đồng hồ... nhái. Gọi lại công ty khiếu nại, chị Y. nhận được giải thích: “Em đã tư vấn là điện thoại như Samsung Galaxy, chứ không phải là Samsung ạ!”. Biết là mình bị... lừa, chị Y. phải gõ cửa khiếu nại nhiều nơi để nhờ chính quyền can thiệp!     

Sau khi Bộ Công thương chỉ đạo các tỉnh, thành rà soát và “khai tử” hàng loạt công ty kinh doanh đa cấp, tình hình có khá hơn. Tuy nhiên, các doanh nghiệp đa cấp còn lại thì tăng cường các chiêu trò để thu hút người tham gia, tăng cường tiếp thị. Một cô bạn thân của tôi cũng không thoát được trước những lời mời gọi “sẽ trở thành tỷ phú, được nghỉ hưu non chỉ sau một thời gian ngắn tham gia vào mạng lưới marketing đa cấp”. Dù không nói ra nhưng tôi biết cô bạn này đã “ném” vào “giấc mơ tỷ phú” hàng tỷ đồng mua sản phẩm cho đạt doanh thu để duy trì mã số, cùng nhiều chi phí khác như tham gia các lớp đào tạo ở trong nước và nước ngoài để tái tạo niềm tin!

Cần cảnh giác trước sự mời gọi tham gia

Bên cạnh việc sử dụng nhiều chiêu trò để bán sản phẩm, gần đây thị trường nở rộ các loại hình dịch vụ hoạt động biến tướng liên quan đến tài chính, nổi bật nhất là hình thức huy động vốn đa cấp và làm hồ sơ khống để vay vốn ngân hàng.

Do làm ăn thất bát, dẫn đến bị nợ nần như chúa chổm, trước tết, chị M. được một nhân viên tư vấn sẽ hỗ trợ làm các thủ tục để có thể vay vốn. Số tiền vay không cần thế chấp có thể lên tới 400 triệu đồng, bù lại chị M. phải trả lãi suất hàng tháng theo quy định của ngân hàng, kèm theo phí là 10% cho công ty. Do đang cần tiền nên chị M. chấp nhận. Theo bộ hồ sơ vay vốn, chị M. trở thành trưởng phòng kinh doanh của một công ty, mức lương 16 triệu đồng/tháng. Sau khi mất kha khá tiền làm thủ tục, chị M. chỉ được chấp nhận cho vay ở 2 ngân hàng, mỗi nơi chỉ 50 triệu đồng, chứ không được 400 triệu đồng như dự tính. Tuy nhiên, tiền vay đến nay… vẫn chưa có!

Liên quan đến lĩnh vực tài chính, anh T.M.T. kể liên tục trong những ngày đầu năm, anh T. bị nhân viên của một công ty có trụ sở tại đường T.H.L. mời tham gia vào việc góp và huy động vốn. Tranh thủ thời gian rảnh, anh T. cũng đến dự và được công ty này phát cho một tờ giấy trong đó có các mức góp vốn ban đầu, mức thấp nhất là 15 triệu đồng, ngay lập tức sẽ hưởng tiền lãi 3%/tháng. Nếu huy động thêm những người khác cùng tham gia, sẽ được hưởng thêm phần lãi từ số tiền của người  đi sau. Ngoài cơ sở tại đường T.H.L., công ty này còn liên kết với một số công ty khác tại quận 10. Theo nhận định của anh T., cách thức quảng bá và mời gọi tham gia, không khác gì các công ty bán sản phẩm đa cấp. Họ cũng đưa ra nhiều cách kiếm tiền vô cùng dễ dàng, trả lãi ngay cho những người đi trước để dụ những người đến sau...

Bài viết này chỉ phản ánh một trong vô số các loại hình tiếp thị, bán hàng thái quá mà phóng viên Báo SGGP và người nhà được chào mời tham gia. Không thể phủ nhận, bán hàng đa cấp là một loại hình kinh doanh hiện đại, có những ưu thế nhất định. Nhưng xuất phát từ áp lực doanh số, khát vọng làm giàu chóng vánh, nhiều nhân viên bán hàng đa cấp sử dụng nhiều chiêu trò chào mời không đúng với thực tế đã đẩy nhiều người, nhiều gia đình rơi vào cảnh xáo trộn bởi những ý tưởng làm giàu vô lý.

Trong bối cảnh công tác hậu kiểm còn hạn chế, bản thân người tiêu dùng cần tỉnh táo trước những lời mời chào. Tuyệt đối không tin vào các chiêu dụ dỗ mua hàng nhiều để đạt doanh thu cao, có thể nhanh chóng làm giàu, để tránh “tiền mất, tật mang, tan cửa, nát nhà”.

THÚY HẢI

Tin cùng chuyên mục