Báo động nghệ thuật sao chép, vay mượn

Scandal đạo hình ảnh, tác phẩm của các nghệ sĩ quốc tế đưa vào những dự án cá nhân của Maxk Nguyễn cho đến nay vẫn rất được dư luận quan tâm dù người trong cuộc đã chính thức lên tiếng xin lỗi. 

 

 

 

 

Không chỉ ở lĩnh vực thiết kế, những phát hiện đạo, nhái liên tục được phát hiện gần đây ở nhiều lĩnh vực hoạt động nghệ thuật trong showbiz Việt, nhất là âm nhạc khiến người ta không khỏi lắc đầu ngao ngán.
Cú sốc mang tên Maxk Nguyễn

Những ngày qua, câu chuyện về Maxk Nguyễn được rất nhiều người quan tâm. Maxk Nguyễn tên thật là Nguyễn Mạnh Khôi (SN 1991), từng được biết đến với danh hiệu Quán quân Vietnam Young Lions 2016. Sở dĩ câu chuyện của Maxk “dậy sóng” bởi anh là người tạo cảm hứng rất nhiều cho cộng đồng sáng tạo trẻ thông qua nhiều dự án artworks như Saigon Emoji, Sài Gòn 3 mét vuông, Sài Gòn sau vai, Vịt lộn vịt vữa cút lộn. 

Vụ việc bắt đầu gây xôn xao khi những bằng chứng trưng ra từ một số người trong nghề về hàng loạt ý tưởng của Maxk được cho là “giống một cách kỳ lạ” với tác phẩm của các nghệ sĩ nổi tiếng thế giới. Khởi điểm là khi Facebooker Hiếu Châu (Sith), một nghệ sĩ khá nổi tiếng trong giới sáng tạo tại TPHCM tìm thấy sự giống nhau về ý tưởng của nghệ sĩ Alessi với ý tưởng bịch trà sữa của Maxk trong dự án Saigon Emoji. Tiếp đó là hình ảnh chiếc xích lô thồ hàng của nghệ sĩ Francis Curran được đưa vào nguyên si cũng trong dự án Saigon Emoji. Trước những ý kiến đặt nghi vấn về vấn đề này, ban đầu Maxk Nguyễn cho rằng có thể là ý tưởng trùng ý tưởng và sự giống nhau là do anh dùng ảnh từ Stock - kho hình ảnh miễn phí trên internet.

Trước lập luận này cùng khá nhiều ý kiến bảo vệ Maxk từ bạn bè và cộng đồng fan hâm mộ anh, nhiều người trong nghề đã bỏ công truy tìm sự thật từ chính những nghệ sĩ là tác giả có tác phẩm bị Maxk đạo và chôm chỉa. Để rồi, trước những bằng chứng không thể chối cãi, Maxk Nguyễn sau đó đã phải viết thư xin lỗi và thừa nhận hành vi sai trái của mình.
Báo động nghệ thuật sao chép, vay mượn ảnh 1 Tiết mục mở màn của The Face có hình ảnh máy bay
 Nếu trong giới sáng tạo, những vụ việc như của Maxk Nguyễn thỉnh thoảng mới bị “khai quật” thì nghi án đạo nhái trong lĩnh vực âm nhạc xuất hiện như cơm bữa. Mới nhất là trường hợp ca khúc Người ta và anh của Lê Thiện Hiếu và Như cái lò của Khắc Hưng. Người ta và anh là MV đầu tay của Lê Thiện Hiếu, một cái tên mới nổi sau ca khúc Ông bà anh ở Sing my song bị cư dân mạng cho là giống y chang bản phối của Till The Morning Comes do nhóm nhạc The Marauders của Mỹ thể hiện. Trong khi đó, sau vài ngày phát hành nhiều khán giả nhận ra Như cái lò mà Khắc Hưng sáng tác cho Huyền Sambi có rất nhiều điểm giống MV Bass down low của Dev về hình ảnh, bối cảnh và ý tưởng. Vũ đạo của Huyền Sambi cũng bị cho là “phiên bản lỗi” Hello bitches của CL (2NE1). Tính đến nay, đây là lần thứ tư liên tiếp sản phẩm của Khắc Hưng - một trong những nhà sản xuất trẻ được đánh giá cao hiện nay, từng nhận nhiều giải thưởng và đẩy nhiều ca sĩ trẻ lên nhờ các bản hit của mình - bị vướng nghi án đạo nhạc, sau Ánh nắng của anh (Đức Phúc), Ghen (Min - Erik) và Đâu chỉ riêng em (Mỹ Tâm). Dường như những nghi án đạo nhái đã trở thành chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” trong lĩnh vực âm nhạc. Rất nhiều ca khúc đình đám của Sơn Tùng M-TP, Đông Nhi, Min, Erik… cũng dính nghi án đạo nhạc. Và danh sách này dường như đang ngày càng dài ra thêm!

Ở đâu có sáng tạo ở đó có đạo nhái!
Xem ra câu nói, “ở đâu có sáng tạo ở đó có đạo nhái” đã trở thành “chân lý” trong showbiz Việt. Không chỉ có âm nhạc hay thiết kế, đạo nhái hiện diện khắp mọi nơi. Không đến mức rơi vào tình trạng hàng giả, hàng nhái “bóp chết” sự phát triển như ở lĩnh vực mỹ thuật hay thời trang nhưng tình trạng đạo nhái cũng gây ra những bức xúc đáng kể cho những người làm nghề chân chính ở những lĩnh vực khác. Mới đây, nhà sản xuất chương trình Gương mặt truyền hình - The TV Face tỏ ra bức xúc khi cho rằng, tiết mục mở màn đêm chung kết The Face - Gương mặt thương hiệu 2017 đã copy tiết mục của mình. Tuy nhiên, ngay lập tức có ý kiến đặt nghi vấn liệu format Gương mặt truyền hình có phải mô phỏng từ Gương mặt thương hiệu hay không khi rõ ràng Gương mặt truyền hình lên sóng sau và là format thuần Việt trong khi The Face là chương trình mua bản quyền từ nước ngoài và đã sản xuất nhiều mùa trước đó.  Các chương trình truyền hình thực tế, game show cũng ngày càng dính nhiều “phốt” liên quan đến đạo nhái. Mới đây, Nghệ sĩ ưu tú Thành Lộc đã chẳng đặng đừng viết một dòng trạng thái dài bày tỏ sự không hài lòng với việc nghệ sĩ Gia Bảo, cháu nội nghệ sĩ ưu tú Bảo Quốc đồng thời cũng được xem là truyền nhân thế hệ thứ tư của gia tộc lẫy lừng của sân khấu miền Nam là bầu Thơ và Thanh Minh - Thanh Nga, đạo ý tưởng vở kịch Tía ơi, má dìa! để dựng thành tiểu phẩm Mình ơi - Lý son sắt để dự thi trong chương trình Sao nối ngôi phát trên sóng truyền hình THVL1. 
Báo động nghệ thuật sao chép, vay mượn ảnh 2 Gia Bảo trong Mình ơi - Lý son sắt, tiểu phẩm được cho là đạo ý tưởng từ vở kịch Tía ơi, má dìa
 Chuyện chưa lắng thì tiếp đó, cũng trong một chương trình khác phát sóng trên THVL1 là Kịch cùng bolero, khán giả lại phát hiện nội dung vở kịch Xuất giá tòng phu của đạo diễn Vũ Trần phần nhiều sao chép từ truyện cùng tên của nhà văn nổi tiếng Nguyễn Công Hoan.
Điều nhiều người thắc mắc là khá nhiều tác phẩm đạo được đưa lên sóng truyền hình nhưng chỉ đến khi khán giả lên tiếng thì mọi chuyện mới vỡ lở, còn trước đó dù qua rất nhiều khâu kiểm duyệt của nhà đài nhưng vẫn “lọt sổ”. Điều đáng nói là, trong đa số trường hợp xâm phạm tác quyền khi được phát giác phần lớn nhà đài đều đẩy quả bóng trách nhiệm về phía thí sinh, còn nhà đài thì gần như bàng quan, rũ bỏ trách nhiệm.  Thế giới ngày càng phẳng với sự phát triển vũ bão của công nghệ, việc phát hiện một tác phẩm đạo nhái không còn là điều gì khó khăn. Chính vì vậy, những người làm nghệ thuật, nhất là giới trẻ, càng phải nỗ lực sáng tạo bằng cá tính và thực tài để tạo dấu ấn cá nhân chứ không thể chăm bẵm vào việc ký sinh trên nền tư duy và trí tuệ của người khác. Chẳng có nghệ thuật chân chính nào thoát thai từ sự vay mượn và ăn cắp cả!
 Nhiều ý kiến cho rằng, sở dĩ nạn đạo, nhái tràn lan như thời gian qua một phần là do sự lười nhác trong tư duy sáng tạo của một bộ phận nghệ sĩ. Ngoài ra, chính  tư duy cho rằng thị trường nghệ thuật trong nước còn quá nhỏ bé nên thế giới không để ý và quan tâm đến  nên chuyện đạo, nhái nếu có phát hiện thì sự trả giá không nhiều, cùng lắm là xin lỗi và rút kinh nghiệm rồi thôi.

Tin cùng chuyên mục