Bạo động ở Syria lan sang Lebanon

Bất chấp nhiều nỗ lực của cộng đồng quốc tế, tình hình bạo động tại Syria vẫn tiếp diễn. Nguy hiểm hơn, tình hình bạo động nay đã lan sang Lebanon. Đã xảy ra nhiều vụ đụng độ giữa những người ủng hộ và chống Chính phủ Syria tại Beirut, Lebanon.
Bạo động ở Syria lan sang Lebanon

Bất chấp nhiều nỗ lực của cộng đồng quốc tế, tình hình bạo động tại Syria vẫn tiếp diễn. Nguy hiểm hơn, tình hình bạo động nay đã lan sang Lebanon. Đã xảy ra nhiều vụ đụng độ giữa những người ủng hộ và chống Chính phủ Syria tại Beirut, Lebanon.

  • LHQ lo ngại cho Lebanon

Những người biểu tình đã phong tỏa nhiều đường phố, đốt vỏ xe tại thành phố Beirut của Lebanon sau khi quân đội nước này bắn chết giáo sĩ Hồi giáo dòng Sunni, ông Abdul Wahid. Ông này là một trong những nhân vật chống đối mạnh mẽ Tổng thống nước láng giềng Syria Bashar al-Assad. Sau đó đã xảy ra nhiều vụ đụng độ giữa những người Hồi giáo dòng Sunni ủng hộ quân nổi dậy tại Syria với những người ủng hộ chính phủ Syria và chính phủ Lebanon. Nhiều trụ sở của người Hồi giáo dòng Sunni bị đốt. Ít nhất có 2 người chết và 18 người bị thương.

Đường phố ở Beirut sau các vụ bạo động.

Đường phố ở Beirut sau các vụ bạo động.

Tại thành phố Tripoli, phía Bắc Lebanon, tình hình bạo động cũng đã khiến hàng chục người bị thương. Ở khu vực phía Bắc Lebanon với đa số người Hồi giáo dòng Sunni, nhiều nhà cửa, trường học đã phải đóng cửa. Tuần trước cũng tại Tripoli đã xảy ra giao tranh giữa những người Alawite ủng hộ Chính phủ Syria với những người Hồi giáo dòng Sunni ủng hộ lực lượng nổi dậy ở Syria làm 10 người chết. Người ta lo ngại bạo động có thể lan tràn khi giáo sĩ Wahid được chôn tại đền thờ Bireh. Quan tài của vị giáo sĩ này phủ cờ của lực lượng nổi dậy ở Syria.

Từ lâu, những người Hồi giáo Alawite và Sunni tại Lebanon đã hiềm khích nhau. Chính phủ Syria cũng thuộc sắc tộc thiểu số Alawite từ lâu đã có mối quan hệ chặt chẽ với chính phủ Lebanon và nhóm Hezbollah thuộc Hồi giáo Shiite. Quân đội Syria cũng từng đóng quân tại Lebanon. Trong khi đó lực lượng nổi dậy tại Syria theo Hồi giáo dòng Sunni.

Trước các thông tin về tình hình bạo lực tại Lebanon, Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon  đã kêu gọi “tất cả các bên nỗ lực khôi phục trật tự”. Tổng thư ký LHQ cũng đã cử điều phối viên đặc biệt của LHQ về Lebanon, ông Derek Plumbly, tới Lebanon. Mỹ và EU cũng đã kêu gọi khôi phục trật tự ở Lebanon.

  • SNC có nguy cơ tan rã

Trong khi tình hình xung đột tại Syria vẫn tiếp diễn, Phó Tổng thư ký LHQ phụ trách hoạt động giữ gìn hòa bình, ông Herve Ladsous trong một cuộc họp báo tại thủ đô Damascus cho biết, có một lực lượng thứ ba tham chiến ở Syria nhưng không chỉ rõ đó là lực lượng nào. Tuy nhiên, ông này ám chỉ đó là các nhóm cực đoan. Theo Skynews, ông Ladsous khẳng định rằng vấn đề cần tập trung vào Syria hiện nay là xây dựng đối thoại và lòng tin giữa tất cả các đảng phái. Ông cho rằng bạo động chỉ chấm dứt khi tất cả các bên tại Syria và bên ngoài chọn con đường đối thoại. Lực lượng quan sát ngừng bắn của LHQ hiện có 260 người tại Syria, nhưng đã thất bại trong việc ngăn chặn giao tranh giữa quân đội chính phủ Syria với quân nổi dậy.

Trong khi đó, theo Reuters, 14 tháng kể từ khi xảy ra xung đột tại Syria, lực lượng đối lập chính ở Syria là Hội đồng Dân tộc Syria (SNC) gần như không nhận được thêm sự ủng hộ nào của cộng đồng quốc tế. Họ đang bị chia rẽ giữa những nhà chính trị và quân sự. SNC không kiểm soát được các hoạt động của người biểu tình, thiếu tổ chức trong hoạch định chiến lược. SNC vẫn chưa tìm ra được người đủ uy tín để đứng đầu tổ chức 313 thành viên này thay cho ông Burhan Ghalioun vừa từ chức hồi tuần trước. Phương Tây và các nước Ảrập đang ủng hộ và trang bị vũ khí cho SNC nhưng trước tình hình SNC rối như canh hẹ, họ đang lo ngại. Theo Reuters, nhiều nhà phân tích cho rằng SNC có thể tan rã nếu không được ủng hộ từ bên ngoài.

KHÁNH MINH

Tin cùng chuyên mục