Chuẩn ngoại ngữ (tiếng Anh) hiện được xem là điều kiện bắt buộc để xét tốt nghiệp cho sinh viên (SV) các trường đại học - cao đẳng (ĐH-CĐ). Hiện nay, nhiều cơ sở đào tạo nâng chuẩn và yêu cầu các chứng chỉ thông dụng như TOEIC: 450 điểm, TOEFL PBT: 450 điểm hoặc IELTS phải đạt 4.5 và rất ít trường áp dụng chứng chỉ A, B, C. Đáng nói là nhiều cơ sở đào tạo yêu cầu chuẩn tiếng Anh thông dụng quốc tế, khiến nhiều SV không thể tốt nghiệp và dẫn tới nhờ người thi hộ, dùng chứng chỉ giả tràn lan.
Thi hộ tràn lan
Theo phản ánh của nhiều trường ĐH-CĐ tại TPHCM, rất nhiều SV năm cuối do nợ chuẩn đầu ra môn tiếng Anh nên đã tìm mọi cách như nhờ người thi hộ hoặc dùng chứng chỉ giả hòng qua mặt nhà trường.
Mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra quận Thủ Đức TPHCM đã làm việc với Phòng Công tác sinh viên Trường ĐH Nông lâm TPHCM để lấy lời khai và thu thập các tài liệu, giấy tờ, chứng từ liên quan đến việc 34 SV nhờ người thi hộ chuẩn đầu ra môn tiếng Anh B1 vào các ngày 31-8 (3 người thi hộ) và 26-10-2014 (31 người thi hộ). Tại buổi làm việc, đại diện nhà trường đã cung cấp danh sách và thông tin của 34 SV nhờ người thi hộ. Trước đó, nhà trường cũng đã cung cấp 20 thẻ SV nghi là thẻ giả của các đối tượng thi hộ cho cơ quan điều tra. Trong đó, một số thẻ SV nghi ngờ giả mạo cũng đã được thu giữ và gửi cho Ngân hàng BIDV chi nhánh Thủ Đức để xác minh và nhận dạng thẻ (nhà trường liên kết với Ngân hàng BIDV để làm thẻ cho SV sử dụng vào mục đích đi thi, đóng học phí). Trước đó, trong năm 2013, trường cũng phát hiện 10 trường hợp thi hộ môn tiếng Anh, 2 SV (ngành Thủy sản và Cơ khí) sử dụng chứng chỉ TOEIC giả.
Thạc sĩ Đặng Kiên Cường, Trưởng phòng Công tác sinh viên Trường ĐH Nông Lâm, cho biết: “Theo quy định của trường, đối với SV hệ chính quy không chuyên ngoại ngữ, từ khóa 2008 trở về sau, đào tạo theo hệ thống tín chỉ được xét miễn 2 học phần tiếng Anh điều kiện (Anh văn 1, Anh văn 2) và công nhận đạt chuẩn ngoại ngữ đầu ra nếu đáp ứng một trong các điều kiện sau: có một trong những chứng chỉ quốc tế tiếng Anh TOEFL 400, TOEIC 450, IELTS 4.5, PET 70, BULATS 40”.
Trong thư phúc đáp gửi Trường ĐH Luật TPHCM, Công ty cổ phần IIG Việt Nam (đại diện Viện Khảo thí giáo dục Hoa Kỳ - ETS tại TPHCM), xác nhận: “Trong danh sách 43 SV trường gửi hậu kiểm, 40/43 thí sinh có kết quả trùng với dữ liệu trong hệ thống của ETS. Riêng 3 trường hợp còn lại, dữ liệu đã bị sửa thông tin về ngày thi và điểm số. Như vậy, phiếu điểm SV cung cấp cho trường là phiếu điểm giả”. Cùng với thông báo này, IIG Việt Nam còn gửi kèm bảng điểm của 3 SV sử dụng chứng chỉ giả. Cụ thể, khi so sánh với dữ liệu trong hệ thống ETS, số điểm của SV N.T.M.T. chỉ đạt 245 điểm (điểm nghe: 110, điểm đọc: 135) nhưng trên bảng điểm do SV này cung cấp, số điểm lên đến 665 (điểm nghe: 300; điểm đọc: 365). Ngoài ra, phiếu điểm này cũng in trên mẫu giấy không phải do IIG Việt Nam cung cấp.
Xác nhận của IIG Việt Nam về các trường hợp sinh viên sử dụng chứng chỉ TOEIC giả
Sinh viên lãnh đủ
Theo tiến sĩ Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nông lâm TPHCM, cùng với việc cung cấp hồ sơ cho cơ quan điều tra, Trường ĐH Nông lâm TPHCM cũng đưa ra hình thức kỷ luật đình chỉ 1 năm học đối với 34 SV nhờ người thi hộ tiếng Anh. Với trường hợp sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ giả, sau khi xác minh trường sẽ có hình thức xử lý riêng theo đúng quy chế đào tạo.
Ngay sau khi phát hiện 24 trường hợp thi hộ, Hội đồng kỷ luật Trường ĐH Tôn Đức Thắng đã họp và quyết định đưa ra hình thức kỷ luật đình chỉ học tập 1 năm. Tuy nhiên, theo đại diện nhà trường, đây là hình thức xử bước đầu, đồng thời trường cũng đã chuyển hồ sơ của 24 trường hợp thi hộ tại trường cho PA83 (Phòng An ninh chính trị nội bộ) Công an TPHCM tiếp tục xác minh điều tra. Nếu phía công an có kết luận thêm tình tiết mới thì nhà trường sẽ có hình thức xử lý kỷ luật tiếp theo.
Danh sách sinh viên nhờ thi hộ môn tiếng Anh Trường ĐH Nông lâm cung cấp cho Công an quận Thủ Đức
Theo đại diện của nhiều trường, với SV sử dụng chứng chỉ TOEIC ở ngoài trường, nhà trường sẽ lên danh sách gửi Công ty cổ phần IIG Việt Nam (đại diện Viện Khảo thí giáo dục Hoa Kỳ - ETS tại TPHCM) để xác minh. Trong khi đó, thông tin từ IIG Việt Nam cũng xác nhận, trong quá trình xác minh chứng chỉ TOEIC của các trường, IIG Việt Nam liên tục phát hiện nhiều trường hợp gian lận và làm giả mạo kết quả TOEIC, gây ảnh hưởng đến uy tín, chất lượng dịch vụ của IIG Việt Nam. Những trường hợp SV sử dụng chứng chỉ TOEIC giả, IIG Việt Nam sẽ đưa ra hình phạt là cấm thi TOEIC trong thời gian 3 năm trên phạm vi toàn Đông Dương. Với hình thức phạt này, nếu là SV năm cuối, nhiều khả năng sẽ bị đuổi học vì theo Quy chế đào tạo tín chỉ (Quy chế 43), thời gian tối đa hoàn thành chương trình học là 4 học kỳ (2 năm) đối với các khóa học từ 3 đến dưới 5 năm.
Như vậy, với việc nhờ người thi hộ hoặc sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ giả, SV là người lãnh hậu quả đầu tiên và chịu thiệt thòi nhiều nhất. SV vừa mất tiền, vừa lãnh hậu quả và ảnh hưởng đến cả quá trình học tập, thậm chí có SV phải ngậm ngùi “trắng tay” khi bị hủy kết quả học tập và bị đuổi học.
THANH HÙNG