Mặc dù dịch heo tai xanh có nguy cơ bùng phát tại nhiều địa phương, nhưng hàng ngày TPHCM vẫn tiếp nhận một lượng không nhỏ thịt heo không rõ nguồn gốc từ các tỉnh tuồn về. Đó là chưa kể các loại thịt gia súc, gia cầm khác, mặc dù các cơ quan chức năng đã rất nỗ lực ngăn chặn. Theo Chi cục Thú y TPHCM, hiện mới kiểm soát được khoảng 90% lượng gia súc, gia cầm vào thành phố.
Ồ ạt tuồn vào thành phố
Nằm ngay cửa ngõ của thành phố, mỗi ngày Trạm kiểm dịch động vật Thủ Đức ghi nhận hàng loạt xe chở gia súc, gia cầm và thịt các loại vào TPHCM. Và thực tế, trong số đó không ít xe chở gia súc, gia cầm chưa qua kiểm dịch của cơ quan chức năng.
Mới đây, trạm đã phát hiện một xe khách từ Quảng Nam vận chuyển hơn 1 tấn da và mỡ heo không có giấy chứng nhận kiểm dịch. Chủ của lô hàng cho biết số da và mỡ trên đưa vào bỏ mối cho các quán ăn ở quận Thủ Đức và Bình Thạnh.
Theo lãnh đạo trạm thú y, những hình thức vận chuyển được ngụy trang khá tinh vi, nếu không tinh mắt thì không thể phát hiện được. Bên cạnh các loại xe tải chở với số lượng lớn từ các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên vào thì đội ngũ vận chuyển bằng xe gắn máy cũng không phải ít.
Vừa qua, Trạm thú y quận Thủ Đức phát hiện tại khu vực cầu vượt Thủ Đức một chiếc xe máy vận chuyển lô hàng trên 1,6 tạ thịt heo bẩn trong giỏ nhựa rất mất vệ sinh. Theo người chủ lô hàng thì thịt được mua từ chợ Tam Hòa (Biên Hòa, Đồng Nai) về bán lại ở các chợ cóc tại khu chế xuất Linh Trung. Hay như vụ vận chuyển 10 con heo đã giết mổ lậu cũng vừa được phát hiện mới đây.
Bên cạnh thịt heo thì các loại thịt trâu, bò chưa qua kiểm dịch tuồn vào thành phố cũng không phải ít. Từ đầu năm đến nay, Trạm kiểm dịch động vật Thủ Đức cũng lập biên bản xử lý hàng chục vụ vận chuyển, buôn bán trâu, bò không kiểm dịch tại khu vực xa lộ Hà Nội. Điển hình như vụ bắt giữ xe máy vận chuyển 1,1 tạ chân trâu, bò không giấy chứng nhận kiểm dịch, hay xe khách 53S- 32… mang thương hiệu H.M điều khiển vận chuyển lô hàng gần nửa tấn thịt bò bẩn từ Đồng Nai lên thành phố tiêu thụ. Tài xế khai nhận chở thuê thịt bẩn cho một cơ sở mổ lậu ở Đồng Nai và đưa thịt lên để bỏ lại cho một cơ sở chuyên bán thịt tại các chợ cóc, lề đường.
Theo Chi cục Thú y TPHCM, mỗi ngày người dân TPHCM tiêu thụ hơn 400 tấn thịt gia súc, gia cầm, nhưng mới kiểm soát được 90% trong số đó. Điều này có nghĩa vẫn còn 40 tấn thịt gia súc, gia cầm mà người dân ăn mỗi ngày chưa được kiểm soát, thịt không rõ nguồn gốc. Theo thanh tra Chi cục Thú y, lượng thịt bẩn chưa kiểm soát được ra lò ở những cơ sở giết mổ lậu từ các tỉnh đổ về thành phố, lọt qua các trạm kiểm dịch. Sau đó tuồn ra ở các chợ chồm hổm, chợ cóc gần các khu chế xuất, công nghiệp và tiêu thụ ở lề đường dành chủ yếu cho công nhân và người thu nhập thấp. Nếu thịt heo sạch trên thị trường hiện có giá từ 90.000 đến 120.000 đồng/kg, thì ở các chợ lề đường, chợ tạm chỉ từ 60.000- 70.000 đồng/kg.
Nguy cơ bệnh tật tăng
Theo Chi Cục thú y TPHCM, những gia súc, gia cầm chưa qua kiểm dịch được tuồn vào thành phố không loại trừ đã bị bệnh, nguy hiểm hơn là mắc dịch bệnh tai xanh ở heo, lở mồm long móng ở trâu, bò. Còn các chuyên gia y tế cảnh báo việc sử dụng các loại thịt heo bệnh không được chế biến kỹ thì nguy cơ mắc bệnh liên cầu lợn rất nguy hiểm.
Thời gian gần đây, BV Bệnh nhiệt đới TPHCM đã tiếp nhận không ít trường hợp nguy kịch do nhiễm vi khuẩn liên cầu lợn. Theo TS-BS Nguyễn Hoan Phú, Phó khoa Nhiễm Việt - Anh BV Bệnh nhiệt đới TPHCM, từ đầu năm đến nay, nơi đây đã có 11 trường hợp nhiễm liên cầu lợn vào cấp cứu, nhiều trường hợp bệnh nặng. Trong đó, qua điều tra bệnh sử cho thấy nhiều trường hợp ngụ ở TPHCM được xác định ăn thịt heo không rõ nguồn gốc và có những biểu hiện của bệnh như sốt, buồn nôn, đau đầu…
Bác sĩ Hồ Đặng Trung Nghĩa, giảng viên bộ môn nhiễm Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, cho biết trung bình mỗi năm, BV Bệnh nhiệt đới TP tiếp nhận điều trị khoảng 30-40 bệnh nhân nhiễm vi khuẩn liên cầu lợn, nhưng trong năm 2010 và 2011 con số này đã tăng thêm khá nhiều.
Trước tình hình gia tăng bệnh nhân nhiễm khuẩn liên cầu lợn, mới đây BV Bệnh nhiệt đới đã có cuộc khảo sát thịt heo được giết mổ ở các lò mổ tại TPHCM và cho thấy khoảng 10% vi khuẩn liên cầu lợn týp 2 - loại vi khuẩn có mặt nhiều nhất trong những bệnh nhân mắc khuẩn liên cầu lợn, có trong thịt cho dù đã kiểm dịch. Ngoài ra 30% số người mắc bệnh liên cầu khuẩn lợn có làm việc trong môi trường liên quan đến giết mổ, chế biến thịt heo. Bác sĩ Nguyễn Hoan Phú cho biết bệnh liên cầu lợn là do vi khuẩn ở heo xâm nhập cơ thể con người qua các vết thương, trầy xước, lở niêm mạc chân răng…
TƯỜNG LÂM