Báo động thực phẩm giả

Mozzarella, một loại pho mát của Italia, nhưng thành phần pho mát thực ít hơn 50%; giăm bông, vốn làm từ thịt đùi heo, lại thay thế bằng thịt bò trộn thịt heo hoặc gia cầm; thậm chí, một loại trà thảo dược giảm béo nhưng không thấy trà, cũng không có thảo dược mà là bột đường tẩm một loại thuốc giảm béo phì với liều lượng gấp 13 lần so với bình thường...

Mozzarella, một loại pho mát của Italia, nhưng thành phần pho mát thực ít hơn 50%; giăm bông, vốn làm từ thịt đùi heo, lại thay thế bằng thịt bò trộn thịt heo hoặc gia cầm; thậm chí, một loại trà thảo dược giảm béo nhưng không thấy trà, cũng không có thảo dược mà là bột đường tẩm một loại thuốc giảm béo phì với liều lượng gấp 13 lần so với bình thường...

Những thống kê giật mình này là kết quả của đợt kiểm tra an toàn thực phẩm do Hội đồng Tây Yorkshire, Anh vừa tiến hành đầu tháng 2 vừa qua. 38% trong tổng 900 mẫu thực phẩm được kiểm tra có vấn đề. 1/3 mẫu nước trái cây chứa các thành phần không đúng như trên nhãn mác của sản phẩm, thậm chí có loại còn chứa chất bị cấm tại châu Âu như dầu thực vật bromat được sử dụng trong chất chống cháy. Trong khi đó, rượu vodka giả được bày bán trong các cửa hàng nhỏ có chất isopropanol sử dụng trong chất chống đông dùng trong công nghiệp.

Tiến sĩ Duncan Campbell, nhà phân tích cộng đồng Tây Yorkshire, cho rằng vấn đề về “thực phẩm giả” không chỉ đang hoành hành tại Tây Yorkshire mà còn ở quy mô cả nước Anh. Khách hàng đang phải chịu cảnh bị lừa dối trắng trợn khi mua những sản phẩm không tương xứng với số tiền bỏ ra hoặc ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của mình.

Bà Maria Eagle, một quan chức trong Chính phủ Anh, đã gọi đây là việc làm không thể chấp nhận. “Người tiêu dùng được quyền biết về những gì họ mua, sử dụng. Chính phủ phải ưu tiên giải quyết tình trạng thành phần thực phẩm không đúng với những gì được in trên nhãn mác, bao bì sản phẩm”, bà Maria Eagle nói.

Tại Anh, việc kiểm tra thực phẩm thuộc về trách nhiệm của các địa phương và phòng, ban liên quan đến tiêu chuẩn thương mại của các địa phương. Tuy nhiên, nhiều hội đồng địa phương hiện cắt giảm ngân sách hoạt động của các cơ quan chức năng trên, làm ảnh hưởng đến công tác kiểm tra thực phẩm đưa ra thị trường. Theo số liệu của cơ quan giám sát tiêu dùng Which? của Anh, số lượng mẫu thực phẩm được kiểm tra ở mức gần 7% trong khoảng thời gian 2012-2013, giảm 18% so với năm trước. Trong năm 2013, khoảng 10% chính quyền địa phương đã không tiến hành lấy mẫu thực phẩm để kiểm tra. Ngay cả vụ xì căng đan thực phẩm giả tại Tây Yorkshire cũng là do các nhà phân tích cộng đồng thực hiện với nỗ lực đảm bảo an toàn cho người dân chứ không phải là phòng thí nghiệm của chính quyền địa phương.

Các chuyên gia cho rằng trách nhiệm của chính quyền trong việc đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân là không phải bàn cãi nhưng không thể không nói đến trách nhiệm của các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm. Những hành vi chạy đua theo lợi nhuận bất chấp tính mạng của người tiêu dùng là không thể chấp nhận. Các doanh nghiệp thường làm giả “thịt” và các sản phẩm từ sữa bởi những mặt hàng này luôn có mức tăng giá nhanh và đều. Thịt giăm bông là một ví dụ. Vốn được làm từ thịt heo, nhưng để gia tăng lợi nhuận, các doanh nghiệp đã chế biến thịt giăm bông từ thịt gia cầm rồi thêm phụ gia màu. Cách làm ăn gian dối này đã đem lại cho họ những khoản lợi nhuận không nhỏ. Nhưng đây là kiểu làm ăn chộp giật, không bền vững. Những tập đoàn lớn trên thế giới ngày càng phát triển chính bởi chữ tín họ tạo dựng được trong lòng khách hàng. Thương hiệu của doanh nghiệp được gắn liền với sự tin tưởng của người sử dụng. Với kiểu làm ăn chỉ thấy cái lợi trước mắt, doanh nghiệp sẽ tự khai tử chính họ.

ĐỖ CAO

Tin cùng chuyên mục