Đây cũng là nơi hội tụ của 3 dòng sông lớn là Thu Bồn, Trường Giang và Đế Võng, một địa chỉ du lịch sinh thái quen thuộc với du khách trong và ngoài nước.
Rừng dừa sinh thái hay…sàn nhảy ?
Trước đây, đã có rất nhiều cá nhân, đoàn thể và cơ quan nhà nước lên án về nạn chặt phá dừa, xây kè cống, nhà hàng khách sạn, quán xá để phục vụ khách du lịch. Đến nay lại nổi cộm lên một vấn nạn cần được báo động đó là tình trạng mở nhạc vũ trường, nhạc sàn khắp nơi trong rừng dừa. Hầu như tất cả các thuyền thúng của các công ty dịch vụ xung quanh rừng dừa đều trang bị loa di động với công suất lớn để mở nhạc phục vụ khách, mặc dù khách không hề yêu cầu. Nhạc sàn thường mở chủ yếu là nhạc Hoa và nhạc Hàn. Không chỉ trên sông, giữa sông mà xuôi theo rừng dừa họ vẫn mở nhạc rất lớn và đặc biệt hơn là một số người dân chèo thúng đứng lên vành thúng nhún nhảy, múa hát, hò hét, có người cầm chèo xoay biểu diễn…, trông giống như một vũ trường ngoài trời.
Một người dân chèo thúng cho biết: “Các chủ doanh nghiệp nơi đây quan niệm trang bị loa trên thúng, mở nhạc và dân chèo múa hát tưng bừng vậy khách mới vui, và làm vậy họ sẽ được khách cho thêm tiền. Nếu không thì sẽ buồn lắm”.
Khi được hỏi về việc địa phương có cho phép việc này không, họ nói: “Mặc dù đây là điều cấm nhưng chủ họ lo lót hết rồi, nên cấm cứ cấm, mở cứ mở, nếu lỡ bắt được thì thu loa và phạt 3 triệu.”
Du lịch có thể thành “du côn” !
Theo chia sẻ của một người dân chèo thuyền thúng: “Hiện nay rừng dừa có hơn 500 thúng nhưng khách quá đông dẫn đến tình trạng thiếu thúng. Vậy nên có người bơi được 4-5 lần/ngày. Tuy nhiên họ chỉ hưởng lương tháng từ các chủ doanh nghiệp. Trung bình 3 triệu/tháng, thúng tự sắm. Trước đây hơn một năm là du lịch, nửa năm trở lại đây có biểu hiện chẳng khác gì “du côn”. Vì hiện không có một mức giá chung nào hết, với khách đoàn đặt tour thì tự thỏa thuận với các công ty du lịch theo mức giá công ty đưa ra, còn với khách lẻ tự đến tham quan thì sẽ tự trả giá và thỏa thuận với nhân viên hoặc người dân chèo thúng. Nếu chào được một giá khá cao nhưng chưa lên thúng thì người khác sẽ chào giá thấp hơn nhằm giành khách. Như vậy xảy ra cự cãi và đánh nhau. Chuyện này thì thường xuyên xảy ra. Và tình trạng hạ giá để giành khách vẫn còn đang tiếp diễn.”
Một chủ doanh nghiệp đang hoạt động ở rừng dừa cho biết: “Việc chào giá thì ai chào được nhiều hưởng nhiều, hiện không có quy định giá thống nhất. Chúng tôi cũng tùy vào tình hình mà chào giá bắt khách để có lợi nhất.”
Người dân chèo thúng lý giải thêm: “Thực ra cũng chỉ là “dân ngu khu đen”, trời ban lộc nhờ có rừng dừa, nên bắt đầu sống bám vào rừng dừa và khách đến đông vậy là làm du lịch chứ có học hành hiểu biết gì đâu… nên mới xảy ra nhiều chuyện vậy.”
Theo chân du khách tham quan rừng dừa chúng tôi nhận thấy tình trạng cự cãi nhau giữa những người chèo thúng lúc đang chở khách vẫn còn xảy ra. Họ to tiếng với nhau, thậm chí có những doanh nghiệp cử ra một người gọi là tổ trưởng. Người này cũng chèo thúng chở khách và có nhiệm vụ điều hành nhóm và cảnh báo cho những người khác khi phát hiện có điều gì bất thường. Ngay cả chuyện quay phim chụp ảnh nhiều cũng không được phép. Họ cự cãi, la hét không cho quay phim chụp ảnh nhiều với lý do “Đừng quay phim chụp ảnh nhiều khách sợ...”. Nếu không nghe lời sẽ bị quát nạt to tiếng...
Địa phương nói gì?
Trao đổi với ông Nguyễn Hùng Linh – Phó Chủ tịch xã Cẩm Thanh, ông Linh cho biết: “Khu vực ngoài sông cho mở nhạc, chân dừa thì không cho mở nhạc. Hiện nay không còn mở nhạc nữa. Ngày nào xã cũng xuống kiểm tra cả sáng lẫn chiều và đến nay đã không còn tình trạng này nữa.”
Khi chúng tôi cho ông Linh biết chúng tôi đã đi thuyền thúng và vừa rời khỏi rừng dừa thì ông Linh lại nói: “Không cho mở nhạc là vận động thôi chứ không có quy định, không có luật nào cấm mở nhạc hết nên chưa xử lý họ được”.
Ông khẳng định chiều nào cũng đi kiểm tra, chỉ có chiều hôm nay (4-8) bận họp giao ban nên không đi kiểm tra được.
Ông Linh cho biết thêm: “Quy định mặc áo phao khi đi thúng, ai vi phạm thì mới phạt. Hiện thành phố đang tiến hành đầu tư cơ sở hạ tầng, bến bãi và nhà đón tiếp, khu vệ sinh công cộng. Riêng giá đi thuyền thúng nhà nước không quy định cụ thể mà để người dân hiệp thương giá, tự thống nhất giá để bắt khách, việc này không thuộc ngành nghề để quy định giá. Hiện nay không kiểm soát được giá.”
Liên lạc với ông Nguyễn Văn Sơn – Phó Chủ tịch thành phố Hội An, ông cho biết: “Hiện rừng dừa đang làm rất tốt. Địa phương sẽ sắp xếp lại hết và có tổ chức bán vé, còn hiện nay dưới đó vẫn còn tự phát. Có nội quy cấm mở nhạc, cấm bứt dừa trong rừng dừa. Ai vi phạm thì phạt, tịch thu loa.”
Ngoài ra, trong rừng dừa vẫn còn tình trạng bứt đọt dừa, lá dừa non làm đồ lưu niệm tặng cho khách. Nhiều khách ngồi trên thúng tham quan vẫn không mặc áo phao.
Không những bên trong khu rừng dừa mà bên ngoài bãi xe cách đó không xa. Tình trạng kẹt xe, xe đậu hỗn loạn. Mạnh ai nấy đi, mạnh ai nấy đậu. Trông mất trật tự và ảnh hưởng đến giao thông nghiêm trọng.
Rừng dừa Bảy Mẫu là khu du lịch sinh thái nổi tiếng và được nhà nước công nhận Di tích cấp tỉnh mà tình hình lại bát nháo, mất trật tự đến vậy. Lãnh đạo địa phương có những ý kiến trái ngược nhau về phương thức quản lý dịch vụ, quản lý tài nguyên di tích. Thiết nghĩ thành phố Hội An cần quan tâm và có sự chấn chỉnh bài bản để nơi đây thực sự là điểm đến thân thiện môi trường với khách du lịch trong và ngoài nước.