Bao giờ cấp phường - xã “chia lửa” với Phòng Công chứng?

Bao giờ cấp phường - xã “chia lửa” với Phòng Công chứng?

Theo Nghị định 75/NĐ-CP ngày 8-12-2000 của Chính phủ, UBND cấp phường - xã có thẩm quyền chứng thực chữ ký của công dân Việt Nam trong các giấy tờ phục vụ cho việc thực hiện các giao dịch dân sự ở trong nước; di chúc, văn bản từ chối nhận di sản; các việc khác theo quy định của pháp luật. Thế nhưng, một số công việc đơn giản như chứng thực sao y từ bản chính các loại giấy tờ như văn bằng, chứng chỉ… người dân vẫn phải tập trung về các phòng Công chứng 1, 2, 3, 4, 5 trên địa bàn TPHCM, dẫn đến tình trạng quá tải triền miên.

  • Phòng Công chứng: hơn 50% công việc là sao y
Bao giờ cấp phường - xã “chia lửa” với Phòng Công chứng? ảnh 1

Cảnh chờ làm thủ tục sao y tại Phòng Công chứng số 5.

9giờ 30 sáng 17-3, Phòng Công chứng số 5 (số 278 Nguyễn Văn Nghi, quận Gò Vấp) người có nhu cầu công chứng ngồi đầy kín các hàng ghế hoặc đứng chen chúc quanh các quầy chờ nộp hồ sơ, nộp lệ phí và nhận lại hồ sơ. Đông nhất là tại bộ phận sao y.

Chị Đỗ Thị Hương ở Bình Dương đang chờ công chứng hợp đồng thuê mặt bằng cho biết, chị chờ hơn một tiếng đồng hồ mới tới lượt mình. Tại đây, chúng tôi chứng kiến một người đàn ông la lối vì ông nộp hồ sơ từ 8 giờ sáng và đã phải chờ hơn 2 tiếng đồng hồ mà vẫn chưa đến lượt mình.

Là một trong những công chứng viên làm công tác chứng nhận sao y của Phòng Công chứng số 1, anh Nguyễn Công Thoại cho biết, bộ phận sao y bản chính có một công chứng viên cùng 3 cán bộ nghiệp vụ làm công tác sao y, nếu ngày nào có đông khách thì lãnh đạo phòng sẽ điều thêm công chứng viên và cán bộ nghiệp vụ để giải quyết hết lượng khách trong ngày, trừ những hồ sơ có trên 30 bản sao thì hẹn giải quyết hôm sau.

Tương tự, Phòng Công chứng số 2 (đường Ngô Quyền, quận 5) có 8 CBCNV phục vụ cho việc sao y với quy trình khép kín: từ khâu nộp hồ sơ cho đến khâu trả hồ sơ đều ở tầng trệt để tránh tình trạng khách phải đi lại nhiều lần. Bình quân mỗi tháng Phòng Công chứng số 2 chứng thực 6.700 hồ sơ sao y với trên 60.000 văn bản (mỗi ngày sao y trên 3.000 văn bản), chiếm tỷ lệ 55% - 60% số công việc của phòng. Nêu ý kiến với chúng tôi, ông Hoàng Xuân Hoan, Trưởng phòng Công chứng số 2 và bà Nguyễn Thị Tạc, Trưởng phòng Công chứng số 4 đều đồng tình với chủ trương đưa sao y về phường.

  • Đưa việc sao y văn bằng, chứng chỉ về UBND phường - xã

Dự thảo đề án của Sở Tư pháp TPHCM về phân cấp chứng thực bản sao giấy tờ bằng tiếng Việt cho UBND cấp xã: Có 3 phương án sau:
– Phương án 1: Phân cấp thêm cho UBND cấp xã chứng thực bản sao các loại giấy tờ bằng tiếng Việt; các phòng công chứng, UBND quận - huyện vẫn tiếp tục thực hiện việc công chứng, chứng thực bản sao theo Nghị định 75 như cũ.
– Phương án 2: Giao cho UBND cấp xã chứng thực bản sao các loại giấy tờ bằng tiếng Việt; UBND quận - huyện vẫn tiếp tục thực hiện việc chứng thực bản sao theo Nghị định 75 như cũ (cả tiếng Việt và tiếng nước ngoài), riêng các phòng công chứng chỉ chứng nhận bản sao các loại giấy tờ bằng tiếng nước ngoài.
– Phương án 3: Giao dứt điểm việc chứng thực bản sao các loại giấy tờ bằng tiếng Việt cho UBND cấp xã; quận - huyện không thực hiện việc này nữa, các phòng công chứng chỉ chứng nhận bản sao các loại giấy tờ bằng tiếng nước ngoài.
Sau khi dự thảo đề án, Sở Tư pháp đã xin ý kiến của Sở Nội vụ TPHCM. Sở Nội vụ đồng ý phương án 2 của đề án. Hiện đề án đang chờ UBND TPHCM thông qua trước khi triển khai cho UBND cấp xã.

UBND phường 24 quận Bình Thạnh, hàng ngày phải sao y bình quân 100 - 200 văn bản.Trước đây phường có chứng thực sao y văn bằng, chứng chỉ theo Nghị định 31/CP. Từ khi Nghị định 75/CP có hiệu lực thi hành vào năm 2000, UBND phường chỉ còn chứng thực sao y hộ khẩu, CMND và một số loại công việc được quy định tại Nghị định 75/CP.

Ông Võ Minh Hoàng, Phó Chủ tịch UBND phường 24, cũng đồng tình với chủ trương đưa sao y về cho cấp phường - xã vì việc sao y văn bằng, chứng chỉ có tính cách đơn giản thì giao về cấp phường - xã là hợp lý.

Về tình trạng quá tải hiện nay tại các phòng Công chứng, bà Ngô Thị Minh Hồng, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TPHCM giải thích: Hiện đang mùa tuyển sinh, số lượng sao y văn bằng, chứng chỉ tại các phòng công chứng tăng lên, lẽ ra công việc này thuộc về trách nhiệm của các trường ĐH - CĐ khi nhận hồ sơ tuyển sinh, phải đối chiếu bản chính với bản sao, không được yêu cầu thí sinh nộp bản photocopy có công chứng chứng thực như hiện nay (Điều 73 khoản 4 Nghị định 75/CP).

Bà Ngô Thị Minh Hồng còn cho biết, ngày 1-3-2005, Sở Tư pháp đã trình UBND TPHCM dự thảo đề án phân cấp cho UBND cấp phường - xã trên địa bàn TPHCM chứng thực các loại bản sao giấy tờ, văn bằng, chứng chỉ bằng tiếng Việt cho UBND cấp phường - xã. Nếu đề án này được UBND TPHCM thông qua, Sở Tư pháp sẽ triển khai thực hiện trong thời gian sớm nhất.

Chủ trương đưa công việc sao y bản chính từ Phòng Công chứng về cho UBND cấp phường - xã rất được người dân đồng tình vì vừa giảm bớt áp lực quá tải ở các Phòng Công chứng vừa giúp người dân thuận tiện hơn trong việc sao y các giấy tờ tại địa phương nơi mình cư trú.

QUỲNH HƯƠNG
 

Tin cùng chuyên mục