Từ năm học 2006, gần 50 trường mầm non bán công tại TPHCM đã chuyển qua thực hiện mô hình công lập tự chủ tài chính (CLTC‘TC). Thế nhưng, đến nay sau hơn 2 năm hoạt động, các trường này vẫn lúng túng, không biết xoay xở ra sao trong tình trạng bộn bề những khó khăn khách quan và chủ quan.
Cơ chế TCTC là trả lại quyền chủ động cho tập thể sư phạm nhà trường mà hiệu trưởng là người quyết định. Song thực tế cho thấy quyền chủ động này vẫn tỏ ra… thụ động khi mọi hoạt động từ tuyển sinh đến tài chính của trường vẫn không hề được tự chủ, vẫn lỡ cỡ trong tình trạng “bình mới rượu cũ”. Chẳng hạn như học phí không đủ chi trả lương cho giáo viên, thiếu tiền triền miên, do đó luôn phải đề xuất và chờ cấp bù của nhà nước. Trường Mầm non 30-4 quận 1, đầu năm quận phải cấp bù trên 530 triệu đồng, Trường Mầm non Rạng Đông Quận (quận 6) thiếu tới 700 triệu đồng để trả lương cho giáo viên; ở quận 4, 3 trường hoạt động theo mô hình này, mỗi trường cũng thiếu từ 300 - 500 triệu đồng/năm tiền lương để trả cho giáo viên… và giải pháp cuối cùng vẫn là giải pháp chờ tiền cấp bù.
Các hiệu trưởng đều cho rằng so với mô hình bán công, CLTCTC chỉ là đổi tên cho phù hợp với Luật Giáo dục mới chứ không đúng nghĩa là tự chủ như tên gọi. Từ đó, có thể thấy ngay sự lãng phí ghê gớm khi hầu hết các trường mầm non CLTCTC đều là những trường lớn, nằm ở vị trí trung tâm, có cơ sở vật chất khang trang đạt chuẩn, thế mà vẫn phải hoạt động trong tình trạng chật vật, thiếu thốn mọi bề. Để khắc phục, nhiều trường buộc phải phá chuẩn, thu nhận thêm học sinh, tăng sĩ số lớp. Quy định mỗi lớp chỉ khoảng 30 học sinh, nhưng con số này đến nay đã tăng gấp đôi (60, thậm chí hơn 60 em/lớp) và khi mà giáo viên không tăng thì điều này đồng nghĩa với sự sụt giảm chất lượng.
Một cô hiệu trưởng cho biết trường chuẩn của mình có sân chơi rộng rãi thoáng mát, cơ sở khang trang, giáo viên đạt chuẩn nhưng học phí lại không đủ trang trải: trường MN CLTCTC chỉ thu 200 - 250 ngàn đồng/tháng (mức này đã áp dụng từ 1998), trong khi đó trường tư thục cơ sở vật chất không bằng nhưng học phí lên tới hàng triệu đồng, còn quốc tế thì lại thu bằng “đô” xanh rờn. Trong khi đó nhà nước phải cấp bù cho các trường, đồng nghĩa với việc tỷ lệ xã hội hóa trong giáo dục càng thấp đi. Thực tế, các nhà quản lý cần là cơ chế để họ tự hoạt động chứ không cần cấp bù bởi số cấp bù chỉ giảm bớt khó khăn chứ không thể giải quyết sự thiếu hụt của nhà trường. Đây không thể là giải pháp lâu dài.
Khác với các trường phổ thông, ở mầm non, các trường chuẩn luôn thu hút đối tượng học sinh con gia đình có điều kiện khá giả nhưng mức học phí hiện nay lại chưa tương xứng với chất lượng dạy và cơ sở vật chất của các trường.
Thu học phí linh hoạt dựa vào chất lượng giảng dạy, cơ sở vật chất của từng trường là giải pháp cần thực hiện ngay để giải quyết bớt khó khăn cho bậc học mầm non. Nếu không, vấn đề chất lượng bậc học này vẫn mãi ở trong vòng luẩn quẩn!
Lê Linh