Dự án xây dựng nhà máy phong điện

Bao giờ triển khai?

Vấn đề khai thác sức gió để xây dựng nhà máy phong điện với quy mô thương mại ở nước ta đã được các nhà khoa học đề cập cách đây gần 20 năm. Thế nhưng cho đến nay, việc triển khai các dự án dạng này chỉ nằm trên giấy hoặc nếu có thực hiện thì vẫn chỉ mang tính hình thức, thí điểm.
Bao giờ triển khai?

Vấn đề khai thác sức gió để xây dựng nhà máy phong điện với quy mô thương mại ở nước ta đã được các nhà khoa học đề cập cách đây gần 20 năm. Thế nhưng cho đến nay, việc triển khai các dự án dạng này chỉ nằm trên giấy hoặc nếu có thực hiện thì vẫn chỉ mang tính hình thức, thí điểm.

  •  10 năm, dự án vẫn nằm trên giấy 
Bao giờ triển khai? ảnh 1
Việc khai thác sức gió làm điện đã phổ biến tại nhiều nước trên thế giới.

Bà Dương Thị Thanh Lương, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu thiết bị nhiệt và năng lượng mới, Trường ĐH Bách khoa TPHCM cho biết, cách đây gần 10 năm, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Trường ĐH Bách khoa TPHCM và tổ chức RECTERE (Đan Mạch) tiến hành nghiên cứu và đề xuất xây dựng nhà máy phong điện với công suất 100kW tại xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ, TPHCM.

Dự án đã được UBND TP phê duyệt cho thực hiện và chia thành 2 giai đoạn: Lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, sau đó nhập khẩu động cơ gió để xây dựng máy phát điện. “Tuy nhiên, khi dự án mới thực hiện hết giai đoạn 1 thì phải tạm ngưng mà không có bất kỳ lý do nào” bà Lương bức xúc. Từ đó cho đến nay, trung tâm tiếp tục nghiên cứu ứng dụng năng lượng gió nhưng chỉ lắp đặt được gần 900 động cơ gió phát điện công suất nhỏ dùng sạc bình accu và động cơ gió bơm nước.
 Tương tự, Viện Kỹ thuật quân sự (Bộ Quốc phòng), Viện Kỹ thuật giao thông (Bộ Giao thông-Vận tải), Trung tâm Phát thanh và truyền hình TPHCM, Xí nghiệp Cơ khí 2-9… đã nghiên cứu và lắp đặt thử nghiệm một số mẫu động cơ gió phát điện nhưng công suất đạt được rất nhỏ. Thậm chí, từ năm 1990 đến nay, sau khi chương trình năng lượng mới cấp Nhà nước kết thúc thì việc tiếp tục nghiên cứu về năng lượng gió còn rất ít đơn vị quan tâm.

Ông Trịnh Văn Sơn, Trưởng văn phòng đại diện Bộ Công nghiệp phía Nam cho biết thêm: “Trên cả nước chỉ mới xây dựng được 2 trạm phong điện, đó là trạm tại đảo Bạch Long Vĩ (từ nguồn ODA của Tây Ban Nha) và một trạm tại bán đảo Phương Mai, tỉnh Bình Định, dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm nay. Tuy nhiên, quy mô cũng như công suất của 2 trạm này không đáng kể, chỉ giải quyết phần nào nhu cầu sử dụng điện sinh hoạt cho những người dân sống trên đảo”. 

  •  Phát triển ngành năng lượng gió: 3 không! 

Lý giải vấn đề này, ông Thierry Lefevre, Giám đốc Trung tâm Năng lượng và Môi trường Thái Lan cho rằng, yếu tố quan trọng nhất của doanh nghiệp khi muốn đầu tư vào ngành nào chính là lợi nhuận. Và đối với ngành năng lượng gió nếu không có chính sách hỗ trợ đầu tư, trợ giá sản phẩm thì điện gió sản xuất không thể đem lại lợi nhuận đủ để cạnh tranh với sản phẩm điện cùng loại.

Thế nhưng, ông Lê Hoàng Việt, Phó Giám đốc Trung tâm Môi trường và Năng lượng Thái Lan cho biết, Việt Nam chưa có khung pháp lý đủ hấp dẫn để thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư tài chính trong và ngoài nước tham gia. Cụ thể như chưa có biểu giá “điện xanh”. Các đơn vị muốn sản xuất điện xanh phải tự thương thảo giá bán điện với Tổng Công ty Điện lực và phần lớn họ bỏ cuộc vì mức giá mua “điện xanh” mà tổng công ty đưa ra quá thấp (tương đương với mức giá sản xuất điện bằng thủy điện, nhiệt điện); chưa có cơ chế hỗ trợ tài chính ngắn hạn và dài hạn, quy định thuế phát thải…

Trên thực tế, nhiều dự án đầu tư phát triển năng lượng gió của các tổ chức nước ngoài tại Việt Nam như: dự án nâng cao năng lực cho các chuyên gia phát triển dự án gió, các đơn vị cung cấp dịch vụ tư vấn, các nhà hoạch định của Chính phủ và tiến hành các hoạt động chuẩn bị cho việc phát triển các dự án điện gió do EU tài trợ… chỉ dừng lại ở mức đào tạo, tập huấn.

Ông Nguyễn Đình Hiệp, Phó Vụ Khoa học và Công nghệ thuộc Bộ Công nghiệp thừa nhận, đúng là cho đến nay vẫn chưa có chiến lược phát triển tổng thể về ngành năng lượng mới. Hiện bộ đang xây dựng chiến lược phát triển ngành này, đồng thời đề xuất các chính sách trợ giá cụ thể cho điện xanh, dự kiến sẽ trình Chính phủ phê duyệt vào cuối năm nay. Bà Lương cũng nhấn mạnh, “Các chính sách đưa ra phải rõ ràng, nhất quán, tránh lặp lại trường hợp như dự án xây dựng nhà máy phong điện Cần Giờ”.
 
Vấn đề là hiện nay, Nhà nước cũng cần sớm hoàn thiện hệ thống quan trắc gió, có thể đo được ở độ cao từ 30m – 60m, từ đó xây dựng cơ sở dữ liệu, lập bản đồ tiềm năng gió; có chính sách đảm bảo đầu ra cho loại sản phẩm đặc biệt này bằng cách thành lập quota để buộc các doanh nghiệp phải sử dụng điện xanh; xây dựng chứng chỉ xanh… Có như vậy mới tạo được niềm tin cũng như tranh thủ cơ hội tài trợ vốn của các tổ chức trong và ngoài nước tham gia đầu tư xây dựng nhà máy phong điện 

 Khúc Dương

Tin cùng chuyên mục